Chân dung

"Giấc mơ âm nhạc" của Trang Trịnh

Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh, có trong tay một danh sách dài các Giải thưởng âm nhạc quốc tế, nghệ sỹ dương cầm Trịnh Mai Trang (nghệ danh Trang Trịnh) đủ mọi điều kiện để tỏa sáng ở trời Tây nhưng cô chọn cách trở về quê hương, nơi có thể thực hiện giấc mơ phổ cập âm nhạc cổ điển theo cách riêng của mình.
Người mang “giấc mơ âm nhạc” về quê hương
Trang Trịnh hẹn cuộc phỏng vấn với chúng tôi tại nhà riêng, bởi lẽ cô sẽ dễ dàng chia sẻ kỷ vật nào đó liên quan đến âm nhạc.

Nhưng buổi phỏng vấn hôm đó, Trang Trịnh lại cho tôi xem một bức thư không liên quan “trực tiếp” đến âm nhạc: bức thư của cô học trò trong “lớp học đặc biệt” mang tên Dàn Hợp xướng và Giao hưởng Kỳ diệu (MOC). Gọi là lớp học đặc biệt bởi theo cô nó dạy âm nhạc cổ điển cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Tp. Hà Nội.

Cô bé gửi bức thư này cho cô giáo Trang Trịnh khi được về đoàn tụ với gia đình sau một thời gian dài sống trong một Trung tâm bảo trợ xã hội. Những dòng chữ được viết rất nắn nót, bắt đầu bằng câu: “Con cảm ơn cô đã dạy con biết yêu thương…”. Không nhắc đến âm nhạc nhưng đây là một trong những bức thư làm Trang Trịnh xúc động nhất. Bởi Trang Trịnh đi theo một triết lý sống: “Âm nhạc có thể làm được nhiều thứ nhưng nếu có tình yêu thương con người có thể làm được tất cả”.

Khơi gợi tình yêu thương trong mỗi con người, đây chính là điều Trang Trịnh mong muốn làm thông qua âm nhạc. Cô luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng: “Âm nhạc, một thứ ngôn ngữ của cảm xúc, có khả năng mang lại một sức mạnh tinh thần rất lớn, giúp con người có thể thấu hiểu được khả năng của chính mình và vì thể có thể giúp họ vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống”.



Được mời làm việc cho nhiều dàn nhạc lớn trên thế giới nhưng nghệ sỹ Trịnh Mai Trang (Trang Trịnh)
trở lại quê hương Việt Nam sau thời gian du học và chọn con đường âm nhạc riêng cho mình,
đó là theo đuổi công việc giáo dục âm nhạc đại chúng. 


Trang Trịnh truyền cảm hứng âm nhạc cho những nhạc công nhí
của Dàn Hợp xướng và Giao hưởng Kỳ diệu do cô và chồng, nghệ sĩ opera Park Sung Min (Hàn Quốc) xây dựng.


Trang Trịnh tận tình chỉ dạy những kiến thức mà cô có cho tất cả những thành viên trong dàn nhạc.


Dàn hợp xướng Kỳ Diệu được Trang Trịnh và chồng cũng nghệ sĩ opera Park Sung Min
xây dựng với mục đích tạo nên sự khác biệt cho cuộc sống của những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua âm nhạc.

Đặc biệt với âm nhạc cổ điển, mà theo cách Trang Trịnh miêu tả “đó là những giai điệu của tạo hóa, những âm thanh chuyển động của vũ trụ, những lời nhắn nhủ của mẹ thiên nhiên”, cô càng muốn đem nó về quê hương của mình để giúp cho những con người còn chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống được sung túc hơn những giá trị tinh thần, giúp họ có thêm nghị lực và niềm tin vào cuộc sống.

Bản thân Trang Trịnh, một người không có nhân duyên nào đặc biệt hay không muốn nói là người còn thụ động đến với cây đàn piano và âm nhạc cổ điển. Những năm 1990, Trang Trịnh cũng giống như bao cô bé, cậu bé khác cùng trang lứa được bố mẹ cho đi học đàn khi phong trào chơi đàn nổ rộ lên trong một bộ phận gia đình trung lưu Hà Nội. Nhưng chính âm nhạc đã mê hoặc và làm thay đổi nhân sinh quan sống của cô lúc nào không hay. Trang Trịnh gia nhập vào nhóm “người giúp việc” của âm nhạc cổ điển, giúp thứ âm thanh này của vũ trụ thực hiện sứ mệnh kết nối tình yêu thương và hoàn thiện nhân cách trong mỗi con người.

