Được đào tào tại trường âm nhạc Berklee College of Music - Mỹ, trở về nước với số điểm tốt nghiệp cao nhất của ngành nhạc Jazz, trải qua nhiều chặng đường âm nhạc, nghệ sĩ saxophone nổi tiếng Quyền Thiện Đắc đã xác định sứ mệnh của mình đó là phát triển và hình thành dòng nhạc Jazz tại Việt Nam dựa trên chất liệu dân gian – dân tộc.
Hành trình âm nhạc
Quyền Thiện Đắc con trai của nghệ sĩ saxophone nổi tiếng Quyền Văn Minh. Đi theo con đường nghệ thuật và có những thành tựu như ngày hôm nay, nghệ sỹ Quyền Thiện Đắc luôn mang ơn cha.
Ngay từ khi còn là một cậu bé 11 tuổi, nghệ sỹ Quyền Thiện Đắc đã phải luyện tập kèn, luyện bộ hơi để có một đường hô hấp đủ tốt cho bộ môn nghệ thuật này.Có những thời điểm, cậu bé Đắc phải dành trọn cả một năm chỉ để luyện xông kèn, ngoài ra không được chơi gì khác.
Đến năm 1995, Quyền Thiện Đắc trở thành nhạc công trẻ nhất chơi trong Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Đây là một dấu ấn, cú hích quan trọng trong hành trình âm nhạc của nghệ sỹ Quyền Thiện Đắc.
Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc biểu diễn cùng nhóm nghệ sĩ Đàn Đó với các nhạc cụ chế tác từ tre.
Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam.
Sau này, khi có nhiều cơ hội tham gia các chương trình biểu diễn, Quyền Thiện Đắc mới dần cảm nhận được rằng “mình thuộc về thế giới âm nhạc”. Nhưng với cá tính mạnh, Quyền Thiện Đắc luôn đau đáu với việc phải tạo ra bằng được một tiếng nói riêng cho mình trong âm nhạc. Thách thức với nghệ sỹ Quyền Thiện Đắc lúc này đó là cái bóng của người cha- nghệ sỹ Quyền Văn Minh bởi ông đã tạo ra được âm nhạc thời hoàng kim, hay là những người thầy đã giảng dạy nhạc dân tộc, nhạc Jazz ở cả trong và ngoài nước.
Nghệ sỹ Quyền Thiện Đắc đã trải qua các chặng đường âm nhạc từ cổ điển, đến nhạc Jazz, sáng tác nhạc Jazz theo phong cách Âu Mỹ, sáng tác nhạc Jazz dùng chất liệu dân gian - dân tộc, nhạc Jazz đương đại với thể loại Âu Mỹ, với dân gian, Free Jazz (một phong cách nhạc Jazz phát triển và hình thành vào thập niên 1950 và 1960), các chuỗi hoà âm phối khí của các bản nhạc của Việt Nam chuyển soạn qua cho Jazz...
Khoảnh khắc phiêu cùng âm nhạc của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc. Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Nghệ sỹ Quyền Văn Minh – cha của nghệ sỹ Quyền Thiện Đắc là người đặt nền móng cho việc thể nghiệm sáng tác nhạc jazz dựa trên màu sắc của các vùng miền Việt Nam. Năm 1994, ông đã có ba sáng tác là “Ngẫu Hứng Tây Nguyên” (sử dụng chất liệu Tây Nguyên), “Vấn Vương” (chất liệu quan họ) và “Tiếng Khèn Gọi Bạn” (chất liệu Tây Bắc).
Mỗi chặng đường âm nhạc là một sự đầu tư kỹ lưỡng, nghiêm túc. Tuy nhiên chỉ đến khi Quyền Thiện Đắc tổng hợp các mảnh ghép đó để tạo ra một thể loại mới, nghệ sỹ Quyền Thiện Đắc mới tự hào khẳng định anh đang chơi nhạc Jazz của chính anh và đó là nhạc Jazz Việt.
“Âm nhạc mang đến cho tôi hạnh phúc. Khi chơi nhạc, tôi rất vui và tôi muốn chia sẻ những năng lượng tích cực đó tới khán giả,” nghệ sỹ Quyền Thiện Đắc chia sẻ.
Ban nhạc chuẩn bị cho chương trình “Cha và con”.
Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Jazz Việt
Theo lời tâm sự của nghệ sỹ Quyền Thiện Đắc, mỗi người làm âm nhạc đều có sứ mệnh riêng, và sứ mệnh của anh chính là phát triển âm nhạc Jazz tại Việt Nam, hình thành dòng nhạc Jazz Việt.
Cũng theo nghệ sỹ Quyền Thiện Đắc, hiện nay nhạc Jazz ở Việt Nam cũng tương đối phát triển so với trên thế giới. Rất nhiều các bạn trẻ chơi Jazz rất hay, tuy nhiên vẫn không thể nào chơi Jazz hay bằng người Mỹ hay châu Âu. Bởi vậy, theo Quyền Thiện Đắc “con đường duy nhất mà các nghệ sĩ nhạc Jazz ở Việt Nam trong đó có tôi bắt buộc phải tìm được hướng riêng và khác biệt”.
Màn song tấu của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc cùng cha là nghệ sĩ Quyền Văn Minh. Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Cha con nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, nghệ sĩ Quyền Văn Minh và Quyền Thiên Lộc mở đầu chương trình bằng một bản nhạc Jazz quốc tế.
Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Âm nhạc dân tộc luôn giữ vai trò quan trọng, là yếu tố để có thể khai thác và xây dựng thành ngôn ngữ riêng, trong đó có Jazz. Theo đó, âm nhạc bản địa được thể hiện qua ngôn ngữ ngẫu hứng của Jazz sẽ là hy vọng lớn để hình thành được phong thái riêng. Để làm được việc này, theo nghệ sỹ Quyền Thiện Đắc, cần rất nhiều người thấu hiểu và cùng chung sức. Có như vậy mới hy vọng một đến hai thế hệ sau sẽ có thành quả.
Năm 2003, nghệ sỹ Quyền Thiện Đắc làm đĩa “Việt Nam Bóng Dáng Quê Hương” gồm những sáng tác của chính anh. Năm 2011, nghệ sỹ Quyền Thiện Đắc làm đĩa “À Ơi” ở Thụy Điển…
Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc cũng đã thực hiện dự án âm nhạc trẻ em với nhạc Jazz, lấy tên là “Vietnamese Kids Song's Book”. Ý nghĩa của dự án này là ký ức với những tác phẩm xuyên thời gian như: “Chim vành khuyên”; “Chú ếch con”; “Bắc kim thang”...
Khán giả đắm mình vào không gian nhạc Jazz "Cha con" của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc. Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Trải qua nhiều năm "tầm sư học đạo" ở những cái nôi của jazz như Mỹ hay châu Âu, để rồi anh quay về cùng cha mình và những nhạc công cùng thế hệ kết hợp jazz với những chất liệu âm nhạc truyền thống đặc trưng của Việt Nam. Khát vọng cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam của Quyền Thiện Đắc không chỉ dừng lại ở việc phổ biến nhạc jazz ở quê hương, mà còn muốn đem lại tinh thần Việt cho dòng nhạc chuyên biệt này bằng cách sử dụng chất liệu dân gian độc đáo và từ đó nâng cao vị thế của jazz Việt trên thế giới./
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam và Tư liệu NVCC
.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/quyen-thien-dac-va-hanh-trinh-phat-trien-jazz-viet-383058.html