Tiêu điểm

Phát triển quan hệ Việt Nam – Pháp lên tầm cao mới

Năm 2023, Việt Nam và Pháp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (12/4/1973 – 12/4/2023), 10 năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược (2013 - 2023). Suốt chặng đường 50 năm, mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, phong phú, đa dạng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, Việt Nam và

 Năm 2023, Việt Nam và Pháp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (12/4/1973 – 12/4/2023), 10 năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược (2013 - 2023). Suốt chặng đường 50 năm, mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, phong phú, đa dạng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, Việt Nam và Pháp có nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá mạnh mẽ với một tầm nhìn lâu dài, vững chắc, làm cơ sở đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.

50 năm Việt Nam và Pháp hợp tác phát triển. Ảnh:TTXVN
Chuyến thăm cấp cao giữa hai nước diễn ra thường xuyên. Ảnh: TTXVN

Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Pháp, luôn coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại và không ngừng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy và đối tác chiến lược giữa hai nước. Mặt khác, trong các chiến lược, chính sách mà Pháp triển khai tại Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quan hệ với Việt Nam cũng có bước chuyển biến quan trọng.

 Năm 2013, hai nước ký kết Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước ngày càng được khẳng định qua các chuyến thăm cấp cao, đồng thời duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp. Về hợp tác trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực và hiện giữ chức Chủ tịch vùng châu Á - Thái Bình Dương của APF.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Xuân Nam và Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam Herve Conan ký kết Thỏa ước tín dụng cho khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 80 triệu EURO cho “Dự án lưới điện phân phối miền Nam” do Tổng Công ty Điện lực miền Nam làm chủ đầu tư. Ảnh: TTXVN

Hợp tác kinh tế cũng đạt nhiều dấu ấn. Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương vốn viện trợ chính thức (ODA) hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD tính từ năm 1993. Pháp hỗ trợ vốn vay ODA mỗi năm tối thiểu 200 triệu euro (gần 231 triệu USD) cho Việt Nam, tập trung vào ba lĩnh vực là biến đổi khí hậu, năng lượng chuyển đổi và tăng trưởng xanh.

Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019. Đã và đang có hơn 300 doanh nghiệp Pháp hoạt động trong rất nhiều ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đang có những doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Pháp.


Hai nước có nhiều chương trình trao đổi và hợp tác đào tạo đại học và sau đại học phong phú, đa dạng với hàng trăm thỏa thuận đã được ký kết giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu. Hiện có khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Pháp. Hợp tác y tế đã trở thành lĩnh vực chủ chốt với số lượng 30 hội hợp tác y học Pháp - Việt tập hợp theo chuyên khoa hoặc theo địa bàn các địa phương, trao đổi hợp tác thường xuyên.

Pháp đứng thứ 7 trong số các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án tổng trị giá 188 triệu USD; Việt Nam xác định Pháp là thị trường trọng điểm.

Cảng Quốc tế Gemalink (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép - Thị Vải, do Công ty Cổ phần Gemadept (Việt Nam) góp 75% và Tập đoàn CMA-CGM (Pháp) góp 25% vốn đầu tư. Giai đoạn 1 cảng được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 2/2019 trên diện tích 33ha với tổng mức đầu tư là 330 triệu USD. Ảnh: TTXVN phát

Cùng là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức, nhất là trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, giảng dạy đại học. Có thể nói, nền tảng của mối quan hệ Việt Nam - Pháp là sự liên hệ sâu sắc giữa hai nước tích lũy trong suốt chiều dài hàng trăm năm lịch sử. Cả Việt Nam và Pháp đều chia sẻ những nguyên tắc và giá trị nhất định để ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua những thách thức, khó khăn trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn, biến động khó lường.

Thời gian tới, hai bên sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá mạnh mẽ với một tầm nhìn lâu dài, vững chắc, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp./.

Bài: VNP  Ảnh: TTXVN

 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/phat-trien-quan-he-viet-nam-–-phap-len-tam-cao-moi-328395.html