Tân Hưng với công tác dồn điển đổi thửa

Là một xã thuộc vùng bán sơn địa của huyện Sóc Sơn, sản xuất lúa ở Tân Hưng nhiều năm về trước chỉ đạt 47 - 50 tạ/ha. Thế nhưng, từ vụ Xuân 2011 đến nay, năng suất lúa ở đây đã tăng lên 60 - 61 tạ/ha, đem lại niềm vui, sự phấn khởi cho bà con nông dân. Ông Đỗ Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết, thành công trên có được là nhờ xã đã làm tốt công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT)...
Toàn xã có 1.767 hộ gia đình, 8419 nhân khẩu, sử dụng 548ha đất nông nghiệp, chia thành 31.840 thửa ruộng, bình quân mỗi hộ có 18 thửa ruộng, diện tích các thửa ruộng lại không đồng đều với thửa lớn nhất có diện tích là 456,8m2, thửa nhỏ nhất là 26m2, được bố trí phân tán, đan xen lẫn nhau trên khắp các xứ đồng nên rất khó khăn cho việc quy hoạch vùng sản xuất, hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
 

Ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tuyên truyền,
giải thích cho bà con nông dân hiểu hết hiệu quả của việc dồn điền đổi thửa.

Dồn điền đổi thửa thành công tạo điều kiện cho địa phương tiến hành xây dựng kênh mương,
quy hoạch nông thôn một cách thuận lợi.

Bà con nông dân xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) kiểm tra chất lượng lúa hàng hóa.

Toàn xã Tân Hưng có 1.767 hộ gia đình, 8419 nhân khẩu, sử dụng 548ha đất nông nghiệp.

Nhờ dồn điền đổi thửa, đất quy về một mối, nhiều hộ nông dân trong xã có thể phát triển kinh tế VAC.

Xác định rõ DĐĐT là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, chỉ có thực hiện DĐĐT mới có thể nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, năm 2010, Đảng bộ và chính quyền UBND xã Tân Hưng đã triển khai thí điểm hạn mức giao đất ở 3 thôn: Ngô Đạo với 608m2/khẩu, Hiệu Chân với 286m2/khẩu và Cẩm Hà với 421m2/khẩu; năm 2011 tiếp tục triển khai ở 2 thôn: Cốc Lương với hạn mức giao đất là 542m2/khẩu, Đạo Thượng là 679m2/khẩu.

Kết quả sau hơn 2 năm thực hiện, ruộng đất ở xã Tân Hưng từ chỗ phân tán đã được tập trung lại khi 4/5 thôn hoàn thành giao ruộng đến hộ gia đình, bình quân từ 1 - 3 thửa ruộng/hộ. Tất cả các thửa ruộng đều có đường giao thông với mặt cắt nhỏ nhất là 4m, rộng nhất lên tới 8m chạy qua và hệ thống kênh dẫn nước đến từng thửa ruộng. Điều này không chỉ giúp chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất cây trồng mà còn giảm chi phí, thời gian sản xuất, tăng giá trị thu nhập trên 1ha canh tác… Trong quá trình triển khai, Đảng bộ và chính quyền xã Tân Hưng đã tiến hành song song với việc quy hoạch hệ thống giao thông thủy lợi, đường mương nội đồng nhằm đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa... Đây được coi là bước tạo đà tiến tới hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của xã Tân Hưng.
 

Đảng bộ và chính quyền xã Tân Hưng sẽ tiếp tục triển khai công tác DĐĐT một cách hợp lý, hợp tình 
tiến tới hoàn thành các kế hoạch xây dựng nông thôn mới.
 
Nói về kế hoạch sắp tới, Ông Đỗ Văn Nghị, Phó Chủ tịch kiêm Phó Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Tân Hưng, cho biết, Đảng bộ và chính quyền xã Tân Hưng sẽ tiếp tục giải quyết những vướng mắc còn tồn tại liên quan đến công tác DĐĐT, xây dựng và triển khai công tác DĐĐT hợp lý, hợp tình, tiến tới hoàn thành các kế hoạch xây dựng nông thôn mới.../.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Ngọc Kỳ

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/tan-hung-voi-cong-tac-don-dien-doi-thua-33881.html


top