Được thực hiện tại tỉnh Điện Biên từ năm 2017, dự án “Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác trên đất dốc tại Tây Bắc Việt Nam” đã triển khai xong giai đoạn cuối. Sau 5 năm, dự án đã hỗ trợ 2 hợp tác xã phát triển chuỗi bò thịt và chuỗi bò giống, đồng thời thiết lập 6 nhóm đồng sở thích chăn nuôi bò của nông dân. Đến nay số lượng nhóm sở thích chăn nuôi đã tăng lên con số 10 (4 nhóm ở huyện Điện Biên và 6 nhóm ở huyện Tuần Giáo) với khoảng 400 thành viên, gồm đồng bào các dân tộc Thái, Kinh, Lào và Mông. Tham gia dự án, các thành viên được tập huấn về kỹ thuật chế biến thức ăn thô xanh, vỗ béo và chăn nuôi bò thịt, kiến thức về hạch toán trong nông hộ, trang trại và chuỗi giá trị bò thịt.
Bà Robyn Mudie – Đại sứ Australia tại Việt Nam chia sẻ rằng, trong thời gian tới, Chính phủ Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp phục vụ phát triển thông qua các dự án của ACIAR.
“Mục đích của dự án là cải thiện thu nhập của nông hộ sản xuất, chăn nuôi quy mô nhỏ ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam thông qua tăng cường chăn nuôi thâm canh bò thịt và cải thiện liên kết thị trường, tạo nguồn sinh kế bền vững cho bà con nông dân, định hướng phát triển ngành bò thịt của Điện Biên theo hướng sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Đến nay, sau gần 6 năm triển khai, Dự án đã đạt được nhiều kết quả.” - Bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng đại diện ACIAR tại Việt Nam chia sẻ.
Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR)
hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân nuôi bò ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Khánh Long
Chị Lường Thị Hiền, hộ chăn nuôi bò thịt ở huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) cho biết, với mô hình nuôi nhốt, chăm sóc tập trung, gia đình có thể chủ động trong việc tiêm phòng, hạn chế đến mức thấp nhất bò chết do dịch bệnh, giá rét. Đàn bò cũng lớn nhanh hơn mô hình nuôi thả rông. Hiện nay, mỗi năm chị Hiền xuất bán từ 20-25 con bò. Nhờ chủ động phòng, chống dịch bệnh và chuẩn bị đầy đủ thức ăn khô dự trữ nên đàn gia súc của gia đình đều khỏe mạnh, sinh sản nhanh. Lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí từ mô hình nuôi bò này đã đem lại cho gia đình chị Hiền khoảng 180 triệu đồng/năm.
Với mô hình nuôi nhốt, chăm sóc tập trung, đàn bò lớn nhanh, ít bị bệnh. Ảnh: Khánh Long
Theo thống kê, đến nay, tổng đàn bò của tỉnh Điện Biên là hơn 100.000 con. Các địa bàn có số lượng bò lớn gồm có: Điện Biên, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Điện Biên Đông… Toàn tỉnh hiện có trên 300 trang trại chăn nuôi hỗn hợp trâu - bò - dê, trong đó có gần 290 trang trại quy mô nhỏ, 18 trang trại quy mô vừa và hàng nghìn mô hình chăn nuôi gia súc tại nhà hiệu quả. Cùng với đó, tổng sản lượng thịt hơi trâu, bò năm 2021 toàn tỉnh ước đạt trên 4.600 tấn. Điều này cho thấy việc chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa và ngày càng được người nông dân chú trọng về chất lượng sản phẩm./.
Dự án “Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác trên đất dốc tại Tây Bắc Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) tài trợ, với sự phối hợp thực hiện của các bên: Đại học Tasmania – Australia, Viện Chăn nuôi Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Pháp (CIRAD), và Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên. Dự án đã nghiên cứu thành công một số kĩ thuật trồng và ủ thức ăn chăn nuôi, vỗ béo để hỗ trợ nông dân chuyển đổi từ chăn nuôi quảng canh sang thâm canh, nâng cao năng suất và giá trị kinh tế.
Bài: Công Đạt - Ảnh: Khánh Long/ Báo ảnh Việt Nam
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/phat-trien-kinh-te-tu-chan-nuoi-bo-thit-o-dien-bien-342734.html