Từ khi lập quốc năm 1945 đến nay, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ khi lập quốc năm 1945 đến nay, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định tại khoản 1, 2 điều 24 Hiến pháp năm 2013, cụ thể: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.
Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam bộ, sáng 7/4/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Học viện Phật giáo Nam tông Khmer. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Với tinh thần đó, Nhà nước ta đã luôn nhất quán chính sách tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và đang nỗ lực bảo đảm tốt nhất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và bình đẳng giữa các tôn giáo.Với nỗ lực rất lớn của các cơ quan nhà nước, nhằm bảo đảm các tôn giáo hoạt động theo đúng tôn chỉ, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18-11-2016. Tiếp theo đó, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, với các mặt hoạt động khác có liên quan đến tôn giáo như: giáo dục, đào tạo chức sắc tôn giáo; xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự tôn giáo; hoạt động từ thiện, bảo trợ xã hội... được điều chỉnh tại một số luật có liên quan như Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Di sản, Luật Giáo dục…
Với khuôn khổ pháp lý nêu trên, tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm trên thực tế. Ước tính 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. 16 tôn giáo với 43 tổ chức được Nhà nước công nhận, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông Miếu, Bàlamôn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Bửu Sơn Kỳ Hương. Hơn 26,5 triệu người theo các tôn giáo, chiếm 28% dân số cả nước cùng hàng vạn cơ sở tín ngưỡng, thờ tự.
Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo giao lưu, hợp tác quốc tế. Việt Nam còn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ngày càng được mở rộng. Hằng năm, có hàng trăm đoàn của tổ chức, cá nhân tôn giáo ở trong nước tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài; nhiều chức sắc nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo.
Một buổi hành lễ của các tín đồ Cao Đài ở Tòa Thánh Tây Ninh. Ảnh: VNP
Với những thành tựu về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, Việt Nam đã chủ động thông tin cho các nước, các tổ chức quan tâm thông qua các buổi làm việc, diễn đàn song phương, đa phương và kênh đối thoại nhân quyền thường niên với các nước Mỹ, EU, Úc, Na Uy.
Cùng với bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, Nhà nước ta cũng kiên quyết đấu tranh với các hành vi lạm dụng quyền, gây ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, tổ chức khác trong xã hội.
Lễ tảo mộ là một phong tục, tín ngưỡng dân gian của đồng bào Chăm Bà Ni ở Bình Thuận để tưởng niệm, biết ơn tổ tiên và dòng tộc cũng như tâm linh của mọi người trong cộng đồng. Ảnh: Nguyễn Thanh – TTXVN
Thời gian gần đây xuất hiện các hoạt động mang màu sắc tôn giáo trái pháp luật của Hà Mòn, Tân Thiên địa, Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ, trái với văn hóa truyền thống của dân tộc, nhuốm màu mê tín dị đoan, có dấu hiệu trục lợi; các hoạt động của các tổ chức chống đối như “Hội Ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam”, “Phật giáo Hòa hảo đối lập”, “Văn phòng Công lý & Hòa bình thuộc dòng Chúa Cứu thế TP. Hồ Chí Minh”, “Hội Anh em Dân chủ”…
Nhằm bảo đảm tính thượng tôn pháp luật của Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội, Nhà nước đã đưa ra truy tố, xét xử những đối tượng vi phạm pháp luật.
Ở bất kỳ một quốc gia nào, các hoạt động tôn giáo đều được điều chỉnh và hoạt động theo pháp luật. Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, cởi mở trong trao đổi, cung cấp thông tin, cho các nước, các tổ chức quan tâm về vấn đề nhân quyền, trong đó có tự to tôn giáo, tín ngưỡng, thậm chí mời các tổ chức quốc tế vào thăm để tận mắt chứng kiến thực tế những nỗ lực cũng như chuyển biến tích cực về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam./.
-
- Bài: Phong Thu
- Ảnh: VNP, TTXVN
- Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/su-that-khong-the-xuyen-tac-294789.html