Núi Chứa Chan được biết đến là ngọn núi cao thứ hai khu vực Đông Nam Bộ với nhiều vách đá dựng đứng, hệ sinh thái đa dạng... Do nằm cách Sài Gòn không xa nên nơi đây vẫn thường được nhiều bạn trẻ yêu lịch và lựa chọn để khám phá.
Những ngôi chùa cổ kính cùng nhiều câu chuyện bí ẩn luôn thu hút sự tò mò của du khách khi đến núi Chứa Chan.
Lên đến các chỏm đá trên núi Chứa Chan, du khách phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp dưới chân núi cũng như các khu vực lân cận.
Cách Sài Gòn khoảng 100 km, đi dọc theo quốc lộ 1A về hướng Đồng Nai, Núi Chứa Chan còn còn có nhiều tên gọi khác như núi Gia Ray hay núi Gia Lào thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Đây là ngọn núi cao thứ hai ở Nam Bộ (sau núi Bà Đen - Tây Ninh) với độ cao 837 m so với mực nước biển. Núi Chứa Chan có cảnh quan hùng vĩ được coi là địa đầu của tỉnh Đồng Nai, là nơi khởi nguồn của nhiều con suối (Suối Gia Ui chảy về hướng đông, suối Gia Miên chảy về hướng tây, suối Gia Liêu chảy về hướng nam và suối Gia Lào chảy về hướng bắc) với nguồn nước quanh năm trong lành, mát mẻ. Trên các hốc đá có những mạch nước đùn lên và đọng lại thành từng hồ nhỏ và người dân địa phương gọi là giếng Tiên.
Đặc biệt, đến với núi Chứa Chan du khách còn có thể tham quan một trong những ngôi chùa nằm giữa lưng chừng núi trong cụm di tích – đó là Chùa Bửu Quang (hay còn gọi là chùa Gia Lào). Đây là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và kỳ lạ nhất bởi vì không có hòm công đức và được xây dựng dựa trên địa hình thiên nhiên của núi rừng, phía trước là cây Da 3 gốc cao khoảng 30m, được hình thành từ ba gốc chụm lại tạo nên hình dáng rất kỳ lạ và huyền bí. Người dân thường gọi đây là Cây Da 3 gốc 1 ngọn gắn với những câu chuyện huyền bí và được xem là nơi linh thiêng thu hút rất đông du khách đến cầu an, cầu tài, cầu lộc.
Trên núi Chứa Chan thường xuyên tổ chức môn thể thao dù lượn.
Những ngôi chùa cổ kính được xây dựng xen kẽ những bóng cây trên núi Chứa Chan.
Đến với Khu du lịch núi Chúa Chan du khách có thể đi đường bộ hoặc đi cáp treo để khám phá toàn cảnh núi Chứa Chan từ trên không.
Có rất nhiều cách để khám phá ngọn núi này, ví như đi theo hướng chùa. Nhưng theo kinh nghiệm của các phượt thủ leo núi Gia Lào thì theo đường cột điện để lên đỉnh núi sẽ dễ hơn. Khu vực triền núi cao ở phía Bắc thuộc xã Xuân Trường có nhiều tảng đá ken vào thành những bức tường dày, lối vào âm sâu, khúc khuỷu. Khu vực đá này khi các cơ quan xếp hạng di tích định danh là Mật khu Hầm Hinh bởi gắn liền với thời kỳ các lực lượng cách mạng dùng làm căn cứ thời chống Pháp, chống Mỹ.
Thời điểm đẹp trên núi Chứa Chan, khi mặt trời chưa mọc hẳn lên là lúc màu sắc của bầu trời trở nên rực rỡ hơn với sắc hồng tím vô cùng lạ mắt. Cho đến khi mặt trời dần lên cao, không gian cũng sáng bừng, cả cảnh vật cũng dần rõ màu theo. Không còn khoảng đen trước mặt, mọi thứ sáng rõ dần. Bầu trời cũng cao và trong hơn, mặt trời vàng rực đã lên nhuộm vàng cả không gian.
Hệ thống cáp treo hiện đại với 44 ca bin loại chuyên chở 8 người/ca bin có thể phục vụ du khách tham quan với công suất tối đa 2.400 người/giờ.
Một nơi có nhiều cảnh quan đẹp như núi Chứa Chan, đặc biệt núi Chứa Chan đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia. Trên núi có Mật khu Hầm Hinh và nhà nghỉ của toàn quyền Pháp, chùa Bửu Quang, Lâm Sơn Tự, Linh Sơn Tự… Khí hậu mát mẻ, thiên nhiên hiền hoà với hệ động thực vật phong phú. Với những gì đã và đang nỗ lực của địa phương, núi Chứa Chan sẽ là điểm du lịch đáng dừng chân của Đồng Nai nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung./.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/nui-chua-chan-diem-den-hap-dan-du-khach-390177.html