Với ngư dân Mai Phụng Lưu ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã trở nên thân thuộc như chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Và chính anh là ngư dân kiên cường bám biển, bám đảo nhất đã được cả nước vinh danh. Giờ đây, anh đã trở thành Giám đốc Công ty Thủy sản Lý Sơn, một bước tiến dài để có cơ hội phát triển hơn nữa nghề cá trên Biển Đông.
Hôm chúng tôi đến, cũng vừa lúc anh Lưu mang tấm biển “Công ty Thủy sản Lý Sơn” về nhà Lưu. Bà con chòm xóm ai cũng đến chúc mừng và giúp sức treo tám biển lên. Mọi người vừa làm vừa vui vẻ nói vui: “ Làm giám đốc rồi không được tham ô, tham nhũng đâu nhé “sói biển” Lưu!”. Lưu vuốt mồ hôi cười hiền từ, nụ cười như có nắng, sóng và gió của Biển Đông: “Có chứ, sẽ “tham ô cá” trên biển cả quê hương mình”.
Cách nói vui “tham ô cá” của Lưu được mấy thanh niên ngư dân gần nhà Lưu chứng thực. Bởi vì, Lưu nổi tiếng Lý Sơn với những chuyến hải trình ra khơi đánh bắt cá dài ngày nhất, đi xa nhất và hiểu biết nhất về những luồng lạch cá trên ngư trường Biển Đông. Có lẽ vì nhiều cái “nhất” này mà người dân trên đảo Lý Sơn gọi anh là “sói biển”.
Mặc dù là giám đốc nhưng Mai Phụng Lưu vẫn là một “sói biển” của Lý Sơn bởi có nhiều kinh nghiệp về biển cả và sóng nước. |
Mai Phụng Lưu trên đội thuyền đánh bắt xa bờ của đảo Lý Sơn. |
“Góc tâm linh” của “sói biển”. |
Chuẩn bị cho ngày khai trương Công ty. |
Bạn bè mừng cho "sói biển" ngày thành lập Công ty. |
Vốn chỉ quen chuyện lênh đênh hàng tháng trời trên biển,
nay "sói biển" bắt đầu làm quen với tin học để phục vụ cho công việc kinh doanh của mình. |
"Sói biển" với thương vụ giao dịch đầu tiên trên cương vị giám đốc của mình. |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng Mai Phụng Lưu trong chương trình "Vinh quang Việt Nam". |
Tấm biển Công ty Thủy sản Lý Sơn được dựng lên trang trọng ngay trước cửa nhà Mai Phụng Lưu. Nâng cốc bia chúc mừng buổi vạn sự khởi đầu, Lưu kể: “ Tháng trước tôi mới đi Hải Phòng để đặt hàng đóng một chiếc tàu vỏ sắt trọng tải 300 tấn, công xuất 1000 CV. Dự kiến trong thời gian tới, Công ty sẽ xây dựng một nhà xưởng phục vụ việc sơ, chế biến hải sản ở đất liền với công suất 100 tấn/ngày đêm và hai ô tô đông lạnh phục vụ công viêc vận chuyển tiêu thụ cá”. Lưu nói về dự định của công ty với ánh mắt chứa chan niềm tin.
Sau khi thắp nén hương báo cáo tổ tiên và trời đất về sự kiện quan trọng của đời mình, Lưu cùng anh em bè bạn quây quần nâng ly bia chụp ảnh để ghi nhớ ngày trọng đại của đời mình. Chụp xong cho Lưu và bạn bè tấm ảnh kỷ niệm, tôi nói đùa: “Tôi chưa từng thấy giám đốc nào không comple, dày da bóng lộn trong ngày thành lập. Chỉ có Lưu là độc nhất với quần áo sơ vin đơn giản, đi dép nhựa”. Lưu phản pháo: “ Tôi vừa giám đốc, kiêm thuyền trường lại là ngư dân thì mặc những thứ đó nó cứ kỳ lạ sao ấy. Trên biển quanh năm suốt tháng mà mặc comple, đi giày da thì đánh cá sao được!”.
Và câu chuyện về ông giám đốc không nuột nà này sau vài cốc bia thì không thể biết điểm đầu nhưng điểm cuối cùng mà Lưu nhớ nhất, hay kể nhất là những chuyến hải trình của mình trên ngư trường Hoàng Sa. Dĩ nhiên, cái cương vị giám đốc đối với Lưu mục đích chính là để có thể liên kết, hỗ trợ nhau nhiều hơn cho những đồng nghiệp ngư dân của mình trong nghề cá./.
Thực hiện: Việt Cường – Thông Thiện
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/soi-bien-lam-giam-doc-39925.html