Phóng sự chuyên đề

SEA Games 31 – dấu ấn Việt Nam

Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31). Là sự kiện thể thao lớn nhất của khu vực, thành công của SEA Games 31 đã khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam trong khu vực.

Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31). Là sự kiện thể thao lớn nhất của khu vực, thành công của SEA Games 31 đã khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam trong khu vực, đồng thời là dịp để bạn bè quốc tế chứng kiến hình ảnh một Việt Nam giàu đẹp, phát triển và đã kiểm soát dịch bệnh thành công sẵn sàng đón du khách quốc tế trở lại một cách an toàn. 

 

Với thông điệp "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn", SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam không chỉ lan tỏa tinh thần thể thao cao thượng, đoàn kết và hữu nghị đến với hơn 600 triệu người dân của 11 quốc gia trong khu vực, mà còn là điểm sáng khẳng định sức mạnh của Đông Nam Á sau 2 năm đấu tranh với đại dịch. 

 

SEA Games 31 được tổ chức tại thủ đô Hà Nội và 11 địa phương khác nên ngoài việc được trải nghiệm nhiều địa điểm thi đấu hiện đại, ấn tượng, vận động viên thể thao các nước và du khách còn có cơ hội được tận mắt chứng kiến những thành quả phát triển kinh tế-xã hội cũng như nhiều điểm đến hấp dẫn ở các địa phương của nước chủ nhà. 

Cung Quy hoạch Quảng Ninh nằm bên bờ Di sản thế giới Vịnh Hạ Long là nơi phục vụ nhiều hoạt động cho SEA Games 31. Ảnh: Công Đạt/VNP

Để phục vụ SEA Games 31, tất cả các địa điểm tổ chức thi đấu ở Hà Nội và các địa phương đều được đầu tư nâng cấp hoặc xây mới hoàn toàn. Nhiều địa điểm thi đấu hiện đại, đẳng cấp quốc tế và luôn đông kín khán giả đã thực sự để lại ấn tượng tuyệt vời đối với các đoàn thể thao, du khách và bạn bè quốc tế như: Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Cung thể thao Quần Ngựa, Cung thể thao dưới nước, Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội (Hà Nội), Sân vận động Thiên Trường (Nam Định), Sân vận động Cẩm Phả, Khu thi đấu thể thao bãi biển Tuần Châu (Quảng Ninh), Cụm sân thi đấu quần vợt Hanaka (Bắc Ninh), sân golf Đm Vạc (Vĩnh Phúc), Trung tâm đua thuyền Thủy Nguyên (Hải Phòng)...

 

Điển hình như Sân vận động Thiên Trường ở Nam Định, tuy không phải là địa điểm thi đấu của đội bóng nước chủ nhà nhưng lượng khán giả đến sân luôn đông kỷ lục tạo nên bầu không khí cổ vũ cực kì sôi động đến mức trên trang chủ của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Football) đã cho đăng tải những hình ảnh “choáng ngợp” với lời bình luận ấn tượng: “Thật là bầu không khí cuồng nhiệt. 30.000 cổ động viên đã có mặt ở sân Thiên Trường tối nay (tối 7/5 – PV). Đây là kỷ lục mới về trận đấu có nhiều khán giả nhất tại một sân vận động trung lập trong lịch sử SEA Games.” 

Sân vận động Thiên Trường (Nam Định) tạo dấu ấn cho truyền thông quốc tế khi có số lượng khán giả tới sân nhiều nhất trong một trận đấu trung lập tại các kỳ SEA Games. Ảnh: Viết Dư

Vấn đề hậu cần, lễ tân, khánh tiết và ăn nghỉ của vận động viên cũng được các nước đánh giá cao. Ông Thana Chaiprasit, Trưởng đoàn thể thao Thái Lan đánh giá: “Việt Nam cũng như tất cả đều đã phải trải qua 2 năm rưỡi chiến đấu với đại dịch COVID-19, nhưng vượt qua tất cả, các bạn đã thu xếp chu đáo mọi mặt, từ chất lượng đội ngũ chuyên môn, tiêu chuẩn kỹ thuật tại các điểm thi đấu, công tác an ninh, lịch trình và phương tiện di chuyển cho đến mọi vấn đề hậu cần ăn nghỉ của các đoàn... Còn nhớ, năm 2003 (kỳ SEA Games đầu tiên Việt Nam tổ chức – PV), chúng tôi được xếp ở tại Làng thể thao, còn bây giờ tất cả mọi người đều được ở khách sạn hạng 4 - 5 sao. Đó là một sự thay đổi rất lớn!”.

 
 

Ngoài việc chăm chút về điều kiện ăn ở, thi đấu của các vận động viên, nước chủ nhà Việt Nam còn bố trí nhiều chương trình, tuyến du lịch hấp dẫn để phục vụ các đoàn thể thao, bạn bè quốc tế như: tuyến tham quan thủ đô Hà Nội miễn phí bằng xe buýt hai tầng; các chuyến du lịch khám phá làng gốm cổ Bát Tràng, Hoàng thành Thăng Long về đêm, tham quan khu di tích Đền Hùng, xem hát Xoan ở đình Hùng Lô (Phú Thọ) hay du thuyền khám phá Vịnh Hạ Long… nên đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về một đất nước Việt Nam thanh bình, tươi đẹp, phát triển và giàu lòng mến khách đối với các vận động viên, du khách và truyền thông quốc tế. 

