Văn hóa

Quốc giỗ của người Việt

Theo nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu, hiếm có một quốc gia nào trên thế giới có ngày giỗ Quốc Tổ như Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn trường tồn và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Vì vậy, nó xứng đáng trở thành di sản của nhân loại.
Sách sử và truyền thuyết kể lại rằng, cách đây khoảng hơn 2000 năm TCN, mối tình đẹp giữa chàng Lạc Long Quân và nàng Âu Cơ đã sinh ra 100 người con, 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên non. Người con cả theo mẹ sau ở lại đất Phong Châu (nay là Phú Thọ), lập nên nước Văn Lang, lấy hiệu là Hùng Vương. Và từ đó cha truyền con nối, các đời vua nối ngôi về sau cũng đều lấy hiệu là Hùng Vương. Cũng từ đây, câu chuyện về nòi giống “Tiên – Rồng” và lịch sử dựng nước của người Việt được hình thành.
 

Hàng năm, đến ngày 10/3 Âm lịch, dân chúng khắp nơi lại về đền thờ vua Hùng ở tỉnh Phú Thọ dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương.
(Ảnh: Hoàng Quang Hà)

Năm 2012, hơn 6 triệu lượt người đã về đền thờ vua Hùng ở tỉnh Phú Thọ dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương. (Ảnh: Trịnh Văn Bộ)

Câu chuyện về Hùng Vương về đại thể là như vậy, nó đã tồn tại qua hàng nghìn năm trong tâm thức dân gian, và các vua Hùng được xem như ông Tổ của người Việt. Từ xưa đến nay, hình tượng các vua Hùng cùng nhà nước Văn Lang đã trở thành một “bệ đỡ” tinh thần vững chắc của người Việt trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, xuất phát từ phong tục thờ cúng tổ tiên và đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn”, trong dân gian đã sớm hình thành nên tục thờ cúng Hùng Vương để tưởng nhớ công ơn dựng nước của các vua Hùng, mà đỉnh cao là Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng ở Phú Thọ.

Theo các nhà nghiên cứu, tục thờ cúng các vua Hùng có từ rất xa xưa, và được hình thành rõ nét vào khoảng thế kỉ XV. Điển hình là vào năm 1470, vua Lê Thánh Thông đã cho lập ngọc phả Hùng Vương, tôn Hùng Vương là “thánh vương ngàn đời của nước Việt”. Với việc làm đó, vua Lê Thánh Tông được xem như người đã có công chính thức hóa vai trò “Quốc Tổ” của Hùng Vương. Hoặc như vào thời nhà Nguyễn (TK XIX), triều đình đặt lệ quốc tế vào ngày 10/3 âm lịch và đích thân các vua nhà Nguyễn phải gửi 3 đấu nếp thơm (khoảng 18 kg) để làm xôi dâng cúng. Bên cạnh đó, tại Khu Di tích đền Hùng ở Phú Thọ, hiện vẫn còn khá nhiều di tích cổ có niên đại từ thế kỉ thứ III TCN trở về trước liên quan đến việc thờ cúng các vua Hùng như: đền Thượng, đền Trung, đền Giếng, lăng vua Hùng... Tất cả những yếu tố ấy hợp lại càng chứng minh cho nhận xét trên là hoàn toàn có cơ sở.
 

Đoàn rước lễ vật dâng cúng các vua Hùng. (Ảnh: Hoàng Quang Hà)

Đoàn rước nghi trượng trong ngày Lễ giỗ Tổ. (Ảnh: Trịnh Văn Bộ)

Cờ ngũ sắc tung bay trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương.
(Ảnh: Hoàng Quang Hà)

Nghi thức rước kiệu truyền thống trong ngày giỗ Tổ.
(Ảnh: Hoàng Quang Hà)

Trong dân gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã phát triển rộng khắp từ phạm vi làng đến phạm vi nước, tùy theo mạch phát triển văn hóa và quá trình mở rộng phạm vi quốc gia, dân tộc của từng thời kì. Nhà nước, cộng đồng với lòng tôn kính các vua Hùng, từ rất sớm đã xây dựng một loạt các nghi lễ cụ thể, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống, nâng lên thành quy định trong việc thờ cúng Hùng Vương.

