Văn hóa

"Chắp cánh ước mơ" kết nối lịch sử với tương lai

Trân trọng quá khứ, trân trọng những gì thế hệ đi trước đã xả thân viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc chính là thông điệp của những lớp học mang tên “Chắp cánh ước mơ” đang được tổ chức tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Đây là những lớp học đặc biệt giúp người dân Việt Nam hiểu hơn về tinh thần kiên trung của những chiến sĩ cộng sản trong nhà tù khắc nghiệt.
Trong dịp kỷ niệm quốc khánh 2/9, 75 năm ngày bình dân học vụ, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội và Ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò đã tái hiện không gian văn hóa những lớp học mang tên “Chắp Cánh ước mơ” với 3 phần: Ký ức mùa khai trường, Biến nhà tù thành trường học cách mạng và Xây đắp những ước mơ.

Đến với không gian văn hóa đặc biệt có tên “Chắp cánh ước mơ”, chúng tôi không khỏi bồi hồi và xúc động trước những lớp học như thế ngay tại nhà tù Hỏa Lò, nơi kia một thời là nhà giam khắc nghiệt và tàn ác của chế độ đế quốc. Qua những không gian lớp học này, mỗi người đến trải nghiệm đều biết trân trọng hơn những cơ hội được học tập, được cống hiến, được là công dân của một đất nước Việt Nam độc lập, hòa bình.

“Ký ức mùa khai trường” là chủ đề và cũng là một lớp học gắn liền với phong trào bình dân học vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 5/9/1945 đã gửi bức thư cho các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên. Để diệt giặc dốt, ngày 8/9/1945 Người ban hành các sắc lệnh về phát triển bình dân học vụ. Phong trào học tập từ đây diễn ra sôi nổi, sau 1 năm (1946) đã tổ chức 74.957 lớp học với 95.665 giáo viên, xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người. Thông qua lớp học này, du khách trải nghiệm được chứng kiến hình ảnh những lớp học được mở ở chiến khu Việt Bắc, vượt qua mưa bom hủy diệt, các thầy cô vẫn say sưa giảng dạy cho học sinh ở nơi sơ tán. Lớp học “Ký ức mùa khai trường” đã truyền cảm hứng cho chúng ta hôm nay trân trọng nền giáo dục thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cao cả, tôn trọng con người và cho con người, vì con người nhằm phát triển con người một cách toàn diện.


Còn đến với lớp học “Biến nhà tù thành trường học cách mạng” không chỉ đặc biệt mà tràn ngập cảm xúc tình yêu quê hương đất nước với 3 không gian lớp học “Trường học sau song sắt” tại nhà tù Hỏa Lò, “Trường học giữa núi rừng” ở nhà tù Sơn La, “Trường học giữa biển khơi” ở nhà tù Côn Đảo, “Trường học trên cát” tại trại giam tù binh Phú Quốc.


Không gian trưng bày và trải nghiệm văn hóa những lớp học mang tên “Chắp cánh ước mơ” tại Di tích nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.


Chia sẻ về ký ức lịch sử của những năm tháng học tập trong nhà tù giữa hai thế hệ.


Đoàn cựu tù chính trị Hà Nội tham quan những hình ảnh lịch sử chủ đề “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”.


Ông Trần Khắc Cần (Hoàng Đình Tám) nguyên cán bộ thành đoàn thanh niên cứu quốc Hà Nội đang xem lại bộ giấy tờ của chính mình 
tại không gian triển lãm. Bộ giấy tờ này ông Cần dùng trong thời gian hoạt động bí mật tại Hà Nội vào những năm 1953-1954.


Hiện vật cây bút viết được làm bằng cành bàng, một dấu ấn của “Lớp học sau song sắt”.


Những trang sách do đồng chí Trần Hữu Thỏa (Nguyễn Tiến Hà) sử dụng để dạy học trong thời gian bị giam tại nhà tù Hỏa Lò năm 1951-1952.

Một cựu chiến binh lặng thầm đến với không gian “Chắp cánh ước mơ”, ông bồi hồi đọc những trang sử về tình thầy sâu nặng.


Thế hệ trẻ tham quan những hình ảnh lịch sử của chủ đề “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”.


Thông qua không gian những lớp học “Chắp cánh ước mơ” đã truyền cảm hứng sống 
biết trân trọng những gì mình đang có và lòng tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ hôm nay.


Một không gian lớp học “Mái trường em yêu” nói về tinh thần ham học hỏi của trẻ em vùng cao.