 

Video người dân Hà Nội ăn mừng chiến thằng của Đội tuyển bóng đá Nam - Nữ Việt Nam.

Nói về nỗ lực của nước chủ nhà, Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia Singapore Tan Chuan-Jin, người trực tiếp dự khán Lễ khai mạc và các trận thi đấu tại SEA Games 31, đã đánh giá rất cao: "Thật khó để tổ chức một kỳ SEA Games giữa lúc còn ảnh hưởng của dịch COVID-19 như vậy, chưa kể còn nhiều vấn đề khác kèm theo. Để làm được điều đó, Việt Nam đã cho thấy họ ở đẳng cấp cao. Tôi có trao đổi với các vận động viên và giới chức của đoàn Singapore, họ cảm thấy mọi thứ đều tốt, đặc biệt là tình cảm nồng ấm, hữu nghị và thân thiện tại đây. Tôi thực sự hạnh phúc khi Việt Nam đăng cai và tổ chức tốt một kỳ SEA Games cho các nước trong khu vực".

 
 

Bên cạnh công tác tổ chức, sự nồng ấm và tính chuyên nghiệp của nước chủ nhà thì cũng cần phải nói đến thành tích thi đấu, một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công chung của kỳ Đại hội lần này. Xác định SEA Games là đấu trường để các nước trong khu vực Đông Nam Á làm bàn đạp phát triển thể thao thành tích cao nhằm hướng tới những sân chơi lớn hơn là ASIAD và Olympic, nên chủ nhà Việt Nam chủ trương tổ chức một kỳ Đại hội công bằng, khách quan và hữu nghị bằng cách đổi mới công tác trọng tài, áp dụng nhiều công nghệ giám sát kết quả thi đấu hiện đại. Và đặc biệt là mạnh dạn xóa bỏ tiền lệ cũ đó là không giành huy chương bằng mọi giá theo cách lấy thế mạnh của mình để gạt bỏ những môn thế mạnh của các quốc gia khác, mà chủ trương đưa hết các môn có trong chương trình thi đấu Olympic vào thi đấu nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng, sòng phẳng giữa các đoàn cũng như để thúc đẩy nâng cao thành tích thể thao chung của khu vực.

Người dân Thủ đô ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá U23 nam và nữ Việt Nam giành Huy chương Vàng SEA Games 31. Ảnh: Khánh Long/VNP

Có thể nói SEA Games 31 là cuộc thi tài hấp dẫn khi xuất hiện nhiều cuộc cạnh tranh đầy kịch tính giữa các vận động viên đẳng cấp thế giới. Ví dụ như ở nội dung xà kép, VĐV Đinh Phương Thành của Việt Nam từng giành HCĐ ASIAD 2014 đã xuất sắc đánh bại nhà vô địch thế giới năm 2019 Carlos Yulo của Philippines để giành HCV. Bên cạnh đó, nhiều kỷ lục SEA Games cũng được phá vỡ như: Ernest John Obiena (Philippines) phá kỷ lục nhảy sào, Puripol Boonson (Thái Lan) phá kỷ lục chạy 200m nam, Nguyễn Thị Oanh (Việt Nam) phá kỷ lục chạy 3.000m vượt chướng ngại vật, Quah Jing Wen (Singapore) phá kỷ lục 200m bơi nữ, Phạm Thanh Bảo (Việt Nam) phá kỷ lục 100m bơi ếch, Teong Tzen Wei (Singapore) phá kỷ lục 50m bơi bướm nam, Trần Hưng Nguyên (Việt Nam) phá kỷ lục 400m bơi hỗn hợp nam, Nguyễn Huy Hoàng (Việt Nam) phá kỷ lục 400m bơi tự do, Lò Thị Hoàng (Việt Nam) phá kỷ lục môn ném lao...

SEA Games 31 đã kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng mãi. Bởi vượt lên tất cả những thành tích ấn tượng về mặt chuyên môn, nước chủ nhà Việt Nam đã để lại những ấn tượng cực kỳ tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế về một Việt Nam yêu chuộng thể thao, mến khách, một Việt Nam tự tin, năng động, phát triển, đủ sức vượt qua mọi khó khăn của ảnh hưởng đại dịch COVID-19 để tổ chức thành công, an toàn một kỳ Đại hội thể thao lớn nhất khu vực. Qua đó cho thấy có thể sẵn sàng tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn hơn, cũng như đã sẵn sàng cho việc mở cửa hoàn toàn để đón bạn bè quốc tế trở lại một cách an toàn nhờ công tác phòng dịch hiệu quả./.

  • Bài:  Tất Sơn
  • Ảnh: Báo ảnh Việt Nam, TTXVN 
  • Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung 

 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/sea-games-31-–-dau-an-viet-nam-297883.html


top