Tin tức

Sự đồng thuận là nguồn sức mạnh cốt lõi và bền vững nhất

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước Việt Nam (30/4/1975 - 30/4/2025), phóng viên TTXVN tại Cộng hòa Pháp đã có cuộc trao đổi với ông Eric Coudray, giáo viên sử địa tại thành phố Annecy, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương và tiến sĩ lịch sử đương đại tại Đại học Paul-Valéry Montpellier (Pháp). Theo ông Eric Coudray, ngày 30/4/1975 đánh dấu sự kết thúc của những cuộc chiến kéo dài gần 30 năm không ngừng nghỉ kể từ tháng 9/1945, đó là giai đoạn vô cùng khốc liệt trong lịch sử Việt Nam, khi đất nước phải đấu tranh với thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ. Theo ông Coudray, chiến thắng năm 1975 là kết quả của khát vọng thống nhất, sự tổ chức chặt chẽ của quân Giải phóng. Đề cao vai trò của tinh thần đoàn kết dân tộc trong việc tạo nên chiến thắng lịch sử này, ông Coudray cũng nhấn mạnh việc yếu tố hòa giải, hòa hợp dân tộc trong phát triển đất nước.
         Nhìn lại chặng đường phát triển của Việt Nam sau 50 năm thống nhất, ông Eric Coudray đánh giá cao nỗ lực tái thiết đất nước sau chiến tranh. Chiến tranh kết thúc đã tạo điều kiện để chính quyền mới tập trung xây dựng một quốc gia thống nhất, tái thiết những vùng đất bị chiến tranh tàn phá dù gặp nhiều khó khăn.
          Bước ngoặt thực sự, theo ông, đến từ chính sách Đổi mới năm 1986, khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế, đẩy mạnh thương mại và hội nhập thị trường toàn cầu. Ông nhận định đổi mới đã giúp Việt Nam bước vào tiến trình hiện đại hóa: "Chính sách đổi mới kinh tế đã mở cửa đất nước với thương mại và kinh tế thị trường, thực sự đưa Việt Nam bước vào quá trình hiện đại hóa, gạt bỏ hình ảnh của một quốc gia chỉ được biết đến qua quá khứ thuộc địa",
          Ông Coudray cũng đánh giá cao cách Việt Nam khéo léo mở rộng quan hệ đối tác, làm hòa với Pháp và Mỹ, qua đó vươn lên trở thành một quốc gia hiện đại trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đúc kết những bài học rút ra từ chiến thắng 30/4/1975, ông Eric Coudray cho rằng một trong những bài học quan trọng nhất là không làm đảo lộn cuộc sống người dân, bởi sự thống nhất dựa trên sự đồng thuận dân tộc mới là nguồn sức mạnh cốt lõi và bền vững nhất cho một quốc gia.
          Về vai trò của nhân dân Pháp trong cuộc kháng chiến của Việt Nam, ông Coudray cho rằng việc Pháp từ chối tham gia chiến tranh bên cạnh Mỹ từ năm 1954 đến 1973 đã thể hiện sự ủng hộ ngầm đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Ông nhắc đến bài phát biểu nổi tiếng của Tướng Charles de Gaulle tại Phnom Penh năm 1967 như một tín hiệu hi vọng cho tiến trình hòa giải.
           Từ năm 1973, khi Việt Nam và Pháp nối lại quan hệ ngoại giao, sợi dây liên kết giữa hai dân tộc ngày càng được củng cố thông qua lịch sử, văn hóa chung, và sau đó mở rộng ra các lĩnh vực như thương mại, khoa học, giáo dục, quốc phòng và du lịch. "Mối quan hệ này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia vào Cộng đồng Pháp ngữ," ông nhận định.
          Kết thúc cuộc trao đổi, ông Eric Coudray bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tinh thần kiên cường của người Việt Nam và niềm tin vào tương lai của mối quan hệ Pháp-Việt: "Tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta là một may mắn lớn, và cũng là niềm an ủi, bởi nó cho thấy rằng một quá khứ chung, dù từng bị tổn thương bởi bất đồng và chiến tranh, vẫn có thể chuyển hóa thành một tương lai hợp tác ổn định và bền vững – điều đặc biệt cần thiết trong thế giới đầy biến động hiện nay, nhất là tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
         Ông Eric Coudray không chỉ là một giáo viên sử địa tại thành phố Annecy mà còn là một chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương, Tiến sĩ lịch sử đương đại tại Đại học Paul-Valéry Montpellier (Pháp). Với luận án tiến sĩ "Một cuộc chiến bị lãng quên? Lịch sử và ký ức của các cựu chiến binh Pháp về chiến tranh Đông Dương", ông đã mang đến góc nhìn độc đáo về một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam và mối quan hệ Pháp-Việt./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/su-dong-thuan-la-nguon-suc-manh-cot-loi-va-ben-vung-nhat-395950.html


top