Vì vậy, khi đang học ở Anh, Trang Trịnh đã ấp ủ và chuẩn bị một hành trình dài cho chuyến xe chở “giấc mơ âm nhạc” về quê hương của mình. Bức thư của cô bé học trò nhỏ đã như một lời động viên rằng, chuyến xe của Trang Trịnh đang đi đúng hướng và giấc mơ của cô đang “bước” vào đời thực.

Tiên phong cho định hướng âm nhạc mới ở Việt Nam
Dàn Hợp xướng và Giao hưởng Kỳ diệu (Miracle Choir & Orchestra) là đại diện duy nhất của Việt Nam đã vinh dự được tham gia dự án Bản thu âm và MV của single Human Kind, được phát hành trên toàn thế giới bởi hãng đĩa uy tín Universal Music Operation vào ngày 16/6/2017.

Đây là Dàn Hợp xướng do Trang Trịnh và người chồng của cô (một nghệ sỹ opera người Hàn Quốc) thành lập tháng 10/2013 dành cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội.

Quan điểm của Trang Trịnh là nếu được tiếp sức mạnh về tinh thần thì mọi người đều sẽ vượt qua được rất nhiều thử thách trong cuộc sống. Vì vậy, tại lớp học này, Trang Trịnh đã giúp các em nhỏ có hoàn cảnh thiệt thòi được trải nghiệm bản thân và rèn luyện nhân cách thông qua cách chơi đàn. Để chơi được một nhạc cụ nào đó, người học phải kiên trì, tập trung và rèn khả năng phân tích (một bản nhạc). Chính cách giáo dục này của cô đã giúp các thành viên MCO hình thành nhân cách và có được một thành công nhất định.

Trang Trịnh chia sẻ thêm: “Con đường lâu dài mà Trang theo đuổi chính là giáo dục âm nhạc đại chúng. Trang tự hào khi được giới thiệu rằng: Tôi là một nghệ sĩ biểu diễn - giáo dục”. Cũng theo cô, định hướng này còn khá mới mẻ ở Việt Nam mặc dù nó đã phổ biến trên thế giới.

Với định hướng này, người nghệ sĩ kết hợp khả năng biểu diễn chuyên nghiệp với công việc giáo dục nhằm tìm ra, phá bỏ rào cản thời gian và kiến thức, để khán giả có thể đến được với nhạc cổ điển bằng việc giới thiệu về nó một cách sáng tạo. Khát khao phá bỏ cái “mác” bác học của âm nhạc cổ điển đã thôi thúc Trang thực hiện một loạt dự án sáng tạo.



Trang Trịnh luôn muốn mọi thành viên của dàn giao hưởng của cô hoàn thiện những kỹ thuật âm nhạc thật tốt
để tất cả thật “đẹp” khi lên sân khấu biểu diễn.


Một buổi tập luyện của Dàn hợp xướng Kỳ Diệu trước đêm nhạc Sing for Join.


Niềm vui cuối giờ giảng dạy âm nhạc của các thành viên nhí, Dàn hợp xướng Kỳ Diệu.

Nhạc cổ điển mà Trang Trịnh mang đến cho công chúng, theo cách ví von của nhiều đồng nghiệp “không còn là cổ điển hoàn toàn”. Nhưng nó lại khiến khán giả dễ tiếp nhận thông điệp và giá trị nhân văn của tác phẩm. Ví dụ sinh động nhất đó là buổi biểu diễn “Nhật kí Dương cầm” (năm 2011). Phá bỏ lối biểu diễn truyền thống, Trang Trịnh đã đưa người nghe vào câu chuyện của mình bằng lời dẫn “Ngày này tôi...”. Người nghe như đang trải nghiệm cảm xúc và câu chuyện của chính họ một cách sống động qua “nghe” và “xem”.

Trang Trịnh theo đuổi một phương pháp truyền tải sáng tạo. Theo đó, công chúng không đơn thuần là nghe biểu diễn âm nhạc mà còn được nhìn, cảm và thấu hiểu âm nhạc, thông qua một ngôn ngữ chung chính là cảm xúc. Thứ ngôn ngữ căng đầy và chân thành được truyền tải theo một cách riêng rất “Trang Trịnh”.

Sau 4 năm hiện thực hóa giấc mơ với những thành công ghi dấu ấn lớn trong lòng công chúng, Trang Trịnh vẫn tiếp tục miệt mài với con đường đi riêng cho âm nhạc cổ điển ở Việt Nam./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/quotgiac-mo-am-nhacquot-cua-trang-trinh-167288.html


top