Xác định nông nghiệp là thế mạnh của nền kinh tế, Quảng Ngãi nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế số, chuyển đổi số nông nghiệp và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ ở các lĩnh vực như trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp…
Các giấy chứng nhận nguồn gốc và chất lượng sản phẩm có giá trị chính là tấm "hộ chiếu" để nông sản Quảng Ngãi tham gia ngày càng sâu vào thị trường số. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Xác định nông nghiệp là thế mạnh của nền kinh tế, Quảng Ngãi nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế số, chuyển đổi số nông nghiệp và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ ở các lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản…
Dù tỉ trọng chỉ chiếm 16% trong cơ cấu ngành kinh tế, nhưng nông nghiệp vẫn được xem là thế mạnh, giữ vai trò chiến lược dài hạn, là bệ đỡ quan trọng trong kinh tế, vì vậy Quảng Ngãi đã và đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Quảng Ngãi hiện có hơn 7.000 ha lúa, rau màu, trong đó gần 3.000 ha đã thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trong tưới tiết kiệm, vận hành tưới tự động. Ảnh: Thanh Hòa & Vỹ Thi
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của ngành nông nghiệp tỉnh hiện đã được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu tin học hóa trong các cơ quan, đơn vị. Ngành nghiệp đã xây dựng phòng họp trực tuyến tại sở và một số chi cục thuộc sở. Đến nay, đã cung cấp 50 dịch vụ công trực tuyến thuộc các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y, quản lí chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp.
Ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đồng hành cùng nông dân trong việc chuyển đổi số. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Đối với lĩnh vực thủy sản, Quảng Ngãi là địa phương có đội tàu khá hùng hậu với khoảng hơn 4.700 tàu cá các loại, trong đó có nhiều tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ và dài ngày. Để nâng cao năng lực đánh bắt và đặc biệt là quản lí khai thác, đánh bắt theo quy định IUU, tỉnh Quảng Ngãi đã đẩy mạnh việc hiện đại hóa và chuyển đổi số hoạt động nghề cá.
Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên truyền, hướng dẫn các chủ tàu thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Đến nay, toàn tỉnh có 2.976/3.069 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (loại bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình) đã lắp đặt VMS, đạt tỉ lệ 99,43%. Nhờ đó mà tình trạng tàu cá vi phạm vượt ranh giới trên biển đã giảm hẳn, từ đầu năm đến nay chỉ có 4 trường hợp nhưng chủ yếu do các nguyên nhân bất khả kháng như: vớt thúng cùng các thuyền viên trôi dạt, tìm kiếm cứu nạn… nên không xử phạt. Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu cá còn đầu tư trang bị các thiết bị hiện đại để nâng cao khả năng đi biển và năng lực đánh bắt như: máy định vị, thiết bị thông tin, liên lạc, máy đo độ sâu, máy tầm ngư…
Nông dân Quảng Ngãi tổ chức livestream bán hàng qua mạng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Đối với lĩnh trồng trọt, Quảng Ngãi hiện có hơn 7.000 ha lúa, rau màu, trong đó gần 3.000 ha đã thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trong tưới tiết kiệm, vận hành tưới tự động. Đã xây dựng được 13 mã số vùng trồng nội địa. Nhiều nông sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và OCOP, trong đó có 130 sản phẩm OCOP được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Đáng chú ý, hiện trên địa bàn Quảng Ngãi ngày càng có nhiều hợp tác xã, đơn vị, cá nhân ứng dụng khoa học kĩ thuật vào việc giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó mà nhiều sản phẩm nổi tiếng của địa phương đã đến được với người tiêu dùng cả nước thông qua hệ thống các sàn thương mại điện tử cũng như mạng xã hội. Đây chính là những tín hiệu đáng khích lệ của việc chuyển đổi số và kinh tế số nông nghiệp của địa phương.
Ngày càng có nhiều sản phẩm đặc sản của Quảng Ngãi được quảng bá, giới thiệu và bán rộng rãi trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Để hỗ trợ cho ngành nông nghiệp, công tác giám sát, quản lí các hồ, đập đều có hệ thống camera theo dõi, giám sát tại đập chính. Tín hiệu được truyền về đơn vị quản lí điều hành và trang website do Tổng cục Thủy lợi quản lí. Đến nay, đã hoàn thành lắp đặt và quản lí vận hành 79 trạm đo mưa tự động, 10 trạm đo mực nước tự động trên các sông và các hồ chứa nước.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, công tác theo dõi diễn biến rừng được áp dụng bằng phần mềm FRMS, sử dụng công nghệ giải đoán ảnh (GIS) và viễn thám trong công tác cảnh báo cháy rừng.
Lực lượng tàu cá đánh bắt trên biển của Quảng Ngãi đẩy mạnh chuyển đổi số bằng cách đầu tư trang bị nhiều thiết bị hiện đại như máy tầm ngư, máy dò sâu, máy định vị, máy thông tin, liên lạc... Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu trang thiết bị phù hợp, nguồn lực con người, vốn đầu tư, thói quen sản xuất truyền thống. Vì vậy, Quảng Ngãi rất cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ số. Đặc biệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển các giải pháp chuyên biệt cho nông nghiệp như hệ thống giám sát tự động, các ứng dụng truy xuất nguồn gốc, và thương mại điện tử./.
-
- Thực hiện: Thanh Hòa, Phạm Cường, Vỹ Thi
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/quang-ngai-no-luc-chuyen-doi-so-nganh-nong-nghiep-383177.html