Kinh tế

Ông Lê - Nhà sản xuất trang phục truyền thống Việt

Với hành trình 30 năm xây dựng và phát triển nghề may thêu truyền thống của dòng họ Lê, thương hiệu Ông Lê đã và đang góp phần bảo tồn và gìn giữ trang phục truyền thống Việt, đồng hành cùng nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật cấp Quốc gia.

Với hành trình 30 năm xây dựng và phát triển nghề may thêu truyền thống của dòng họ Lê, thương hiệu Ông Lê đã và đang góp phần bảo tồn và gìn giữ trang phục truyền thống Việt, đồng hành cùng nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật cấp Quốc gia.

Anh Lê Anh Tuấn, Tổng giám đốc của thương hiệu thời trang Ông Lê đã tiếp quản truyền thống nghề may thêu của dòng họ Lê.

Anh Lê Anh Tuấn là người tiếp nối truyền thống của dòng họ Lê có 3 thế hệ chuyên may đo, thiết kế các trang phục thời trang như áo dài, quần áo thổ cẩm, trang phục biểu diễn dân gian. Từ nhỏ anh đã được tiếp xúc với các thao tác từ đo, cắt vải, may để làm ra một sản phẩm áo dài truyền thống. Lớn lên dù theo học ngành nghệ thuật nhưng rồi anh vẫn không rời được nghề may thêu mà cha ông mình đã gây dựng. Bôn ba nhiều ngành nghề cuối cùng anh quay lại lập nghiệp bằng nghề sản xuất trang phục truyền thống Việt, đây cũng là niềm tự hào của dòng họ Lê mà anh cần tiếp quản và phát triển.


Ông Lê với nhiều sản phẩm may thêu truyền thống được sản xuất đa dạng như: trang phục dân tộc H'mông, Mèo, Thái, Mường, Kinh, Hoa, Hà Nhì... đến trang phục dân gian như: trống hội, yếm đào, váy đụp, áo the, khăn xếp, áo bà ba, áo quan họ, áo tứ thân, áo dài truyền thống. Ngoài ra còn có trang phục đồng dao, chú tễu, hằng nga, thổ công, trang phục cung đình, trang phục hiện đại như áo dài cách tân, váy múa, váy dạ hội, váy múa bụng, váy khiêu vũ ... Sản phẩm của Ông Lê đã đồng hành với nhiều chương trình văn hóa của Đài Truyền hình Việt Nam và xuất hiện trên các sân khấu biểu diễn lớn trong nước và quốc tế.


Điều đặc biệt mà hơn 30 năm Ông Lê vẫn gìn giữ đó là cách may đo, thêu hoàn toàn thủ công. Xưởng sản xuất trang phục của Ông Lê hội tụ nhiều nghệ nhân của Việt Nam, họ không chỉ có tên tuổi mà còn có tâm huyết, độ dẻo dai và tài hoa của người thợ Việt Nam, cần mẫn, tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt.


Hiện nay Ông Lê có xưởng thêu đặt tại Hà Nam và 1 showroom cũng là một sân khấu talkshow tại Hà Nội để phục vụ 2 lĩnh vực: may đo, và ứng dụng trang phục trên sân khấu biểu diễn. Từ đó khẳng định chuỗi sản phẩm trang phục của Ông Lê được chuyên nghiệp từ khâu sản xuất đến ứng dụng trong đời sống. Khách hàng có thể trải nghiệm quá trình may đo trang phục đến thử trang phục trong không gian sân khấu nghệ thuật của Ông Lê ngay tại Showroom.


Với các trang phục áo dài truyền thống nam nữ, Ông Lê gần như là nhà sản xuất duy nhất còn giữ phương pháp cắt may từ thời xưa, đó là đo các chỉ số cơ thể thủ công, thiết kế bằng cách vẽ lại trên giấy rồi áp lên vải và cắt. Sau khi quá trình thiết kế hoàn thiện, người nghệ nhân mới thêu các họa tiết. Một người nghệ nhân làm hết công suất thì một tháng có thể hoàn thiện được 30 bộ trang phục. Có lẽ chính vì sản phẩm làm thủ công nên khi thành phẩm, khách hàng có thể nhìn thấy được độ tinh xảo, tinh tế ở từng đường kim mũi chỉ, hoa văn họa tiết trên trang phục như một câu chuyện văn hóa theo từng chủ đề, khi là bộ sưu tập hoa sen khi lại là những nét sinh hoạt đời thường của người Việt thể hiện trên tà áo.


Ông Lê đã chinh phục được nhiều du khách quốc tế, họ đã đến tận cửa hàng để đặt may áo dài, trang phục dân tộc Việt Nam và coi sản phẩm như một quà tặng văn hóa Việt./.

Bài: Bích Vân     Ảnh: Công Đạt


https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/ong-le-nha-san-xuat-trang-phuc-truyen-thong-viet-309708.html


top