Khám phá

Sen trên cổ vật

Hơn 100 cổ vật quý làm bằng vàng, ngọc, đá quý có trang trí họa tiết hoa sen lần đầu được giới thiệu đến công chúng tại Triển lãm “Sen trên cổ vật”. Triển lãm tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội), giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước vẻ đẹp độc đáo của biểu tượng hoa sen trên các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của người Việt.
Triển lãm chia thành 5 mảng trưng bày gồm: Sen trên cổ vật cung đình triều Nguyễn, sen trong nghệ thuật Phật giáo, sen trên vật liệu kiến trúc, sen trong đời sống xã hội và tranh thêu đề tài hoa sen. Toàn bộ cổ vật đều thuộc niên đại từ thế kỉ VII đến thế kỉ IX.

Hơn 100 hiện vật của “Sen trên cổ vật” đã làm ngạc nhiên giới nghiên cứu và công chúng vì sự đa dạng và phổ biến của loài hoa này trong các cổ vật. Đồng thời, Triển lãm cũng phác họa lịch sử phát triển của nghệ thuật tạo hình và trang trí gắn với biểu tượng hoa sen trong dòng chảy văn hóa Việt.



Triển lãm “Sen trên cổ vật” thu hút nhiều du khách nước ngoài tới tham quan.


Triển lãm trưng bày hơn 100 cổ vật quý làm bằng vàng, ngọc, đá quý có họa tiết hoa sen.


Du khách nước ngoài tìm hiểu về nghệ thuật trang trí hoa sen trên cổ vật của người Việt.


Triển lãm “Sen trên cổ vật” giúp du khách hiểu thêm về giá trị của hoa sen trong văn hóa của người Việt.

Đặc biệt, mảng đề tài “Sen trên cổ vật cung đình triều Nguyễn” với bộ sưu tập các hiện vật là đồ ngự dụng được chế tác từ những chất liệu quý hiếm như ngọc, vàng, bạc, ngà… hình tượng hoa sen được khắc họa hết sức tinh xảo, mềm mại làm cho các đồ dùng của Hoàng gia trở nên sang trọng, quý giá. 

Ngoài đồ ngự dụng quý giá, Triển lãm còn đem đến cho người xem một góc nhìn khác về sen, đó là sự xuất hiện của biểu tượng này trên các đồ dùng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Ví dụ như biểu tượng hoa sen trên lư hương, bát đĩa thời Lê. Một số cổ vật khác như bình, ấm, chân đèn, hũ, thống, thạp… của các thời kì cũng được trang trí hoa sen tạo nên vẻ đẹp thanh thoát, tao nhã, quý phái.



Ngói diềm mái in nổi hình hoa sen nở mãn khai bằng đất nung thời Lý ( thế kỉ XI-XIII).


Lư hương tranh trí hình rồng chầu sen từ thời Lê Trung Hưng.


Hạc ngậm hoa sen (bản dập) bia chùa Linh Quang, thành phố Hải Phòng.


Tượng Phật Thích Ca sinh ra từ hoa sen từ thời Lê Trung Hưng (thế kỉ XVII - XVIII).


Mũ trang trí cánh sen văn hoá Chămpa bằng vàng (thế kỉ XVII - XVIII).


Tượng Bồ Tát ngồi trên toà sen đúc bằng đồng (thế kỉ XIX - XX).


Đỉnh ngọc chạm hoa sen cách điệu thời Nguyễn (thế kỉ XIX - XX).


Hộp đúc nổi hình sen - uyên ương thời Nguyễn (thế kỉ XIX - XX).


Lá sen bằng ngọc thời Nguyễn (thế kỉ XIX - XX).


Tượng Hà tiên cô tay cầm hoa sen bằng ngọc của cung đình triều Nguyễn (thế kỉ XIX - XX).


Chuôi kiếm trang trí hoa sen cách điệu được làm bằng những nguyên liệu quý như: vàng, ngọc, đồi mồi.


Khay có vành tạo hình cánh sen thời Nguyễn.


Bức đại tự “Văn quang xạ đẩu” hình lá sen có trang trí thêm hoa, nụ, đài sen.

Tham quan Triển lãm, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, chỉ riêng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã sở hữu trên trăm cổ vật có sen, vì vậy có thể thấy loại hình nghệ thuật này còn rất nhiều trong trong đời sống, Triển lãm này cũng là cách chúng ta tìm lại chỗ đứng cho sen Việt trong văn hóa lịch sử của dân tộc./.
 
Thực hiện: Trịnh Bộ - Khánh Long

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/sen-tren-co-vat-94750.html


top