Thể thao

Quan Vân Triều – người giữ tuyệt kỹ võ phái Nam Tông

Sài Gòn giữa thế kỷ 20 xuất hiện môn phái mang tên Nam Tông thu hút nhiều thanh niên theo học ngay từ những ngày đầu thành lập. Trong các môn đồ theo học võ đường Nam Tông của vị võ sư Lê Văn Kiển hồi đó có chàng thanh niên mới 15 tuổi tên Quan Vân Triều. Cùng năm tháng, đam mê và năng khiếu đã giúp cậu học viên mảnh mai ngày nào trở thành võ sư nổi tiếng và là huấn luyện viên trưởng  của võ phái độc đáo này.
Cho đến giờ khi kể về quyết định theo học môn phái Nam Tông, võ sư Quan Vân Triều cũng không hết xúc cảm. Ngày đó trong khi đi tham khảo ở nhiều võ đường để xin học, ông đã nhiều lần dừng chân lại trước lò võ của thầy Lê Văn Kiển (còn gọi là Tám Kiển).

Mỗi lần nán lại tại võ đường này, ông đều được chứng kiến những những hình ảnh đặc biệt khác với nhiều võ đường ông đã từng tìm hiểu. Không phải vì nơi đây thu nhận đệ tử không lấy học phí mà vì ông thấy sau mỗi buổi tập võ, thầy Tám Kiển thường tập trung các môn sinh lại để nghe thầy kể chuyện.

Thông qua những câu chuyện ấy, thầy Tám Kiển lặng lẽ lồng ghép những bài học đạo đức để rèn luyện nhân cách cho các môn sinh, hay những tấm gương kiên trì khổ luyện của người xưa, để các môn sinh noi theo gương ấy mà luyện tập. Nhưng trong giờ tập thì thầy lại vô cùng nghiêm khắc và chăm chút từng động tác cho các học trò. Chính những phẩm chất tốt đẹp đó của người võ sư đã làm chàng thiếu niên Quan Vân Triều ngưỡng mộ và xin theo học. Sau này khi đã là võ sư, huấn luyện viên của môn phái, ông tiếp tục áp dụng phương pháp của thầy Tám Kiển để truyền dạy lại các học trò của mình.



Lớp võ Nam Tông luôn thu hút nhiều môn sinh theo học, đặc biệt là các em thiếu nhi,
được võ sư Quan Vân Triều hướng dẫn, rèn luyện từ căn bản. Ảnh: Thông Hải


Võ sư Quan Vân Triều tận tình hướng dẫn một thế thủ cho môn sinh nhỏ. Ảnh: Thông Hải


Các môn sinh đều được võ sư Quan Vân Triều tận tình chỉ bảo. Ảnh: Thông Hải


Võ sư Quan Vân Triều hướng dẫn một thế đá cho môn sinh. Ảnh: Thông Hải


Võ sư Quan Vân Triều tận tình hướng dẫn một thế thủ cho môn sinh nhỏ. Ảnh: Thông Hải


Võ sư Quan Vân Triều ươm mầm những tài năng võ thuật cổ truyền Việt Nam. Ảnh: Thông Hải


Võ sư Quan Vân Triều luôn tận tình dạy cho các môn sinh bằng tâm huyết cả một đời học võ của mình. Ảnh: Thông Hải


Noi gương thầy là cố võ sư Tám Kiển, võ sư Quan Vân Triều thường chú trọng rèn luyện nhân cách
cho các môn sinh sau mỗi giờ học bằng những câu chuyện đạo đức ý nghĩa. Ảnh tư liệu

Võ phái Nam Tông bắt nguồn từ môn phái Bạch Hạc (Trung Quốc) nhưng khi qua đến Việt Nam, võ sư Tám Kiển đã khéo léo biến hóa những tuyệt kỹ ấy để sáng lập ra môn phái Nam Tông lừng danh.

Đặc trưng của môn phái Nam Tông là sự vận dụng nguyên lý nhu – cương theo lý thuyết âm – dương để hóa giải lực tấn công của đối phương, lấy nhu khắc cương trong mọi trường hợp.