Ví dụ như, từ xa xưa, người dân xung quanh vùng Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) đã suy tôn Hùng Vương là thành hoàng làng và hàng năm được rước từ đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh về làng ăn Tết với dân chúng. Ngoài ra, gần đến ngày 10/3 Âm lịch, nhân dân nhiều vùng khác ở Phú Thọ như các xã Hùng Lô, Chu Hóa, Tiên Kiên, Hy Cương... đều tổ chức lễ rước kiệu về đền Hùng dự giỗ Tổ và dâng lễ vật lên cúng các vua Hùng. Theo thể thức từ xưa, kiệu nào đẹp, đoạt giải thì được rước lễ vật là bánh chưng, bánh giầy lên núi Nghĩa Lĩnh để dâng cúng vua Hùng vào buổi hành lễ vào sáng mùng 10 tháng 3 Âm lịch. Kiệu nào đoạt giải thấp hơn thì rước xung quanh lễ hội để mọi người chiêm ngưỡng và tạo không khí trang nghiêm cho lễ hội. Ngoài thờ cúng các vua Hùng, nhân dân còn thờ cúng các lạc hầu, lạc tướng, vợ, con của vua Hùng. Những nghi thức này cho đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn.

Gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, dân vùng Phú Thọ hiện vẫn còn gìn giữ được một kho tàng khổng lồ gồm nhiều di sản văn hóa liên quan như: truyền thuyết, phong tục, lễ nghi, lễ hội, ẩm thực, trò chơi dân gian... Điển hình như nghệ thuật hát xoan (đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp), hội Trò Trám ở xã Tứ Xã, hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy ở xã Kim Đức...


Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân tại đền thờ Lạc Long Quân ở Khu Di tích lịch sử đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.
(Ảnh: Trịnh Văn Bộ)

Dâng hương lên bàn thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân. (Ảnh: Hoàng Quang Hà)

Nghi lễ dâng rượu tại Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân. (Ảnh: Hoàng Quang Hà)

Lễ giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ tại đền thờ Âu Cơ ở Khu Di tích lịch sử đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.
(Ảnh: Hoàng Quang Hà)

Trước ban thờ Quốc Mẫu Âu Cơ. (Ảnh: Hoàng Quang Hà)

Nghi lễ dâng hương tại Lễ giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ. (Ảnh: Hoàng Quang Hà)

Nghi lễ dâng hoa và lễ vật tại Lễ giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ. (Ảnh: Hoàng Quang Hà)

Ngày nay, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Hội đền Hùng vẫn được kế thừa và phát huy mạnh mẽ. Hàng năm, cứ đến ngày 10/3 Âm lịch, hàng triệu đồng bào trong và ngoài nước lại hành hương về đền Hùng ở Phú Thọ dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Ngoài ra, vào dịp này, hầu hết các tỉnh thành trên cả nước và kể cả ở nước ngoài, đồng bào người Việt, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, đều một lòng thành kính tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương theo phạm vi và khả năng của mình. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ngoài đền Hùng ở Phú Thọ, cả nước hiện có tới 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Trong đó tập trung nhiều ở tỉnh Phú Thọ (326 điểm), Hà Nội (425), Bắc Ninh (168), Vĩnh Phúc (62), Tp. Hồ Chí Minh (14)…

Từ nhiều năm nay, để đáp ứng nguyện vọng của đồng bào, Nhà nước đã ban hành nhiều quyết định quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy hơn nữa bản sắc cũng như tầm quan trọng của ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Ví dụ như việc quy định ngày giỗ Tổ Hùng Vương là một trong 5 ngày lễ lớn của đất nước, phê duyệt đề án tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương theo cấp Nhà nước, cho phép người lao động được nghỉ 1 ngày làm việc và hưởng nguyên lương nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 Âm lịch hàng năm... Không những thế, cùng với nhân dân, Nhà nước cũng quan tâm đầu tư rất lớn cho ngày lễ quan trọng này. Nhờ đó, hàng năm, tại Phú Thọ, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tiến hành trang nghiêm và thành kính theo nghi thức quốc gia với đầy đủ các thành phần từ nhạc lễ, nghi lễ và lễ phục.

