Chân dung

Phùng Quang Oánh - nghệ nhân mang rối đất Bắc đến phương Nam

Rời Hà Nội vào Tp. Hồ Chí Minh năm 2007, nghệ nhân Phùng Quang Oánh mang theo những con rối của mình giới thiệu ở vùng đất phương Nam. Từ những ngày đầu không ai biết, giờ nghệ nhân Phùng Quang Oánh có thể tự hào là người hiếm hoi ở Sài Gòn làm nghề tạo hình rối nước và những con rối của ông được nhiều khách hàng tín nhiệm, đặt làm.
Nghệ thuật múa rối nước thường chỉ nhắc đến ở phía Bắc mà ít được nhắc đến ở phương Nam, nơi có nét văn hóa riêng, chứa đựng những câu chuyện hay. Với mong muốn và quyết tâm đưa văn hóa phương Nam vào múa rối nước, nghệ nhân Phùng Quang Oánh miệt mài sáng tạo ra những trò múa rối nước mang đậm chất văn hóa Nam Bộ như: Trò lễ hội chợ nổi trên sông Cái Răng (Cần Thơ), Đua bò Bảy núi (An Giang), lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên… và được nhiều nhà hát, đơn vị biểu diễn rối nước đặt hàng và biểu diễn.

Đến nay, hầu hết các đơn vị múa rối nước ở Thành phố đều đặt hàng và sử dụng sản phẩm của ông Oánh làm ra. Nhiều con rối nước của nghệ nhân đã có những cuộc phiêu lưu từ trong Nam ra ngoài Bắc, được nhiều người yêu thích.


Nghệ nhân rối nước Phùng Quang Oánh.


Gỗ sung là chất liệu chính sử dụng làm những con rối nước.


Dụng cụ tạo rối nước của nghệ nhân Phùng Quang Oánh.


Đôi tay tỉ mỉ sáng tạo từng chi tiết của một sản phẩm rối nước.


Những chi tiết nhỏ của rối nước được ông Oánh chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận.


Bí quyết tạo hình rối nước theo ông Oánh là phải mang nét hài hước một chút, nhằm tạo tiếng cười, thu hút người xem.


Công đoạn sơn màu, trang trí cho ra một sản phẩm rối nước hoàn chỉnh.



Một số sản phẩm rối nước đặt trong xưởng làm việc của ông Oánh.


Ông Oánh và một tác phẩm rối nước tâm đắc của mình.

Vốn theo học khoa Điêu khắc (Trường Cao đẳng Nhạc họa ở Hà Nội), ông Phùng Quang Oánh khi đó thường có dịp đi xem những lễ hội dân gian, đặc biệt là các địa phương có tổ chức múa rối nước. Ra trường, ông theo một số người chuyên nghiên cứu về múa rối, biểu diễn rối nước để hiểu biết cặn kẽ. Đến năm 1994, ông mở xưởng tạo hình rối nước ở quê nhà, tạo những nhân vật rối nước do chính tay mình làm ra.

Nhờ học điêu khắc nên ông có năng khiếu trong việc làm ra những con rối nước. Tuy nhiên, theo ông Oánh, để có thể chuyển tải được nét văn hóa dân gian vào những con rối thì người nghệ nhân phải am hiểu một chút về văn hóa dân tộc, vì nó tái hiện lại nét văn hóa dân gian của dân tộc, thì mới có thể thổi hồn vào từng con rối nước được.

Từ chất liệu sáng tạo là những khúc gỗ sung, người nghệ nhân bắt đầu phác họa nhân vật bằng cách đục, đẽo, tạo hình các chi tiết của con rối hài hòa, thẩm mĩ, có tính hài hước. Bí quyết tạo hình con rối theo ông Oánh đó là các nhân vật được tạo hình phải mang nét hài hước một chút, nhằm tạo tiếng cười, thu hút người xem.

Theo anh Thái Ngọc Hải, Trưởng đoàn múa rối nước Rồng Phương Nam (Tp. Hồ Chí Minh) thì: “Đoàn đã hợp tác với nghệ nhân Phùng Quang Oánh cả chục năm nay. Các sản phẩm rối nước do ông Oánh làm ra luôn đảm bảo chất lượng, sự kết hợp hình dáng con rối và màu sơn cân xứng, phù hợp với yêu cầu biểu diễn của Đoàn”.


Nhân vật trong tích trò rối nước “múa phượng”.


Nhân vật trong trò rối nước “trống hội”.


Nhân vật trong trò rối nước “vinh quy bái tổ”.


Nhân vật trong trò rối nước “bát tiên”.


Trò rối nước “chèo thuyền”.


Nhân vật trong trò rối nước “câu ếch”.


Sản phẩm đầu rồng vừa được hoàn thành của ông Oánh.


Những con rối nước của nghệ nhân Oánh đạt sự tinh tế, tỉ mỉ, cân xưng, phù hợp với yêu của của đơn vị biểu diễn.

Hơn 23 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Phùng Quang Oánh hiện được xem là người hiếm hoi ở Sài Gòn làm nghệ tạo hình rối nước. Hiện ông đang có kế hoạch trong tương lai gần sẽ xây dựng một nơi chuyên tạo hình, sản xuất, biểu diễn rối nước để cho công chúng và du khách nước ngoài có thể tận mắt tìm hiểu cũng như được trực tiếp xem ông biểu diễn rối nước. Bởi ông mong muốn giới thiệu đến nhiều người cùng nhau phát huy, bảo tồn một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc./.


 

Múa rối nước (trò rối nước) là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo của người Việt xuất hiện ở Đồng bằng Bắc Bộ từ thế kỉ 11 và được xem là nét văn hóa phi vật thể đặc sắc. Loại hình này biểu diễn bằng cách sử dụng con rối diễn trò, diễn kịch trên mặt nước, thường được diễn vào các dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày Tết. Múa rối có ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng múa rối nước thì chỉ duy nhất có ở Việt Nam.
(theo Wikipedia)

 
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/phung-quang-oanh-nghe-nhan-mang-roi-dat-bac-den-phuong-nam-138736.html


top