Nghề Việt

Tái hiện phố Hàng Bạc qua Triển lãm nghệ thuật “Lấp lánh phố nghề”

Lần đầu tiên công chúng Việt Nam được khám phá những giai đoạn lịch sử và chiều dài văn hóa của Phố Hàng Bạc, nghề kim hoàn đúc bạc qua một triển lãm mang tên “Lấp lánh phố nghề”. Đây là một hoạt động tiếp nối dự án “Chuyện Đình trong Phố” phối hợp cùng hoạt động kỷ niệm thường niên của ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội. 

Lần đầu tiên công chúng Việt Nam được khám phá những giai đoạn lịch sử và chiều dài văn hóa của Phố Hàng Bạc, nghề kim hoàn đúc bạc qua một triển lãm mang tên “Lấp lánh phố nghề”. Đây là một hoạt động tiếp nối dự án “Chuyện Đình trong Phố” phối hợp cùng hoạt động kỷ niệm thường niên của ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội. 

Đình Kim Ngân tại phố Hàng Bạc là nơi diễn ra Triển lãm nghệ thuật “Lấp lánh phố nghề”.

Đình Kim Ngân, 42 Hàng Bạc là một điểm đến quen thuộc đối với người dân Hà Nội đã trở thành một không gian ấn tượng của triển lãm “Lấp lánh phố nghề”. Đến đây công chúng được du hành vào những trầm tích văn hóa tái hiện rõ nét phố Hàng Bạc với cuộc sống của người dân qua dòng thời gian lịch sử. Các nghệ sĩ, họa sĩ đã mang tới những tác phẩm nghệ thuật đa dạng gợi lại quá khứ vàng son của ngôi Đình gắn với nghề kim hoàn và đúc bạc trước đây.

Trong Đình Kim Ngân có bàn tờ thổ nghề đúc bạc qua nhiều thăng trầm của lịch sử.

Nghề thủ công vàng bạc được gắn với nghệ nhân làng Châu Khê khi họ làm công việc đúc bạc cho triều đình thời nhà Lê tại đình Kim Ngân. Câu chuyện nghề này được họa sĩ Vũ Xuân Đông tái hiện trên các tác phẩm chiếc đèn lồng tạo hình nén bạc. Trong không gian tương tác với kiến trúc cổ của ngôi đình, kết nối từ không gian Nghi môn tới khu vực sân đình cho người xem như du hành vào làng nghề vậy. Họa sĩ Vũ Xuân Đông tài tình ở chỗ, anh đã chạm trổ tinh xảo từ vân mây, trang trí sen hoá hổ phù nơi cửa võng tại không gian nhà tiền tế. Kết nối với câu chuyện đó là các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lê Bích gắn trên những mảng tường ngoài khu vực sân đình. Tiếp nối mạch câu chuyện nghề đúc bạc, nghệ sĩ Phạm Hùng Anh, Nguyễn Tuấn Dũng mang tới những tác phẩm sắp đặt ánh sáng gợi lại bóng dáng của các nghệ nhân đang thực hiện các công đoạn của nghề đúc bạc, chạm bạc xưa kia. Ánh sáng kim loại của nghề thếp bạc quỳ, vàng quỳ cũng được gợi mở trong cụm tranh sơn mài thếp vàng bạc của nghệ sĩ Đinh Văn Trọng và Lại Minh Huyên lấp lánh toả sáng trong không gian đình.

Tác phẩm mặt nạ Nghê và Sách Nghê kết hợp công nghệ số lấy cảm hứng từ chạm khắc Nghê trên cửa võng đình Kim Ngân của hoạ sĩ
nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế.

Hình ảnh phố hàng Bạc thời xưa qua ảnh tư liệu.

Bước chân vào phía trong Đình Kim Ngân, công chúng tiếp tục trải nghiệp nghề kim hoàn qua hình ảnh và tư liệu sưu tầm của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn. Từ đây chúng ta sẽ hiểu hơn lịch sử nghề kim hoàn Việt Nam đã từng được đưa vào giảng dạy chính thức trong chương trình đào tạo của trường Mỹ thuật Đông Dương. Các tư liệu phản ánh các cuộc thi trong triển lãm đấu xảo tại Đông Dương và Quốc tế, mở ra thời kỳ thịnh vượng giàu có của khu phố hàng Bạc với những thương hiệu cửa hàng nức tiếng trước năm 1954 ở Hà Nội.

Du khách tham quan các tư liệu hình ảnh về phố nghề Hàng Bạc qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Tay nghề của các nghệ nhân chạm khắc và thếp vàng bạc lại được thể hiện tài khéo trong 2 tác phẩm mặt nạ Nghê và Sách Nghê kết hợp công nghệ số lấy cảm hứng từ chạm khắc Nghê trên cửa võng đình Kim Ngân của hoạ sĩ nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế. Sự tài khéo và tinh xảo của đôi tay người nghệ nhân chạm bạc một lần nữa lại được thăng hoa trong các sản phẩm thiết kế đương đại ngày hôm nay với những mẫu đồng hồ thiết kế độc bản như những món đồ trang sức của hoạ sĩ thiết kế Trần Ngọc Chiến. Các tác phẩm đa dạng trong triển lãm của các nghệ sĩ, nhà thiết kế tham gia trong triển lãm như một nỗ lực đối thoại với không gian và nơi chốn lịch sử của con phố nghề khá hiếm hoi cho tới ngày nay còn giữ và tiếp nối được nghề kim hoàn vàng bạc từ thuở xưa nơi kinh kỳ, phồn hoa đô hội. Triển lãm cũng là một hoạt động nối dài chuỗi dự án “Chuyện Đình trong Phố” khi tiếp tục đưa nghệ thuật vào không gian các ngôi đình thờ tổ nghề trong Phố cổ, dần hình thành hệ sinh thái không gian sáng tạo và thúc đẩy mô hình du lịch khám phá di sản và bản đồ nghệ thuật trong khu vực phố cổ Hà Nội.

Một số bức tranh chạm bạc.

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho biết: Chúng tôi làm triển lãm này với một mong muốn thông qua tác phẩm nghệ thuật kể câu chuyện về phố nghề về nghề thủ công vàng bạc gắn liền với điểm đến Đình Kim Ngân, trong mỗi con phố mỗi chuyện nghề đều gắn với những câu chuyện văn hóa lịch sử, thông qua nghệ thuật công chúng sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về phố nghề ở nhiều góc nhìn. “Lấp lánh phố nghề” chính là như vậy.

Bài: Vân Trần, ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/tai-hien-pho-hang-bac-qua-trien-lam-nghe-thuat-lap-lanh-pho-nghe-398417.html


top