Du lịch

Tái hiện thủy binh thời Nguyễn

(BAVN Online) Chương trình tái hiện nghệ thuật “Cuộc thao diễn thủy binh” thời các chúa Nguyễn (1533-1777) ở bờ Bắc sông Hương đoạn phía trước dinh Kim Long trong dịp Festival Huế 2010 đã tái hiện quá khứ hào hùng thời mở cõi, ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ thù bảo vệ Tổ quốc của đội thủy binh thời các chúa Nguyễn...

(BAVN Online) Chương trình tái hiện nghệ thuật “Cuộc thao diễn thủy binh” thời các chúa Nguyễn (1533-1777) ở bờ Bắc sông Hương đoạn phía trước dinh Kim Long trong dịp Festival Huế 2010 đã tái hiện quá khứ hào hùng thời mở cõi, ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ thù bảo vệ Tổ quốc của đội thủy binh thời các chúa Nguyễn...

Cách đây gần gần nửa thế kỷ, chúa Nguyễn Phúc Lan (1648-1687) đã từng chọn Kim Long – Huế làm thủ phủ xứ Đàng trong. Thời bấy giờ, chúa Nguyễn Phúc Lan thường chọn quãng sông Hương trước phủ Chúa làm nơi thao diễn thủy binh nhằm huấn luyện và phô diễn sức mạnh quân sự, kỹ thuật, kỹ năng của các đội thủy binh.


Cuộc thao diễn thủy binh trên sông Hương.


Hình ảnh viên tướng thủy quân thời Nguyễn.


Các tướng lính chỉ huy cuộc thao diễn thủy binh.


Đội thuyền chở chất dẫn hỏa.


Đội pháo thuyền.


Đoàn chiến thuyền với cọc gỗ vót nhọn trong tư thế sẵn sàng đánh đắm thuyền địch.


Cuộc thao diễn trên bờ của đội thủy binh.

Thời chúa Nguyễn, Kim Long giữ vai trò trung tâm của xứ Đàng Trong liên tục trong suốt 51 năm liền (1636-1687) vì nơi đây có đường giao thông thủy bộ bốn mặt thuận lợi, đô thị lại sầm uất. Lúc bấy giờ ở Kim Long có đủ cả phủ Chúa, sân đại triều, bãi tập trận, bến cảng… Giáo sĩ Alexandre De Rhodes người Pháp đã dành một chương ghi lại ba cuộc thao luyện thủy binh thời chúa Nguyễn trong cuốn “Hành trình và truyền giáo” của mình được xuất bản năm 1653 tại Pari-Pháp.

Từ những tư liệu lịch sử của Alexandre De Rhodes, chương trình lễ hội “Thao diễn thủy binh thời các chúa Nguyễn” (1533-1777) được tái hiện trong Festival Huế 2010. Cuộc thao diễn được tổ chức trên đoạn sông Hương trước đình làng Kim Long với sự tham gia của 1.300 diễn viên và 72 chiếc chiến thuyền lớn, nhỏ.

Sân khấu trên bờ là mô hình một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, phía trước có chiếc vạc đồng tượng trưng cho quyền uy và đặc trưng nghệ thuật thời các chúa Nguyễn.

Giữa sông có hai chiếc bè lửa sáng rực vừa tạo nguồn sáng chính cho các hoạt động thao diễn vừa tạo nên hiệu ứng chiều sâu về không gian trình diễn. 72 chiến thuyền lớn, nhỏ căng buồm thắp đuốc sáng lòa cả một khúc sông.

Lễ hội được chia làm 3 phần, phần một là lễ tế của Chúa Nguyễn, phần hai là cuộc thao diễn và thể hiện sức mạnh của thủy quân ở trên bờ, và phần cuối cùng hấp dẫn nhất là cuộc thao diễn của đội thủy binh ở dưới dòng sông Hương.

Phần hội thao diễn tập luyện thủy binh rất hùng tráng. Trong tiếng chiêng trống nổi lên liên hồi, các thủy binh gươm giáo sáng lòa, hàng ngũ chỉnh tề uy nghiêm với khí thế hừng hực. Cuộc thao diễn đã cho người xem được chứng kiến những màn xông pha nơi đầu sóng ngọn gió của đội thủy binh hùng mạnh thời nhà Nguyễn.

Những chiến thuyền chở đầy thủy binh cùng các chiến tướng ào ào lướt sóng lớp lớp dàn binh trên mặt nước sông Hương thẳng tiến áp sát vào thuyền địch quyết một trận sống mái với quân thù. Tiếng quân reo vang dậy cả khúc sông. Những khẩu đại bác ở trên bờ và trên thuyền thi nhau khai hỏa. Ánh sáng của đạn pháo hòa lẫn trong muôn nghìn sắc màu lung linh của màn pháo hoa bắn ra từ nhiều hướng làm cho không khí của đêm thao diễn càng trở nên hùng tráng, thể hiện được cái khí phách oai hùng của một đội thủy binh thiện chiến của người Việt thuở xưa./.

Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Vũ Hoàng Giáp, Trịnh Thông Thiện, Vĩnh Hưng, Quốc Việt, Thanh Tùng

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/tai-hien-thuy-binh-thoi-nguyen-7934.html


top