Cùng hướng đến tương lai, cùng nỗ lực học tập để tiếp bước cha anh là thông điệp ý nghĩa của trưng bày Không gian văn hóa “Chắp cánh ước mơ”.


Những dòng cảm xúc của du khách khi đến trải nghiệm không gian những lớp học “Chắp cánh ước mơ”.

Những trang sử và kiến thức tái hiện về các lớp học trong tù này đã được sắp xếp thành những không gian để người xem trải nghiệm học. Người học không chỉ khám phá mà còn như được đặt mình vào từng không gian lớp học. Trong “Lớp học sau song sắt”, nơi các chiến sĩ cộng sản học trong bí mật, thiếu thốn nhưng những tù nhân vẫn sáng tạo ra đồ dùng dạy và học. Vào buổi tối, khi các cánh cửa khóa chặt là thời gian tù chính trị cùng nhau tổ chức các lớp học văn hóa, viết báo sôi nổi trong trại giam, tài liệu được giấu ở chân tường, thậm chí trong hộp sắt, bọc nilon. Lớp học không bảng đen, không bàn ghế, không giấy, vở. Các tù nhân lấy vỏ bao thuốc lá, bì thư để làm giấy viết, ngòi bút được làm từ nụ hoa ăngtigon nhặt trong sân nhà lao, quản bút làm bằng cành bàng, phấn là gạch, bảng là nền xi măng.

Thú vị hơn khi chúng ta được hòa mình vào không gian lớp học giữa núi rừng Sơn La, nơi rừng thiêng nước độc mà tinh thần học tập của tù nhân còn cao hơn núi, dài hơn sông. Đặc biệt hơn nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, đã có những lớp học giữa biển khơi, nơi tù nhân vượt qua muôn vàn gian khổ để biến Côn Đảo thành “đại học đường”, thành vườn ươm của cách mạng Việt Nam. Lớp học hôm nay được in dấu những hình ảnh giấy học, giấy vệ sinh mà chiến sĩ cộng sản dùng để viết, que nhọn làm bút viết. Dù cai ngục đánh đập xét phòng liên miên chúng tịch thu hết dụng cụ học tập của tù nhân nhưng không thể cấm được tinh thần hiên ngang ham học của người cộng sản. Không gian văn hóa “ Trường học trên cát” tại Phú Quốc lại cho chúng ta được nhìn thấy hình ảnh giữa bốn bề thép gai, những lớp học vẫn được tổ chức ở các phân khu trại giam tù binh. Từ những lớp học này các chủ trương, chỉ thị của Đảng bộ các phân khu được truyền đạt đến anh em. Hơn năm thập kỷ đã trôi qua, câu chuyện về những lớp học trên cát vẫn vẹn nguyên trong ký ức của người tù Phú Quốc năm xưa.

Trong không gian của nhà tù Hỏa Lò nhiều chủ đề lớp học mang tên “ Xây đắp những ước mơ”. Đó là nơi trưng bày những lớp học khi chiến tranh đi qua, đất nước chuyển mình nhưng ở một số vùng miền, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn ước mơ đến trường còn dang dở.

Anh Nguyễn Trường Thành (Nhóm ngôi trường ước mơ) cho biết, đến với không gian lớp học này, anh như được truyền thêm sức mạnh để tiếp tục hành trình xây dựng các trường học cho các tỉnh vùng cao. Hiện nay, nhóm anh đã có 2.300 thành viên, xây dựng được 80 điểm trường và tiếp tục nhân lên trong thời gian tới.

Những lớp học “Chắp cánh ước mơ” tiếp tục được trưng bày đón du khách trải nghiệm tại di tích lịch sử Hỏa Lò, Hà Nội đến hết 30/12/2020./.


Khó có thể nói hết cảm xúc khi được hòa mình vào không gian học tập của những lớp học “Chắp cánh ước mơ”  trải dài qua nhiều năm tháng lịch sử. Với những lớp học đặc biệt này, du khách không chỉ được chứng kiến sự ham học của người Việt Nam truyền qua nhiều thế hệ mà còn trân trọng cơ hội được học tập trong hòa bình hôm nay và đặc biệt được truyền cảm hứng sống từ nhiều nhân chứng lịch sử, những người đã từng trực tiếp tham gia các lớp học đặc biệt năm xưa.

Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/quotchap-canh-uoc-moquot-ket-noi-lich-su-voi-tuong-lai-241718.html


top