Phố cổ Hải Thượng Lãn Ông hay con được gọi là phố thuốc Bắc nằm trong hệ thống phố cổ ở Chợ Lớn, được hình thành từ sau năm 1864. Phố cổ Hải Thượng Lãn Ông là phố buôn bán và bốc thuốc Bắc lớn và lâu đời nhất ở Tp. Hồ Chí Minh và còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ độc đáo của người Hoa ở Chợ Lớn.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử kể từ khi hình thành đến nay, phố cổ Hải Thượng Lãn Ông đã gắn liền với đời sống sinh hoạt thương mại, văn hoá tâm linh của cộng đồng người Hoa. Từ cuối thế kỷ 19, người Hoa đã lập ra các kho chứa hàng hóa đươc vận chuyển từ kênh Tẻ lên bờ. Tại đây, họ xây dựng thành một khu phố ở ngã tư Hải Thượng Lãn Ông - Triệu Quang Phục - Phùng Hưng với 16 nhà mang đặc trưng của người Hoa để phát triển thành trung tâm thương mại thuốc Bắc. Hiện tại, con phố này vẫn còn khoảng 60 - 80 cửa hiệu kinh doanh thuốc Bắc các loại.
Đến phố này, người ta dễ dàng bắt gặp hàng chục biển hiệu của các tiệm thuốc Bắc và nhiều bao tải đựng thuốc bày ngay phía ngoài cửa. Ở một số hiệu thuốc, thợ bào chế thuốc làm việc ngay trước cửa hiệu để khách mua có thể dễ dàng tìm kiếm loại thuốc cần mua dù chỉ chạy ngang qua. Hầu hết các thợ đều tỏ ra “chuyên nghiệp” khi nhanh tay xắt từng lát thuốc đều tăm tắp. Đặc trưng nhất vẫn là mùi hương của các loại nguyên liệu thuốc như đỗ trọng, táo đỏ, đinh lăng… lan khắp phố.
Phố cổ Hải Thượng Lãn Ông hay còn gọi là phố thuốc Bắc, phố Đông y,
nằm trong hệ thống phố cổ ở Chợ Lớn, được hình thành từ sau năm 1864 khi Pháp kiểm soát Nam kỳ.
Đoạn đầu đường phố cổ Hải Thượng Lãn Ông cắt ngang Đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 5, Tp. Hồ Chí Minh.
Tượng đài Phan Đình Phùng trên phố Hải Thượng Lãn Ông.
Trong không gian văn hoá đặc trưng, phố cổ Hải Thượng Lãn Ông từ lâu đã gắn liền với hình ảnh
những căn nhà một trệt hai lầu khá đồ sộ, được xây dựng theo phong cách kiến trúc khá độc đáo. |
Khu phố mang tên Hải Thượng Lãn Ông là biệt hiệu nổi tiếng của danh y Lê Hữu Trác (1720-1791), người tinh thông y học, văn chương và là danh nhân Việt Nam thế kỷ 18. |
Anh Tâm, chủ một cửa hiệu cho biết, các loại dược liệu thu mua được có nguồn gốc từ các tỉnh Long An, Bình Phước và khu vực miền Trung, nhiều loại thuốc được nhập trực tiếp từ Quảng Châu, Trung Quốc. Sau khi bào chế, thuốc được bán sỉ, lẻ cho các hiệu thuốc ở khắp các tỉnh phía Nam, cả các tỉnh thuộc Nam Trung bộ cũng đổ về lấy hàng. Có hiệu thuốc ở phố cổ Hải Thượng Lãn Ông mỗi ngày bán được đến gần 1 tấn dược liệu.
Không chỉ nổi tiếng bán thuốc Bắc, phố cổ Hải Thượng Lãn Ông còn mang một nét văn hóa của đồng bào người Hoa sinh sống ở nơi đây khi bán rất nhiều vật phẩm trang trí cho ngày Tết như: phong bao lì xì màu đỏ, cá chép hay đồng tiền vàng sặc sỡ… Do vậy mà khách tham quan và mua sắm thường tấp nập vào mỗi dịp trung tuần tháng Chạp đến giáp Tết hàng năm.
Trong không gian văn hoá đặc trưng, phố cổ Hải Thượng Lãn Ông gắn liền với hình ảnh những căn nhà một trệt hai lầu khá đồ sộ. Theo học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898), những căn nhà có sự pha trộn giữa kiến trúc Pháp và Hoa. Các căn nhà ở đây đều có đầu diềm mái nhà được trang trí hình con long mã đội hà đồ - biểu tượng cho điềm lành, thái bình an lạc.
Đến Tp. Hồ Chí Minh, nhiều du khách nước ngoài cũng thường tìm đến phố Hải Thượng Lãn Ông để khám phá kiến trúc của các ngôi nhà cổ và chụp ảnh lưu niệm.
Tháng 7/2010, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tp. Hồ Chí Minh đã công nhận phố Hải Thượng Lãn Ông là khu phố cổ nhất của thành phố. Đây là điều mà người Hoa ở Chợ Lớn nói riêng và người dân thành phố nói chung đều rất tự hào, từ đó có ý thức để cùng nhau bảo tồn những giá trị truyền thống từ không gian văn hoá phố cổ nhất thành phố này./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/pho-co-hai-thuong-lan-ong-78150.html