Tin tức

Phụ nữ chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn

Tọa đàm kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý và đơn vị tiêu thụ. Ảnh: Hứa Chung - TTXVN
Ngày 7/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Tọa đàm trao đổi, kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý và đơn vị tiêu thụ. Đây là một trong những nội dung cụ thể hóa Chương trình phối hợp số 526 giữa Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020.

Trong những năm qua, các cấp hội và hội viên phụ nữ cả nước đã có đóng góp tích cực trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhiều mô hình, hoạt động về đảm bảo an toàn thực phẩm đã thu hút đông đảo hội viên tham gia như: triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong đó nội dung về an toàn thực phẩm được đưa vào tiêu chí “Bếp sạch”; xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ phụ nữ trồng rau an toàn, sản xuất sạch, chế biến sạch; Câu lạc bộ "Phụ nữ kinh doanh thực phẩm tươi sống an toàn", "Nói không với thực phẩm bẩn"….

Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố (Sài Gòn Co.op) thành lập 65 cửa hàng Co.op Smile liên kết trên toàn thành. Các cửa hàng này tập trung nhiều ở các huyện ngoại thành, nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với khách hàng chủ yếu là công nhân, người có thu nhập thấp. Điều này không chỉ tạo cơ hội cho nhiều gia đình hội viên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống mà mô hình còn khuyến khích người dân sử dụng hàng Việt Nam, tạo thuận lợi cho mọi người tiếp cận hàng hóa rõ nguồn gốc, chất lượng với giá bình ổn.

Tuy nhiên, trên thực tế công tác đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Nguy cơ mất an toàn thực phẩm đang ngày càng đáng báo động. Đây là vấn đề của toàn xã hội, trong đó có phụ nữ - những người có mặt trong tất cả các khâu sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm, hàng hóa.

Tại tọa đàm, bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, kêu gọi chị em hãy là người tiêu dùng thông thái, sử dụng các sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; đồng thời, là những giám sát viên, phát hiện, phản ánh với các cơ quan chức năng các trường hợp vi phạm điều kiện an toàn thực phẩm.

Bà Hương cũng đề nghị các hội viên, phụ nữ, đặc biệt là những chị em đang làm chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, cần chủ động tìm hiểu quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm và áp dụng vào trong thực tế sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm. Bên cạnh đó, các chị em đang làm chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tăng cường liên kết, mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, chú trọng sản xuất theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, có đăng ký nhãn mác và truy xuất nguồn gốc, đáp ứng được yêu cầu của nhà phân phối và người tiêu dùng. Từ đó, có cơ hội tiêu thụ ổn định hơn, nâng cao thu nhập.

Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình; vận động phụ nữ và nhân dân thực hiện an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu. Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần vận động phụ nữ và người dân nói "không" với thực phẩm bẩn, lựa chọn tiêu thụ thực phẩm rõ xuất xứ nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm…/.

TTXVN/VNP

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/phu-nu-chung-tay-day-lui-thuc-pham-ban-214945.html


top