Phương thuốc thần kỳ (Tác giả: Phạm Văn Quý, chuyển thể kịch bản: Khắc Duyên, đạo diễn: Cố NSND Xuân Huyền, thiết kế Mỹ thuật: NSND Lê Huy Quang) là một vở tuồng hài hay, mạch kịch nhanh, tình tiết dí dỏm đã được công diễn liên tục và nhận được sự đánh giá cao của công chúng. Đặc biệt, Vở Tuồng Hài dân gian “Phương thuốc thần kỳ” với sự thể hiện của dàn diễn viên trẻ mới tốt nghiệp hệ trung cấp đào tạo theo Đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương và Dân ca kịch cho các đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Họ đã cùng nhau hội tụ trong một vở diễn mới khẳng định sức sống mới của Tuồng truyền thống trong đời sống đương đại.
Trò chuyện với các diễn viên trước giờ biểu diễn tôi đã được họ truyền lại sự say mê và sự đổi mới trong cách diễn tuồng. Những diễn viên trẻ của nhà hát Tuồng vào vai lần này như vai anh nông dân, Thị Cua, công chúa, quan, lính, thái giám ...đều chung một suy nghĩ và tâm tư: Diễn hết mình, diễn chân thật nhất để làm sao bộc lộ được nét đẹp văn hóa dân gian trong đời sống của người Việt Nam thời xưa.
Câu chuyện “Phương thức thần kỳ” kể về một anh nông dân do đánh vợ nên vợ đã “trả đũa” bằng cách giới thiệu với quan anh ta là thần y có thể chữa bệnh được cho công chúa. Tình huống bi hài từ đó đã diễn ra khi anh nông dân được mời về cung chữa bệnh hóc xương cho công chúa. Trong cái khó, anh ta đã áp dụng bài học nông dân “ đánh công chúa” và thế là cái xương bật ra, công chúa khỏi bệnh. Vua và hoàng hậu cũng từ đó nhận ra cần phải trị bệnh cho lớp quan tham trong triều đình. Mượn tay “thần y”, các thói quen, tật xấu của quan trong triều đã được anh nông dân trị tận gốc.
Vở Tuồng “Phương thức thần kỳ” được dàn dựng giản dị, trang phục nhân vật dân dã. Cảm nhận của tôi khi xem vở diễn đúng vào ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2)là một cảm xúc vui vẻ, các nghệ sĩ trẻ đã diễn hay, tròn vai, mang sự tươi mới, trẻ trung của sức trẻ. Rạp Hồng Hà hôm đó đã rất đông khán giả trong đó có nhiều người nước ngoài, họ đã trải nghiệm về sân khấu tuồng, trang phục, hóa trang trong Tuồng trước biểu diễn và sau đó xem diễn và đã cổ vũ rất nhiệt tình cho vở diễn này.
Với lời thoại dí dỏm, dân dã mang âm hưởng văn nói của nông dân Việ Nam và lối diễn hài hước của nghệ sĩ đã được khán giả tán thưởng không ngừng. Ông Hoàng Văn Long- Quyền Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam vui mừng chia sẻ rằng: Vở Tuồng này đã là một sân chơi đầu tay cho một thế hệ nghệ sĩ mới của nhà hát Tuồng, chúng tôi đã mang vở diễn đi lưu diễn tại một số tỉnh thành và đều được đón nhận, khán giả trẻ đã bắt đầu quay lại yêu mến văn hóa tuồng, đó là một tín hiệu rất vui”.
Tuồng hài Phương thuốc thần kỳ không chỉ dừng lại ở câu chuyện anh nông dân bất đắc dĩ trở thành "thần y" chữa bệnh hóc xương cho công chúa mà còn khéo léo phản ánh những bất cập của chế độ phong kiến Việt Nam thời xưa, từ đó cũng phê phán những thói hư tật xấu và các vấn đề xã hội vẫn còn hiện hữu trong đời sống hiện đại.
Vợ chồng “thần ý” được nhà vua ban khen và trở về quê nhà.
Em Đặng Trần Hà An (học sinh lớp 11 trường THPT Chuyên Ngoại ngữ Hà Nội” cho biết: Em đặc biệt thích văn hóa Tuồng nhất là nghệ thuật hóa trang, thời trang trong tuồng rất cuốn hút thế hệ trẻ chúng em. Vở Tuồng Phương thuốc thần kỳ các diễn viên đều tự hóa trang mặt rất chuyên nghiệp, họ cũng cách tân cách diễn một cách trẻ trung và tươi mới. Đây là vở Tuồng mà chúng em thấy đậm nét đẹp văn hóa dân gian Việt trong nhịp sống hiện đại”
Khán giả giao lưu cùng các diễn viên trong vở tuồng “Phương thuốc thần kỳ”
Vở Tuồng “Phương thuốc thần kỳ” được diễn thường xuyên tại Rạp Hồng Hà và tiếp tục nhân lên các tour diễn trong năm 2025 sẽ là một hoạt động văn đưa nghệ thuật tuồng thân thiện với công chúng hơn mà còn nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của một di sản văn hóa truyền thống độc đáo của Việt Nam.
Bài: Bích Vân, ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/phuong-thuc-than-ky-vo-tuong-hai-hien-dai-dam-net-van-hoa-dan-gian-391504.html