Phóng sự chuyên đề

Phát triển năng lượng xanh trên đất phương Nam

Việt Nam có chiều dài đường bờ biển dài 3.260 km không kể các đảo, có trên 2.500 giờ số giờ nắng trong năm, tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2  theo hướng tăng dần về phía Nam là cơ sở tốt để phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Được khơi nguồn từ chính sách của Nhà nước, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực này và đã đạt được những thành quả ban đầu.
Những điểm sáng đất phương Nam

Còn nhớ, năm 2013, việc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du lịch Công Lý đưa vào hoạt động nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam tại xã ven biển Vĩnh Trạch Đông, Tp. Bạc Liêu với 10 cột turbine điện gió nhưng đã đánh dấu một bước đi lịch sử của ngành năng lượng Việt Nam trên con đường chinh phục và khai thác nguồn năng lượng sạch và bền vững này.


Theo lộ trình, Việt Nam sẽ phát triển 800 MW điện gió vào năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng nhu cầu điện. Mục tiêu là phát triển 2.000 MW điện gió vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030.
(Nguồn Bộ Công thương)
6 năm sau chúng tôi quay lại Bạc Liêu, cánh đồng turbine điện gió khiêm tốn ngày nào giờ đã là một trang trại turbine điện gió hoành tráng với 62 turbin điện gió với tổng công suất 99 MW có thể sản xuất ra khoảng 320 triệu kWh mỗi năm.

Cả 62 cột tháp và turbin điện gió đều được đặt trên biển. Mỗi turbine có công suất xấp xỉ 1,6 MW, do hãng General Electrics (GE) của Mĩ cung cấp được làm bằng loại thép đặc biệt không gỉ, cao 80m, đường kính 4m, nặng trên 200 tấn, cánh quạt được làm bằng nhựa đặc biệt, dài 42m, có hệ thống điều khiển tự gập lại để tránh hư hỏng khi bão lớn.



Cánh đồng điện gió Bạc Liêu gồm 62 tháp phong điện. Mỗi turbin có công suất xấp xỉ 1,6MW, cấu tạo hoàn toàn từ thép không gỉ, cao 80m và nặng trên 200 tấn. Do là thế hệ điện gió tân tiến, các cánh quạt ở đây được làm bằng nhựa đặc biệt và có thể tự gập lại để tránh hư hỏng khi bão lớn đổ bộ. Ảnh: Công Đạt


 Mỗi turbin điện gió Bạc Liêu sẽ có một phòng giám sát kỹ thuật. Ảnh: Thông Hải


Đội ngũ kỹ thuật sẽ thay ca túc trực cả ngày để kiểm tra vận hành của các turbin ở điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Công Đạt 


Cánh đồng điện gió Bạc Liêu sản xuất ra khoảng 320 triệu kwh mỗi năm. Ảnh: Tất Sơn


Công nhân thực hiện làm móng cho những turbin điện gió của Khu tích hợp điện gió và điện mặt trời Ninh Thuận. Ảnh: Thông Hải


Hệ thống lưới điện tại Khu tích hợp điện gió và điện mặt trời Ninh Thuận giúp điện ở đây được hòa vào điện lưới quốc gia. Ảnh: Tư liệu TrungNamGroup


Khu tích hợp điện gió và điện mặt trời Ninh Thuận lắp đặt 700.000 tấm pin mặt trời với công suất dự kiến 204MW. Ảnh: Thông Hải 


Công nhân đang tiến hành lắp đặt những tấm pin mặt trời cuối cùng để hoàn thành giai đoạn 1 của dự án Khu tích hợp điện gió và điện mặt trời Ninh Thuận.
Ảnh: Thông Hải 


Khu tích hợp điện gió và điện mặt trời Ninh Thuận là đơn vị duy nhất tại Việt Nam thi công kết hợp cả công trình điện gió và điện mặt trời trên diện tích 264 ha.
Ảnh: Thông Hải

“Chính phủ Việt Nam đã giải quyết một số vấn đề về quy định pháp lý, ngành điện gió ở Việt Nam sẽ có thể phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích to lớn về mặt kinh tế và môi trường cũng như giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn với các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế”.
Ông Steve Sawyer, Tổng thư ký
Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC)
Sau thành công của dự án điện gió Bạc Liêu đã có rất nhiều dự án điện gió và điện mặt trời khác được khởi công xây dựng ở miền Nam Việt Nam. Nhận thấy có nắng và gió là thứ “đặc sản” riêng có của Ninh Thuận, cuối năm 2016, Trungnam Group đã chính thức đầu tư và xây dựng khu tích hợp điện gió và điện mặt trời. Tại đây, trên diện tích gần 264ha, Trungnam Group đã cho lắp đặt 700.000 tấm pin mặt trời với công suất dự kiến 204MW.

