Tin tức

Phát huy thế mạnh từ các làng nghề truyền thống tại huyện Đông Anh

Trong những năm qua, huyện Đông Anh có thế mạnh về phát triển làng nghề truyền thống. Nắm bắt được thế mạnh đó, huyện Đông Anh đã từng bước đẩy mạnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP và đã thu được “trái ngọt”.
  Những sản phẩm mỹ nghệ Thiết Úng qua bàn tay người thợ trong làng nghề đã cho thấy sự tinh xảo.  
  Một số sản phẩm chạm khắc gỗ mỹ nghệ của người làng Thiết Úng.  
  Người tiêu dùng ở khắp nơi tới Vân Hà để chọn mua sản phẩm. 
  Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ rất đa dạng và phong phú.
  Nhiều máy móc thiết bị được các xưởng nhập về từ nước ngoài để thuận tiện hơn cho việc sản xuất đồ mộc ở Vân Hà. 

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh, đến nay, toàn huyện đã có 155 thôn (làng), trong đó có 5 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận. Ngoài ra còn có nhiều làng nghề chưa được Thành phố công nhận như sản xuất đồ mộc, thủ công mỹ nghệ tại các xã Thụy Lâm, Liên Hà, Vân Hà..., đang tiếp tục được Huyện quan tâm đầu tư, đề xuất thành phố công nhận làng nghề theo quy định.

Nếu như trước đây, làng nghề gỗ mỹ nghệ huyện Đông Anh chủ yếu sản xuất theo hình thức hộ gia đình, làm theo phương thức thủ công là chính, thì hiện nay, hầu hết các làng nghề đã áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất làm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, những sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Đông Anh không chỉ được mở rộng khắp thị trường 3 miền Bắc, Trung, Nam mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia Trung Đông... góp phần quan trọng gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Huyện Đông Anh đã khuyến khích mở rộng sản xuất trong các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề nông thôn, khôi phục và phát triển mạnh các làng nghề thủ công truyền thống, đồng thời mở rộng quy mô một số nghề như: chạm khắc gỗ, sản xuất đồ gỗ dân dụng, mỹ nghệ, đồ gỗ ép phun sơn, sản xuất thép và cơ khí, tập trung tại các xã miền Đông của Huyện (Vân Hà, Liên Hà, Dục Tú, Thuỵ Lâm). Đã xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gỗ mỹ nghệ Vân Hà”. Ngoài ra các nghề khác như: làm tương, đậu phụ, bún, bánh chưng, bánh kẹo, giò chả, may mặc... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong và ngoài Huyện.

UBND Huyện đã chủ trì, phối hợp thực hiện nhiều hội nghị về triển khai tổ chức Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP huyện Đông Anh; đặc biệt là tổ chức thành công 02 Hội chợ sản phẩm OCOP trên địa bàn Huyện năm 2022, 2023. Phối hợp với Đài Phát thanh huyện Đông Anh xây dựng các phóng sự, bài viết tuyên truyền về Chương trình OCOP. Huyện đã hỗ trợ xây dựng, duy trì 03 điểm trưng bày sản phẩm OCOP trên địa bàn Huyện.

  Rau xanh luôn được coi là sản phẩm OCOP truyền thống của Đông Anh.  
  Sản phẩm rau sạch Ba Chữ đã được chứng nhận chất lượng của thành phố Hà Nội.  

Tính đến nay, Huyện Đông Anh đã có 172 sản phẩm của 42 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 01 sản phẩm được xếp hạng đánh giá tiềm năng 5 sao; 58 sản phẩm xếp hạng 04 sao và 113 sản phẩm xếp hạng 03 sao. Riêng năm 2022, Huyện có 40 sản phẩm được công nhận mới và công nhận lại đạt OCOP (15 sản phẩm 4 sao, 25 sản phẩm 3 sao).

Năm 2023 huyện Đông Anh đã xây dựng kế hoạch tổ chức đánh giá, phân hạng cho 40 sản phẩm OCOP và tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ các chủ thể OCOP với tổng kinh phí 3 tỷ đồng.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Các sản phẩm của Đông Anh được đánh giá, phân hạng đã gia tăng giá trị cho từng sản phẩm, góp phần cho các chủ thể phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường liên kết, gắn kết các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị để mở rộng thị trường, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng xã, thị trấn, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Huyện, tạo môi trường thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp./.

(Bài có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội)

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/phat-huy-the-manh-tu-cac-lang-nghe-truyen-thong-tai-huyen-dong-anh-353141.html


top