Cuốn sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em được Bộ Y tế triển khai thí điểm ở Việt Nam từ năm 2011 và giờ đây đã được nhân rộng ở khắp các tỉnh thành, từ đồng bằng đến miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài giúp ích cho việc chăm sóc sức khoẻ, sổ hồng còn mang lại những giá trị nhân văn được mọi người rất coi trọng.
Cuốn sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em được Bộ Y tế triển khai thí điểm ở Việt Nam từ năm 2011 và giờ đây đã được nhân rộng ở khắp các tỉnh thành, từ đồng bằng đến miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài giúp ích cho việc chăm sóc sức khoẻ, sổ hồng còn mang lại những giá trị nhân văn được mọi người rất coi trọng.
Các bà mẹ tại xã biên giới Chí Cà, huyện Xín Mần, Hà Giang mang Sổ hồng đến Trạm y tế khám sức khỏe.
Giàng Thị Dính, bà mẹ trẻ sinh năm 1999, người dân tộc Mông, bụng bầu vượt mặt đến Trạm Y tế xã Chí Cà, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang khám thai. Dính địu theo con gái lớn Vàng Thị Vang mới hơn 2 tuổi, tay Dính cầm hai cuốn Sổ hồng. Trong hai cuốn sổ là đầy đủ thông tin tất cả những lần đi khám thai của Dính. Những kỳ khám sức khoẻ của bé lớn cũng được ghi hết trong sổ, từ cân nặng, chiều cao, tình trạng sức khoẻ… Đến ngày hẹn tái khám là Dính và các chị em mang bầu, hoặc đang nuôi con nhỏ trong xã lại dắt lưng cuốn Sổ hồng đến Trạm Y tế.
“Sổ hồng” là cách gọi ngắn gọn của “Sổ Theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em”, giúp theo dõi cả quá trình liên tục từ lúc người mẹ mang thai cho đến khi trẻ được 6 tuổi. Sổ có bìa màu hồng, được mô phỏng từ quyển sổ tương tự của Nhật Bản. Từ năm 2011-2014, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam thực hiện dự án thí điểm triển khai Sổ hồng tại bốn tỉnh Điện Biên, Hoà Bình, Thanh Hoá và An Giang.
Ngoài phần ghi chép của nhân viên y tế, Sổ hồng còn có cả phần để người thân trong gia đình ghi chép những thông tin cần thiết về chăm sóc mẹ và bé. Vì thế, cuốn sổ còn như một cuốn nhật ký về tình mẫu tử dài 6 năm kể từ khi các bé chào đời.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương, hộ sinh Trạm Y tế xã Chí Cà kể: “Trước đây khi chưa có sổ, mỗi lần thăm khám, chúng tôi phải dùng phiếu khám. Khám xong thì trả phiếu cho các bà mẹ và không rõ họ có giữ được hay không. Nhưng từ khi có Sổ hồng thì rất tiện lợi, tất cả các thông tin được tập hợp đầy đủ, các bà mẹ cũng có ý thức giữ sổ, công tác quản lý y tế dễ dàng hơn”.
Bác sĩ Chuyên khoa 1 Lê Thị Nguyệt, hiện làm việc tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thanh Hoá, tham gia triển khai dự án Sổ hồng của JICA từ giai đoạn đầu tiên, vì vậy chị rất hiểu những lợi ích từ việc sử dụng sổ. Các buổi thăm khám y tế, hướng dẫn sử dụng Sổ hồng còn được các cán bộ y tế lồng ghép với lớp học về dinh dưỡng, chăm sóc cho mẹ và bé. Những lớp học thiết thực như vậy lúc nào cũng đông các người tham dự, chị Nguyệt cho biết.
“Sổ hồng được triển khai ở Triệu Hóa nhiều năm nay và theo số liệu thống kê các chỉ số chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại địa phương có kết quả rất khả quan., chị Hoàng Thị Oanh, Y sĩ sản nhi tại Trạm Y tế Thị trấn Thiệu Hoá nói. “Nhờ đọc Sổ hồng và qua tư vấn các bà mẹ đã được trang bị những kiến thức cơ bản, thiết thực về cách chăm sóc con. Chỉ nhìn vào một khía cạnh đơn giản như vậy, Sổ hồng cũng đã giúp ích cho mọi người rất nhiều”.
Nhận thức rõ những lợi ích to lớn trên, khi dự án thí điểm kết thúc, kinh phí không còn, tỉnh Thanh Hoá đã bổ sung kinh phí để tiếp tục hoạt động. Một số huyện, xã cũng dành kinh phí cho việc này, Bác sĩ Lê Thị Nguyệt cho biết.
Sau hơn 10 năm Sổ hồng có mặt tại Việt Nam, đến năm 2020, theo con số của Bộ Y tế, đã có 53 tỉnh thành sử dụng Sổ hồng, trong đó nhiều tỉnh đã thực hiện triển khai trên quy mô toàn tỉnh. Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em của Bộ Y tế cho biết, song song với việc duy trì, nhân rộng sử dụng sổ giấy, Vụ đã xã hội hoá để phát triển phiên bản Sổ hồng điện tử, đồng thời phối hợp các đơn vị khác đưa nội dung thông tin trong sổ tích hợp vào hệ thống phần mềm hồ sơ sức khoẻ cá nhân.
Ý nghĩa tốt đẹp và nhân văn của cuốn Sổ hồng đã được lan rộng và được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, của các gia đình trẻ ở khắp các tỉnh thành.
Bài và ảnh: Việt Cường
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/so-hong-yeu-thuong-333904.html