Phóng sự chuyên đề

Nụ cười cho em

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 3000 trẻ em sinh ra bị dị tật hở khe môi, vòm họng (tỷ lệ 1/700). Với các em, ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe và khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, còn có những nỗi đau về tinh thần bởi hạn chế cơ hội hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, hơn 30 năm nay, với sự chung tay của các tuyến bệnh viện từ trung ương đến địa phương, Quỹ Vì trẻ em Việt Nam, các tổ chức từ thiện trong nước và quốc tế đã bền bỉ thực hiện nhiều chương trình phẫu thuật, mang lại nụ cười và cơ hội hòa nhập cho hàng triệu trẻ em Việt Nam.
Chúng tôi có mặt trong buổi khám bệnh cho các em nhỏ ở khoa Răng Hàm Mặt của Bệnh viện Nhi Trung ương trong những ngày Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Khi chứng kiến những đứa trẻ mới chỉ có 2-3 tháng tuổi vẫn còn nằm trong vòng tay của bố mẹ nhưng lại không may mắn bởi đôi môi di tật bẩm sinh khiến cho các bác sỹ nơi đây càng quyết tâm hơn vào công việc của mình.
 
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Văn Cẩn - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị hở khe môi và vòm họng có thể do nhiều yếu tố như ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường, bức xạ, người mẹ lúc mang bầu trong 3 tháng đầu bị sốt dùng thuốc và yếu tố di truyền. Trẻ bị dị tật hở khe môi, vòm họng sẽ có 3 loại là hở môi một bên, khe hở môi hai bên và khe hở vòm họng. Theo tiêu chuẩn cũ của một số tổ chức quốc tế thì trẻ thường được phẫu thuật ở giai đoạn từ 3 đến 6 tháng. Tuy nhiên, hiện nay ở bệnh viện Nhi Trung ương thường phẫu thuật khe hở môi cho bé từ 1 đến 3 tháng tuổi, khe hở vòm họng từ 12 đến 18 tháng tuổi. Trường hợp khe hở môi 2 bên thường kéo theo hở vòm họng thì các bé sẽ phải theo phác đồ điều trị từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành.
 
Chiều hôm đó, chúng tôi theo chân ekip bác sĩ Cẩn vào phòng mổ. Hôm đó, họ thực hiện ca phẫu thuật khe hở môi hai bên cho bé Nguyễn Minh Quân 3 tháng tuổi. Chị Ngân mẹ bé vừa bế con đi theo các bác sĩ đến phòng mổ với những lo lắng thể hiện ra trên khuôn mặt. Ca phẫu thuật kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ cũng là khoảng thời gian đầy lo lắng của người mẹ khi đặt trọn tất cả hi vọng vào sau cánh cửa phòng mổ rằng các bác sĩ sẽ giúp con hoàn thiện khuôn mặt hơn.
 


 Phẫu thuật hở hàm ếch cho các em nhỏ ở Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba tháng 7  năm 2021, chương trình do Tổ chức phẫu thuật nụ cười Operation Smile thực hiện.
Ảnh: Công Đạt / VNP



 Bác sĩ Đỗ Văn Cẩn, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt của Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho bệnh nhi hở hàm ếch. Ảnh: Công Đạt / VNP


 Khám sàng lọc trước khi phẫu thuật cho bệnh nhi hở hàm ếch tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba tháng 7 năm 2011. Ảnh: Công Đạt / VNP

 Bệnh nhi hở hàm ếch được đưa vào phòng phẫu thuật tại bệnh viện Nhi Trung Ương. Ảnh: Công Đạt / VNP

 Các bác sĩ tiến hành gây mê cho bệnh nhi trước khi phẫu thuật. Ảnh: Công Đạt / VNP
  