Lối ra đòn của môn phái này nhanh, gọn nên đòi hỏi người học phải có sự khổ luyện trong thời gian dài nếu muốn đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, võ thuật môn phái luôn dựa trên kỹ thuật hạc quyền làm lối đánh sở trường. Các thế luồn lách, né đòn nhanh, phản công chính xác mục tiêu trong khi vẫn giữ cơ thể thăng bằng như cánh chim hạc.

Cả cuộc đời gắn bó với môn phái, võ sư Quan Vân Triều đúc kết: “Khi đạt đến một trình độ nhất định, người học võ sẽ giữ được trạng thái thăng bằng hoàn hảo về thể xác lẫn tinh thần trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Môn sinh sẽ dùng ngay nội lực của địch để đánh địch, không bắt trói mà địch vẫn thua thế, hóa giải các lực đối kháng một cách tự nhiên”.

Nhờ có tố chất cũng như tinh thần ham học hỏi và say mê với võ nghệ, Quan Vân Triều được thầy Tám Kiển yêu mến và tận tình chỉ bảo. Dáng người thanh mảnh nhưng rất vững vàng, người đàn ông hiện nay dù đã bước qua tuổi 67 nhưng luôn giữ được một tinh thần minh mẫn, một phong thái điềm đạm, và luôn rèn luyện võ thuật mỗi ngày.

Nam Tông võ phái có tất cả 7 bài quyền, gồm: Tam môn quyền, Tứ môn quyền, Thập bát liên châu, Ngũ linh quyền, Thần Kim Qui, … Ông được xem là truyền nhân của cố võ sư Tám Kiển khi luyện thành thục được các bài võ của môn phái.

Về binh khí, Quan Vân Triều là người được thầy truyền lại tuyệt kỷ song thiết, món binh khí đặc trung nhất của võ phái, mà đến nay ít có người thế hiện được thuần thục. Ngoài ra, võ phái Nam Tông còn có nhiều loại binh khí khác như: cửu khúc nhuyễn tiên, côn (ngũ mã nhập thành côn), kiếm (Âm dương kiếm pháp), đao (Thất tinh đao, Thanh long đao), thương (Lê hoa thương), cung, lao… đều được vị võ sư này sử dụng nhuần nhuyễn.



Võ sư Quan Vân Triều thể hiện bài Thanh long đao rất nhẹ nhàng, uy dũng. Ảnh: Thông Hải


Võ sư Quan Vân Triều sử dụng binh khí song thiết rất nhuần nhuyễn,
đây là một binh khí độc đáo của võ phái, hiếm người sử dụng được. Ảnh tư liệu


Võ sư Quan Vân Triều uy dũng với binh khí bán nguyệt thương. Ảnh tư liệu


Võ sư Quan Vân Triều là một truyền nhân hiếm hoi còn giữ được những tuyệt kỹ của môn phái Nam Tông. Ảnh: Thông Hải


Võ sư Quan Vân Triều vẫn hằng ngày luyện tập võ và truyền thụ lại cho các môn sinh. Ảnh: Thông Hải



Tuy đã cao tuổi nhưng võ sư Quan Vân Triều vẫn linh hoạt, nhanh nhẹn 
với phong thái điềm đạm của người học võ. Ảnh: Thông Hải

Tiếp nối truyền thống của môn phái, võ sư Quan Vân Triều đã có những đóng góp quan trọng khi cùng những đồng môn khác phát huy võ phái đến nhiều địa phương trong nước và ở nước ngoài, thu hút nhiều môn sinh theo học.

Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, võ sư Quan Vân Triều tham gia và gặt hái nhiều thành tích cao cho đội tuyển Võ Cổ truyền cả trên cương vị vận động viên và huấn luyện viên. Đến nay, ông đã mở được nhiều điểm tập ở thành phố, thu hút hàng ngàn môn sinh theo học.

Trong các môn sinh theo học, vận động viên trẻ Dương Quốc Cường được xem là người kế thừa tuyệt kỹ song thiết của bổn phái do ông truyền thụ. Vận động viên mới 22 tuổi này đã gạt hái nhiều huy chương vàng trong nước và quốc tế với tuyệt kỹ song thiết hiếm có./.

 
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Thông Hải & Tư liệu

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/quan-van-trieu-–-nguoi-giu-tuyet-ky-vo-phai-nam-tong-143565.html


top