Cũng trong khu vực này, Trungnam Group cho lắp thêm 45 cột điện gió theo 3 giai đoạn khác nhau. Các cột điện gió cao cả trăm mét, tương đương với tòa nhà 30-40 tầng với mỗi cánh quạt gió dài trên 50 mét. Dự kiến sau khi lắp đặt đủ 45 cột điện gió sẽ cho công suất khoảng 90-100MW.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trungnam Group cho biết, vào ngày 16/4/2019, công trình này cũng đã chính thức được hoàn thành, hòa vào lưới điện của quốc gia. Đây là nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam.

Năng lượng trên mái nhà

Rời những trang trại lớn về điện gió và điện mặt trời chúng tôi đến với tỉnh Tp. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) mục sở thị hơn 100 công trình điện mặt trời ngay trên mái nhà. Hiện tại, Điện lực Thành phố lắp trên mái nhà hơn 100m vuông tấm pin năng lượng, cung cấp hơn 50% tổng số điện sinh hoạt trong các tòa nhà của Điện lực Thành phố. Số điện dư thừa còn lại được đấu nối và cung cấp lại cho điện lưới quốc gia.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Vũng Tàu, kể từ khi lắp đặt hệ thống điện áp mái mỗi năm đơn vị đã tiết kiệm được từ 400 đến 500 triệu đồng tiền tiêu thụ năng lượng.



Ở Tp. Hồ Chí Minh có gần 1.000 hộ gia đình, công sở đã lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. Ảnh: Công Đạt


Hiện nay, nhiều hộ gia đình, cơ quan ở Tp. Vũng Tàu đã đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà
và đây là giải pháp hiệu quả góp phần giảm tải lưới điện quốc gia. Ảnh: Tất Sơn 


Hệ thống kiểm soát điện mặt trời của Điện lực Thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Tất Sơn 


Một chiếc xe sử dụng nguồn điện mặt trời do anh Phạm Quỳnh, chủ khu nghỉ dưỡng Hồng Thanh sáng chế ra để phục vụ vận chuyển hành khách trong khu nghỉ.
Ảnh: Thông Hải 

Theo giới thiệu của cán bộ Công ty Điện lực Vũng Tàu, chúng tôi đã đến tìm hiểu mô hình điện áp mái tại nhà anh Phạm Quỳnh, chủ khu nghỉ dưỡng Hồng Thanh. Anh Quỳnh cho biết, do trước đây là một kỹ sư cơ khí nên anh đã tự tìm tòi và nhập tấm pin năng lượng từ nước ngoài về tự lắp nên giá thành rẻ hơn rất nhiều. Chính vì vậy, khắp nơi trong khu nghỉ dưỡng của anh đều lắp đặt tấm pin mặt trời và ngay cả chiếc xe điện cũng được anh nâng cấp chế tạo điện mặt trời để sử dụng.

Nếu Tp. Vũng Tàu là địa phương mới áp dụng những công trình năng lượng mặt trời áp mái thì Tp. Hồ Chí Minh đã áp dụng rất hiệu quả mô hình năng lượng sạch này.


Với 12 dự án điện gió được phê duyệt, trong đó 4 dự án đã triển khai, Ninh Thuận đang trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển điện gió.
Theo thống kê của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh có tới gần 277.000 mái nhà đủ điều kiện để lắp đặt thiết bị điện mặt trời. Tính đến đầu năm 2019, Thành phố có gần 1.000 hộ gia đình, công sở và doanh nghiệp đã lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất hơn 11.382 kWp. Một số công trình tiêu biểu như: Nhà máy xử lý nước thải của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền với công suất 980 kWp; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Schneider Electric Manufacturing Việt Nam (360 kWp); Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Phú thọ (259,2 kWp). Đặc biệt, vào ngày 26/4/2019 những hộ lắp đặt điện mặt trời mái nhà cũng sẽ được Điện lực thành phố chính thức thu mua lại số điện không dùng hết.

Có thể nói, nhờ có chủ trương, chính sách ưu đãi của nhà nước mà việc đầu tư xây dựng và sản xuất nguồn năng lượng điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam đang phát triển rất hiệu quả. Với những bước tiến nhanh và vững chắc này, hi vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ là một điểm sáng trên bản đồ năng lượng tái tạo của thế giới./.

 
Bài: Tất Sơn
Ảnh: Tất Sơn, Công Đạt, Thông Hải và Tư liệu

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/phat-trien-nang-luong-xanh-tren-dat-phuong-nam-203127.html


top