 Công đoạn chỉnh sửa môi cho bệnh nhi. Ảnh: Công Đạt / VNP
 
Công đoạn khâu vết mổ cho bệnh nhân nhi bị hở hàm ếch. Ảnh: Công Đạt / VNP

Hơn 2 tiếng đồng hồ trôi qua, bé Quân đã được ra khỏi phòng mổ với đôi môi được chữa lành. Nỗi lo âu đã vỡ oà thành niềm hạnh phúc khi mẹ bế em trong tay. Cậu bé 3 tháng tuổi vẫn ngủ ngon trên tay mẹ khi bác sĩ hướng dẫn mẹ về việc chăm sóc cho em sau khi đã phẫu thuật. Ánh mắt của chị Ngân rưng rưng như phần nào thấy được niềm hi vọng về cuộc sống sau này của con, mặc dù trước mắt vẫn là một hành trình phục hồi và tập luyện sau khi phẫu thuật.
 
Sau khi kết thúc cuộc phẫu thuật, Bs. Cẩn cho biết, đa phần những trẻ em bị di tật bẩm sinh ở môi và họng có gia cảnh khó khăn. Những năm gần đây có rất nhiều chương trình phẫu thuật hở hàm ếch miễn phí là cơ hội tìm lại nụ cười rạng rỡ cho rất nhiều trẻ em Việt Nam. Chương trình ưu tiên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ một phần chi phí đi lại, ăn ở cho gia đình các bệnh nhân. Hiện tại, khoa Răng Hàm Mặt của bệnh viện Nhi Trung ương với sự tài trợ của Quỹ NCF Đài Loan và tổ chức Smile Train đã có kinh phí hỗ trợ cho các bé khi đến phẫu thuật hở khe môi, vòm họng. Từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2021, khoa đã tiến hành hỗ trợ kinh phí mổ cho hơn 700 em nhỏ bị hở khe môi và vòm họng.
 

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 3000 trẻ em sinh ra bị dị tật, thì theo ước tính hiện vẫn còn khoảng 10.000 trẻ em không có điều kiện để tiếp cận với dịch vụ y tế. Vì thế, mỗi năm Operation Smile đặt ra mục tiêu khám và điều trị cho khoảng 2.000 bệnh nhi. 
Ông Nguyễn Việt Phương -
Trưởng đại diện Operation Smile Việt Nam.
Thông thường các bé bị hở khe môi, vòm họng hay mắc phải viêm tai mũi họng hay hàm răng bị lệch, sau khi phẫu thuật xong còn phải trải qua quá trình trị liệu ngôn ngữ. Vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ về tài chính, Quỹ NCF và tổ chức Smile Train cũng hỗ trợ bệnh viện Nhi Trung ương về công tác đào tạo cho nhiều bác sĩ chuyên khoa về phẫu thuật, tham gia trị liệu ngôn ngữ, chỉnh nha. Việc trị liệu ngôn ngữ là phần khá quan trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống đi học và làm việc của các em sau này, nên hiện tại khoa Răng Hàm Mặt đang phối hợp với Trung tâm thính học và trị liệu ngôn ngữ để giúp các bé luyện phát âm giọng nói.
 
Thac sĩ Nguyễn Thị Thanh công tác tại Trung tâm Thính học và trị liệu Ngôn ngữ của Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, việc trị liệu phải đi đúng quy trình bài bản và thứ tự thì mới giúp bé phát âm đúng vào độ tuổi bé đi đến trường. Giai đoạn đầu thì phải kích thích cho luồng hơi của bé khi nói phải phát ra đường miệng. Sau đó kích thích để cho bé nghe lại những từ, âm, câu mà bé nói sai. Khi bé đã nghe và học được từ đó rõ rồi thì đến giai đoạn sử dụng phương pháp gợi ý phát âm rồi phát triển lên thành cụm từ hay câu ngắn. Và công đoạn cuối cùng là bé hội thoại với người khác. “Hiện tại, bệnh viện Nhi Trung ương sử dụng máy nội soi ống mềm do Quỹ NCF tài trợ để kiểm tra song song trong quá trình trị liệu ngôn ngữ”, Thạc sĩ Thanh cho biết thêm.
 