Tại kì giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội đền Hùng năm 2012 vừa diễn ra tại Phú Thọ, hơn 6 triệu lượt người đã nô nức về dự, tăng gần 1 triệu lượt người so với năm 2011. Điều đó cho thấy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có sức sống mãnh liệt, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở cả trong nước và nước ngoài.

Nhân dịp này, một đoàn đại biểu đại diện cho kiều bào Việt Nam đang sinh sống trên 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã về dự. Chị Lê Thị Phương Mai, Việt kiều sinh sống tại Liên bang Nga chia sẻ: “Sau 30 năm trở về quê hương, được lên đền Hùng dâng hương giỗ Tổ, tôi cảm thấy dường như khoảng cách giữa chúng tôi với quê hương không còn nữa. Điều đó đã động viên chúng tôi, dù đi đâu hay sinh sống ở nơi nào, vẫn một lòng hướng về quê hương đất Tổ”.


Hội thi gói bánh chưng làm lễ vật dâng cúng các vua Hùng. (Ảnh: Trịnh Văn Bộ)

Đánh trống đồng trong ngày hội đền Hùng. (Ảnh: Hoàng Quang Hà)

Di sản Văn hóa Thế giới hát xoan, một loại hình nghệ thuật gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
(Ảnh: Hoàng Quang Hà)

Hội thi giã bánh giầy làm lễ vật dâng cúng các vua Hùng.
(Ảnh: Hoàng Quang Hà)

Người dân hóa trang thành những nhân vật cổ tích
tham gia Lễ hội đền Hùng. (Ảnh: Hoàng Quang Hà)

Có thể nói, giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, mà đỉnh cao là giỗ Tổ Hùng Vương, chính là việc tín ngưỡng này đã được bảo lưu, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách liên tục, toàn vẹn với đầy đủ những giá trị tâm linh, văn hóa độc đáo và nó còn thu hút được sự tham gia một cách tự nguyện của đông đảo cộng đồng. Đó cũng chính là những tiêu chí phù hợp với yêu cầu của UNESCO, đặc biệt trong thời đại hội nhập hiện nay. Vì thế, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được lập hồ sơ để tôn vinh và đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.

Còn nhớ, bàn về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, cố GS Trần Quốc Vượng, nhà sử học hàng đầu của Việt Nam và rất uy tín trên thế giới, đã từng nói: “Đền Hùng là đền thờ Tổ, không phải Tổ của riêng một gia đình, riêng một dòng họ, riêng một xóm làng, thậm chí riêng một vùng, mà là Tổ của cả nước… Lễ hội đền Hùng cũng không chỉ còn dừng lại nơi ngày giỗ Tổ, tưởng nhớ tổ tiên, không chỉ là cuộc hành hương về đất Tổ, đất thánh hay là đất phát tích của một dòng vua đầu tiên, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, mà thực sự đã trở thành một bức bách tâm linh: Trở về nguồn cội tìm về dân tộc hay đúng hơn, đối với văn hiến Việt Nam, là sự trở về cội nguồn dân tộc…”.

Với những lí giải đầy minh triết như trên, hi vọng rằng, hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam sẽ sớm được UNESCO công nhận và tôn vinh, để kho tàng văn hóa của nhân loại tiếp tục có thêm một di sản quý báu đã tồn tại một cách vững bền và sống động qua hàng nghìn năm lịch sử./.
Bài: Thục Hiền - Ảnh: Hoàng Quang Hà, Trịnh Văn Bộ

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/quoc-gio-cua-nguoi-viet-33125.html


top