Nhạc sĩ Phú Quang nổi tiếng với những bản tình ca viết về Hà Nội. Trong mỗi bài hát của ông, người ta thấy có một Hà Nội đầy ắp kỉ niệm, yêu thương lẫn cả nỗi buồn da diết. Sau bao năm tạm xa Hà Nội, Phú Quang lại giã từ mảnh đất phương Nam, trở về với nơi đã cho ông mạch nguồn cảm xúc để viết nên những tình khúc nổi tiếng của đời mình
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Phú Quang được mệnh danh là “ông hoàng” của những bản tình ca viết về Hà Nội. Trước Phú Quang cũng đã có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng viết về Hà Nội nhưng dường như những bản tình ca của Phú Quang là được nhiều người nhớ và thuộc nhất, bởi nó đến với người nghe tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng day dứt, luyến nhớ mãi không thôi.
Có người nói, những người yêu Hà Nội, xa Hà Nội chỉ cần nghe những tình khúc của Phú Quang như: “Em ơi Hà Nội Phố”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, “Hà Nội ngày trở về”, “Chiều phủ Tây Hồ”, “Nỗi nhớ mùa đông”, “Khúc mùa thu”... là thấy ngay được cái “phong vị Hà Thành”.

Nhạc sĩ Phú Quang, “ông hoàng” của những bản tình ca nổi tiếng viết về Hà Nội.

Phú Quang trong vai trò của một nhạc trưởng.

Phú Quang trong đêm nhạc mừng sinh nhật lần thứ 60 của mình.

Nhạc sĩ Phú Quang và ca sĩ Ngọc Anh trong đêm nhạc “Gửi một tình yêu”.

