Văn hóa

Số hóa di sản từ công nghệ 3D

Trong cuộc sống hiện đại, văn hóa truyền thống trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm để góp phần vào bảo tồn và phát huy giá trị Việt. Từ đó những sản phẩm văn hóa mới mang hơi thở đương đại với góc nhìn sáng tạo dựa trên giá trị truyền thống ngày càng được quan tâm. Trong đó có sản phẩm văn hóa được tạo ra nhờ việc được sử dụng công nghệ 3D trong số hóa di sản.

Kiến trúc sư Đinh Việt Phương cùng công ty cổ phần 3D bắt đầu công việc số hóa di sản văn hóa này từ năm 2004 đã góp phần bảo tồn, quảng bá văn hóa Việt Nam trong thời đại số. 

Kiến trúc sư Đinh Việt Phương sử dụng công nghệ 3D để số hóa bản vẽ một số sản phẩm văn hóa phật giáo. Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam

Ở Việt Nam việc số hóa di sản hiện nay được khá nhiều công ty công nghệ thông tin tập trung vào làm. Trong đó kiến trúc sư Đinh Việt Phương của công ty cổ phần 3D cũng là một trong người bắt đầu công việc này từ năm 2004. Anh Phương đã bắt đầu cùng đội tình nguyện của đại học Kiến Trúc Hà Nội thực hiện việc vẽ 3D mô phỏng lại phố cổ Hà Nội và triển lãm với các tác phẩm vẽ về 3 thời kỳ Hà Nội cuối thế kỷ 19, Hà Nội đầu thế kỷ 20 và Hà Nội mùa Đông năm 1946. Khi triển lãm khá thành công, anh Phương đã bắt đầu mở công ty để làm các sản phẩm mang giá trị văn hóa từ việc số hóa di sản.


Kiến trúc sư Đinh Việt Phương chia sẻ: “Tôi nghĩ là việc lưu trữ lại không gian di sản bằng công nghệ sẽ trở thành một xu hướng trong thời đại chuyển đổi số. Tuy nhiên di sản là câu chuyện của các nhà chuyên môn làm về nghiên cứu, còn số hóa bằng công nghệ là công cụ để thực hiện. Vì vậy, khi làm mỗi sản phẩm tôi thường phải làm việc cùng các chuyên gia để sản phẩm mình làm ra phải mang đúng giá trị văn hóa cốt lõi.”.

Theo anh Phương, di sản được số hóa bằng công nghệ 3D sẽ gồm di sản vật thể, phi vật thể và ký ức. Khi làm một sản phẩm số hóa, anh thường cùng các cộng sự của mình sẽ tìm hiểu tại không gian văn hóa liên quan đến sản phẩm đó, rồi về lên bản đề cương chi tiết cùng các nhà nghiên cứu chuyên môn bàn thảo để cho bản vẽ cuối cùng đưa vào sản xuất thành sản phẩm. Tuy nhiên thời gian cho ra một bản vẽ cuối cùng cho sản phẩm thường khá lâu, bởi sản phẩm số hóa này thường có sự kết nối giữa giá trị di sản vật thể, phi vật thể và ký ức.


Việc phải làm sao cho sản phẩm số hóa từ công nghệ 3D đúng với cốt lõi giá trị truyền thống rất quan trọng. Ảnh: Tư liệu

Có kinh nghiệm sử dụng công nghệ thông tin trong số hóa các hiện vật trong bảo tàng, kiến trúc đình chùa đến số hóa di sản phi vật thể, kiến trúc sư Đinh Việt phương đã phục dựng nhiều công trình kiến trúc bằng công nghệ đồ họa 3D như phố cổ Hà Nôi, tượng Quan Âm chùa Báo Ân, cột đá chùa Dạm với kiến trúc họa tiết rồng thời Lý… góp phần bảo tồn các công trình kiến trúc Việt Nam. Những công trình đồ họa 3D trong số hóa di sản của anh được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực.

Anh Phương cho biết, không chỉ làm các sản phẩm từ việc số hóa di sản, anh còn tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu số về di sản. Việc số hóa tốt các di sản sẽ tạo nên hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn để nhiều người, đặc biệt là các bạn yêu thích văn hóa truyền thống có thể sử dụng, khai thác và tạo nên các sản phẩm mới. Qua đó góp phần quảng bá, phát triển giá trị văn hóa Việt trong thời đại chuyển đổi số./.




Các sản phẩm 3D về văn hóa Phật giáo do kiến trúc sư Đinh Việt Phương làm số hóa. Ảnh: Tư liệu

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long/ Báo ảnh Việt Nam & Tư liệu

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/so-hoa-di-san-tu-cong-nghe-3d-340748.html


top