Trong số 15 nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới đến từ năm châu lục được Quỹ L’Oréal và UNESCO trao giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” năm 2022 có Phó Giáo Sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân với công trình nghiên cứu “Nghiên cứu phát triển pin nhiên liệu và năng lượng Hydro xanh – thiết lập chu trình tuần hoàn năng lượng xanh, tái tạo và bền vững, tránh việc đốt nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon.”.
Trong số 15 nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới đến từ năm châu lục được Quỹ L’Oréal và UNESCO trao giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” năm 2022 có Phó Giáo Sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân với công trình nghiên cứu “Nghiên cứu phát triển pin nhiên liệu và năng lượng Hydro xanh – thiết lập chu trình tuần hoàn năng lượng xanh, tái tạo và bền vững, tránh việc đốt nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon.”.
Chân dung Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân.
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân sinh năm 1980, sinh ra và lớn lên tại tỉnh Đồng Tháp, xuất thân từ gia đình có truyền thống về giáo dục. Năm 1998, cô được tuyển thẳng vào Đại học Bách Khoa, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, cô được giữ làm cán bộ giảng dạy môn Hóa vô cơ, thuộc khoa Hóa của Trường.
Sau khi hoàn thành Thạc sĩ vào năm 2006, Thạc sĩ Thanh Vân nhận được học bổng Tiến sĩ toàn phần của Đại học Khoa học và Kỹ thuật Đài Loan và xuất sắc nhận bằng Tiến sĩ trước thời hạn (chưa đến 3 năm) khi đã công bố một bằng sáng chế Mỹ, một bằng sáng chế Đài Loan về lĩnh vực năng lượng mới, 3 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI uy tín với tổng hệ số ảnh hưởng IF=60.
Tháng 9/2013, Tiến sĩ Thanh Vân trở về Việt Nam, đảm nhận vị trí Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại Trường Đại học Tài nguyên và môi trường TPHCM từ 1/2014. Cô đã tham gia tích cực vào công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH) và cho đến nay đã công bố 90 bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước. Cô cũng tham gia với hơn 10 dự án, đề tài Khoa học công nghệ (KHCN) trong và ngoài nước; đạt nhiều giải thưởng KHCN quốc gia và quốc tế uy tín.
Năm 2016, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân đã được hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước xét công nhận Phó giáo sư, lúc đó cô mới chỉ 36 tuổi. Cô chia sẻ: "Tôi nghiên cứu về pin nhiêu liệu, pin mặt trời là những dạng năng lượng tái tạo từ những năm 2009 khi nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài. Tôi nhận thấy đây là một hướng nghiên cứu rất cần thiết và mang tính cấp bách vì nguồn năng lượng hóa thạch (NLHT) là nguồn năng lượng chính có trữ lượng hữu hạn, dần cạn kiệt và ngày càng khan hiếm theo thời gian".
Ngoài ra, việc khai thác, sử dụng NLHT trong một thời gian dài cho đến nay đã làm cho lượng khí nhà kính trong khí quyển trái đất vượt quá ngưỡng giá trị cân bằng dẫn đến các hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) xảy ra ngày càng khốc liệt, tần suất ngày càng tăng. Tác động của BĐKH là rất to lớn và xảy ra trên phạm vi toàn cầu với các hiện tượng BĐKH dễ nhận là nhiệt độ tăng, băng ở các địa cực tan nhanh, nước biển dâng cao, diện tích sinh tồn của con người bị thu hẹp; thời tiết cực đoan: mưa, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn…do đó cần có giải pháp chuyển đổi từ sử dụng NLHT sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay thế với nền kinh tế phát thải khí nhà kính thấp. Pin nhiên liệu là một trong những dạng năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp năng lượng đang cần phát triển và thúc đẩy.
Ðược biết, trong các loại pin nhiên liệu thông thường, thành phần bao gồm khí hydro, methanol, ethanol, chất oxy hóa và hai điện cực được làm bằng bạch kim (Pt) và than chì. Sử dụng chất xúc tác bạch kim khiến giá thành pin nhiên liệu bị đẩy lên cao, còn than chì có độ bền kém và độc hại cho môi trường. Chính vì vậy, từ năm 2011, PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân và cộng sự đã nghiên cứu và phát triển loại vật liệu mới này, vừa nâng cao khả năng chịu độc CO, vừa thay thế 25% lượng bạch kim cho sản phẩm.
PGS.TS Thanh Vân sau khi trở về giảng dạy và nghiên cứu lĩnh vực pin nhiên liệu cũng đã gặp không ít khó khăn. Khác với kỳ vọng, nguồn kinh phí, chi phí và trang thiết bị phòng thí nghiệm, kỹ thuật phân tích tại trường còn nhiều hạn chế. Có nhiều thứ phải đặt mua ở nước ngoài như hóa chất sử dụng tổng hợp vật liệu, phương pháp đo đạc, phân tích, hiện đại... Không chỉ vậy, mô hình các nhóm nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm thực sự chưa phát triển ở Việt Nam cũng là rào cản để thực hiện các hướng nghiên cứu mới. Tuy nhiên, khó khăn không làm nữ PGS. TS trẻ tuổi này nản lòng, cô lại càng mong muốn tìm tòi, khắc phục để vượt qua mọi rào cản về điều kiện vật chất, phát triển nghiên cứu.
Chia sẻ về công trình nghiên cứu, PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân cho biết: Nghiên cứu này sẽ giúp giải quyết việc giảm sử dụng kim loại quý bạch kim, đồng thời cải thiện hiệu suất của hợp kim so với bạch kim nguyên chất, nhờ đó nâng cao hoạt tính và thời gian hoạt động của xúc tác điện hóa bạch kim, mang đến hiệu quả về chi phí, hoạt động và độ bền cao để có thể thương mại hóa được loại pin nhiên liệu thân thiện với môi trường này. Thành công trong nghiên cứu này sẽ góp phần mở ra con đường chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, theo đó nhiên liệu tái tạo, nhiên liệu xanh và bền vững sẽ được sử dụng trong một chu kỳ liên tục./.
- Năm 2019, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân được Hội đồng Khoa học L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học vinh danh Nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam 2019 với đề án nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0, 8W0, 202 để nâng cao khả năng chịu đầu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol là một dạng năng lượng tái tạo. Hướng nghiên cứu này sẽ mang đến lợi ích thiết thực trong việc sử dụng rộng rãi pin nhiên liệu, để thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch và giảm sự nóng lên toàn cầu do khí thải CO2.
- Năm 2020, PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân lọt vào top 23/100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á do tạp chí Asian Scientist bình chọn.
- Ngày 22-6-2022, tại trụ sở Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris-Pháp, Hội đồng khoa học UNESCO và Quỹ L’Oréal đã trao giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới 2022 cho PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân với những đóng góp nổi bật cho KHCN với dự án “Nghiên cứu phát triển pin nhiên liệu và năng lượng hydro xanh – thiết lập chu trình tuần hoàn năng lượng xanh, tái tạo và bền vững”.
Thực hiện: Thông Hải/Báo ảnh Việt Nam
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/pgsts-ho-thi-thanh-van-nha-khoa-hoc-nu-tre-tai-nang-the-gioi-nam-2022-307125.html