Hiện nay, chương trình phẫu thuật nụ cười cho trẻ em không chỉ thực hiện ở bệnh viện Nhi Trung ương, còn có một số bệnh viện khác từ Trung ương như Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Việt Nam - Cuba, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108... đến bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố khắp cả nước... Song hành cùng các bệnh viện là sự hỗ trợ cả về kinh phí và đào tạo kỹ thuật y tế từ rất nhiều tổ chức xã hội như Operation Smile Việt Nam, phái đoàn thiện nguyện Project Vietnam Foundation, quỹ NCF Đài Loan, Smile Train, ESSO, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam... cùng sự chung tay của một số doanh nghiệp Việt Nam.
 


 Bệnh nhi trong phòng hậu phẫu.  Ảnh: Công Đạt / VNP


 Bệnh nhi sau khi phẫu thuật được giữ lại viện để theo dõi cho đến khi cắt chi.̉ Ảnh: Công Đạt / VNP


 Bác sĩ thăm khám thường xuyên cho các bệnh nhi sau phẫu thuật. Ảnh: Công Đạt / VNP




Công tác trị liệu giọng nói ngôn ngữ cho các em bị hở khe môi và vòm họng sau phẫu thuật
tại Trung tâm thính học và trị liệu ngôn ngữ của bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Công Đạt / VNP



 Cuộc sống sinh hoạt tại nhà của bé Zhang Gia Bảo. Đây là một cậu bé đã theo phác đồ điều trị ở viện từ lúc 2 tháng tuổi đến giờ khi đã 4 tuổi. Ảnh: Công Đạt / VNP

Là trong những tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên có mặt tại Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Operation Smile đã bắt đầu thực hiện hoạt động khám và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em sinh ra bị dị tật khe hở môi, hàm ếch và các dị tật hàm mặt khác từ năm 1989 với sự khởi xướng từ cựu chiến binh John Connor và 38 tình nguyện viên Hoa Kỳ. Trong suốt hơn 30 năm hoạt động, Operation Smile Vietnam đã hỗ trợ khám và điều trị cho hơn 62.000 trẻ em ở khắp các tỉnh, thành của Việt Nam.
 
Ông Nguyễn Việt Phương- Trưởng đại diện Operation Smile Việt Nam cho biết, với con số mỗi năm có khoảng 3000 trẻ em sinh ra bị dị tật, thì theo ước tính hiện vẫn còn khoảng 10.000 trẻ em không có điều kiện để tiếp cận với dịch vụ y tế của tổ chức. Vì thế, mỗi năm Operation Smile đặt ra mục tiêu khám và điều trị cho khoảng 2.000 bệnh nhi, với trung bình hàng chục đợt phẫu thuật thực hiện trong cả nước.
 
Theo giới thiệu của Operation Smile Việt Nam, chúng tôi có cuộc trò chuyện với chàng trai Ngô Xuân Long (26 tuổi) từng được tham gia chương trình phẫu thuật nụ cười miễn phí do bệnh viện A Thái Nguyên tổ chức với sự đồng hành của Operation Smile Việt Nam và công ty Samsung khi cậu 10 tuổi.
 
Ngô Xuân Long chia sẻ: “Hồi bé đi học mình hay bị các bạn trêu và đặt biệt danh. Điều này khiến trong lòng mình tự cảm thấy bị mọi người xa lánh nên cũng tự ti, ngại giao tiếp. Đến lúc được tham gia chương trình phẫu thuật nụ cười miễn phí thì giờ mình cũng thấy tự tin hơn trong giao tiếp và làm việc”. Với nụ cười sau 16 năm phẫu thuật cùng với nghị lực bản thân làm hành trang vào đời, Ngô Xuân Long đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành điện tử, đã làm việc được 6 năm tại công ty Samsung./.
 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Công Đạt

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/nu-cuoi-cho-em-266434.html


top