PGS.TS Trần Tân Văn là người có công đưa những công viên địa chất của Việt Nam bước ra thế giới. Ảnh: Tất Sơn/Báo ảnh Việt Nam
Theo PGS.TS Trần Tân Văn, hồ sơ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An được xây dựng trong một thời gian rất ngắn, rất khẩn trương và quyết liệt, là một trong những hồ sơ “xương” nhất, tâm huyết nhất, và chưa có hồ sơ nào mà để bảo vệ được nó ông lại có cảm giác như được tham gia một “trận chiến tổng lực".
Trong quá trình lập hồ sơ di sản thế giới, tìm được giá trị nổi bật toàn cầu và chứng minh được thông qua phân tích đối sánh với các địa danh khác trên thế giới là việc khó nhất. Bên cạnh đó cần phải tìm cách để kết nối các giá trị nổi bật toàn cầu với nhau một cách sống động. Nói cách khác, phải kể được một “câu chuyện cốt lõi” đặc sắc, hấp dẫn, thuyết phục và chưa ai từng kể là một thách thức rất khó với nhóm những người xây dựng hồ sơ di sản thế giới, trong đó có PGS.TSTrần Tân Văn.
Trong quá trình làm hồ sơ Di sản Tràng An và bảo vệ hồ sơ trước Đại hội đồng UNESCO, PGS.TS Trần Tân Văn đã làm việc cùng nhiều nhà khoa học quốc tế như GS. Paul Dingwall (người New Zealand) - chuyên gia hàng đầu của UNESCO/IUCN và là “tổng tư lệnh” trong việc xây dựng hồ sơ Tràng An, GS. Paul Williams - chuyên gia địa chất, TS. Ryan Rabett (Đại học Cambridge) – Nhà khảo cổ học... Mất vài tháng đầu, PGS.TSTrần Tân Văn và cộng sự vừa điều tra khảo sát, vừa loay hoay trao đổi với các chuyên gia tư vấn quốc tế để tìm các giá trị nổi bật toàn cầu và tìm “câu chuyện cốt lõi” kết nối chúng lại.
Hồ sơ Tràng An được chính thức trình UNESCO tháng 01/2013. Vào tháng 8/2013, đoàn chuyên gia thẩm định của UNESCO bắt đầu làm việc và gửi báo cáo đánh giá vào tháng 03/2014. Tuy nhiên, kết quả đánh giá không khả quan và IUCN, ICOMOS kiến nghị mức D - làm lại hồ sơ. Với kết quả này nếu làm lại hồ sơ, thẩm định thực địa lại sẽ mất khoảng 10 năm nữa. Chính vì vậy, PGS.TS Trần Tân Văn, GS. Paul Dingwall và nhóm cộng sự đã cùng nhau nghiên cứu các báo cáo đánh giá và quyết định phải “chiến đấu” khi nhận thấy có thể giải trình được.
PGS.TS Trần Tân Văn cho biết: “Chúng tôi phải vạch ra được những khiếm khuyết trong báo cáo đánh giá của IUCN và ICOMOS, và phải thuyết phục được hồ sơ Tràng An xứng đáng được ghi danh”.
Trong vòng đàm phán tại Doha, cả 21 thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO đều bỏ phiếu ủng hộ Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, phủ quyết các báo cáo đánh giá của hai cơ quan tư vấn của UNESCO - một trường hợp không mấy khi gặp. Tràng An trở thành Di sản Hỗn hợp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đến thời điểm đó.
PGS.TS Trần Tân Văn là Trưởng tiểu ban chuyên môn về công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu Việt Nam thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, thành viên Ban Tư vấn mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Ông đã tham gia xây dựng một số hồ sơ về Di sản thế giới và CVĐC toàn cầu UNESCO, như Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Non nước Cao Bằng, CVĐC Đắk Nông, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).
Ngoài Di sản Tràng An, PGS.TS Trần Tân Văn cũng đã gắn bó với việc xây dựng hồ sơ một số CVĐC toàn cầu UNESCO, trong đó có CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Khó có thể kể hết những gian khổ và sự cống hiến của những người mở đường, xây dựng hồ sơ cho các công viên địa chất toàn cầu ở Việt Nam mà được UNESCO công nhận.
Tiếp tục sứ mệnh của một nhà khoa học, PGS. TS Trần Tân Văn cứ lặng lẽ miệt mài xách ba lô lên đường, tham gia công tác hồ sơ cho các công viên Địa chất toàn cầu như Đắk Nông, Lý Sơn - Sa Huỳnh...được quốc tế công nhận và còn nhiều công viên địa chất khác trên khắp lãnh thổ Việt Nam sẽ lần lượt được đánh thức.Vùng đất nào mở ra gắn với địa chất đều in dấu chân của ông cùng với hành trình khảo sát, nghiên cứu và kết nối quốc tế. PGS. TS Trần Tân Văn mong mỏi ứng dụng khoa học địa chất vào cuộc sống và kết nối những giá trị di sản của từng vùng đất gắn với sinh kế của người dân.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/pgsts-tran-tan-van-nha-khoa-hoc-ket-noi-di-san-viet-nam-voi-the-gioi-368830.html