Phú Quang trải lòng với ca khúc “Mẹ”, một nhạc phẩm anh viết riêng để dành tặng người mẹ yêu quý của mình. |
Cái “phong vị” ấy thể hiện rõ trong mỗi ca khúc, thậm chí trong từng ca từ của Phú Quang. Đó là những hoài niệm về một Hà Nội xưa cũ nhưng chẳng thể nào quên với “Chiều đông sương giăng phố vắng” (Lãng đãng chiều đông Hà Nội), hay “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”, “Từng mái ngói xô nghiêng”, “Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng” (Em ơi Hà Nội phố)… Thậm chí, có người chưa từng một lần đến Hà Nội nhưng chỉ nghe những nhạc phẩm của Phú Quang cũng cảm nhận được “Một Hà Nội ngây ngất nắng, Một Hà Nội run run heo may” (Mơ về nơi xa lắm), hay ngẩn ngơ tiếc nuối bởi “Gió mùa đông bắc se lòng, Chút lá thu vàng đã rụng, Chiều nay cũng bỏ ta đi” (Nỗi nhớ mùa đông)…
Phú Quang sinh ra tại đất cảng Hải Phòng nhưng lớn lên và trưởng thành ở Hà Nội. Có lẽ vì thế mà mảnh đất linh thiêng, nhiều kỉ niệm này đã vun vén cho ông tất cả những nỗi niềm cảm xúc để ông có thể viết nên những ca khúc nổi tiếng về Hà Nội. Chính vì vậy mà Phú Quang trải hết lòng mình qua những bản tình ca như một cách để tri ân với nơi đã cho mình nguồn nhựa sống tràn trề trong suối nguồn âm nhạc.
Phải công bằng mà nói, Phú Quang đã yêu Hà Nội, sống hết mình với Hà Nội nên mới có được sự chiêm nghiệm quý giá, cũng như những rung cảm thực sự về mảnh đất kì lạ này, để từ đó mới có thể chuyển tải thành công vào mỗi ca khúc của mình.
Còn nhớ, vào những ngày xuân năm 2010, trên một tờ báo xuân, Phú Quang trải lòng mình tâm sự: “Trong tôi, Hà Nội là nỗi nhớ thiết tha, như một dòng sông không ngừng chảy, lúc êm đềm, lúc lại cồn cào con sóng. Không hiểu sao càng có tuổi tôi càng nhớ nhung những ngày thơ ấu của mình. Hà Nội ngày tôi còn bé đẹp và yên bình biết bao. Tôi vẫn thường cùng bạn bè chơi thổi búp lá đa, bắt dế bỏ vào ống bơ và xem chọi dế. Tôi đã lớn lên bằng những kỉ niệm của thành phố một thời bom đạn. Thời trai trẻ của tôi thuộc về Hà Nội. Mối tình đầu của tôi cũng thuộc về Hà Nội…”.
Yêu Hà Nội đến thiết tha, nhớ Hà Nội đến da diết mỗi lúc đi xa, ấy thế mà vào năm 1985 Phú Quang đã lặng lẽ tạm xa Hà Nội, để lại sau lưng hình ảnh những con đường, góc phố, mái ngói thâm nâu, cây bàng lá đỏ, mùi hương hoa sữa thơm nồng, và cả những người Hà Nội yêu nhạc của ông. Chính vì vậy mà bẵng đi một dạo người Hà Nội thấy vắng bóng Phú Quang. Hỏi ra mới biết ông đã vào Nam, chọn thành phố Hồ Chí Minh làm nơi sinh sống. Sự ra đi ấy phải chăng chỉ đơn thuần là vì cuộc sống hay vì một niềm khát vọng mới mẻ nào đó mà người nghệ sĩ muốn khám phá trên bước đường danh nghiệp của mình. Có lẽ cả hai, bởi ai cũng biết, Phú Quang không thuộc tuýp người ưa nhàn rỗi, ưa gặm nhấm quá khứ, ưa sự tròn trịa của cuộc đời. Với ông, cuộc sống dường như luôn là một hành trình khám phá lâu dài, khám phá trong âm nhạc, khám phá trong đời sống, và cả khám phá trong việc kiếm tiền để mưu sinh nữa.
Sau hơn 20 năm bôn ba ở Sài Gòn, hôm nay Phú Quang đã trở về Hà Nội. Người Hà Nội lại được thấy một Phú Quang quen thuộc của ngày nào với cái đầu lúc nào cũng cắt cua chơm chởm, với ánh mắt hấp háy đầy láu lỉnh, với bộ ria xanh mờ mờ trên mép… Nhưng quan trọng hơn, người yêu nhạc Phú Quang lại tiếp tục được nghe những bản tình khúc da diết của ông ngay trên chính các sân khấu của Hà Thành.
Hôm nay đây, Phú Quang đã thực sự trở về với Hà Nội. Trong ngôi nhà mới ấm áp, khang trang nằm trên đường Âu Cơ, ngay sát bên bờ sông Hồng đỏ nặng phù sa, nơi có những vườn quất, vườn đào Nhật Tân, Nghi Tàm thắm đỏ mỗi độ xuân về, Phú Quang sẽ lại tìm thấy những nỗi niềm cảm xúc mới. Và biết đâu đó, vào một ngày gần đây, từ ngôi nhà ấy, “ông hoàng” của những bản tình ca Hà Nội sẽ lại dâng cho đời những nhạc phẩm mới mang đầy “phong vị Hà Thành” để cho người nghe luôn nhớ mãi không quên./.
Nhạc sĩ Phú Quang sinh ngày 13/10/1949 tại Hải Phòng.
Tốt nghiệp hệ Trung cấp kèn cor.
Từ năm 1967 đến 1978, công tác tại Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch.
Năm 1978, học tại Nhạc viện Hà Nội, ngành chỉ huy dàn nhạc.
Năm 1982, công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Năm 1986, công tác tại Phòng Ca múa nhạc, Sở Văn hóa - Thông tin Tp. HCM.
Năm 1994, công tác tại Nhà hát Giao hưởng Tp. HCM.
Năm 2004, thành lập Công ty Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật Phú Quang. |
Bài: Thái Hòa - Ảnh: Tất Sơn
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/phu-quang-ngay-tro-ve-20711.html