Văn hóa

Non nước Tràng An

Trải qua hàng triệu năm kiến tạo địa chất, tạo hóa đã ưu ái ban cho Ninh Bình một kì quan thiên nhiên tuyệt mĩ “non xanh nước biếc” và đây cũng chính là vùng đất văn hiến của nước Việt xưa, đó chính là Quần thể Danh thắng Tràng An.
VÙNG ĐẤT SƠN THỦY HỮU TÌNH
Quần thể Danh thắng Tràng An có diện tích 10.000ha, bao gồm Khu Du lịch Sinh thái Tràng An, Khu Danh thắng Tam Cốc - Bích Động và Cố đô Hoa Lư. Toàn bộ quần thể danh thắng nổi tiếng này nằm trải rộng trên địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan và thành phố Ninh Bình.

Ngày đầu tiên trong lộ trình khám phá vẻ đẹp kì vĩ của Quần thể Danh thắng Tràng An, từ sáng sớm, chúng tôi đã đến Khu Du lịch Sinh thái Tràng An. Từ bến đò Tràng An, người lái đò chèo con thuyền nhỏ, nhẹ lướt đưa chúng tôi xuôi theo dòng sông trong xanh, êm trôi men theo các dãy núi đá vôi tuyệt đẹp. Thỉnh thoảng, có vài hạt mưa bóng mây mùa hè nhẹ rơi trên mặt nước càng làm cho khung cảnh của một vùng non nước mây trời hoang sơ khoáng đạt nơi đây càng trở nên quyến rũ hơn. Chúng tôi đi theo một hành trình khép kín, qua một quần thể động xuyên thủy bao gồm 51 hang động và 30 thung nước khiến chúng tôi như có cảm giác lạc vào chốn “bồng lai tiên cảnh”, nơi mà người ta vẫn ví như một “Vịnh Hạ Long trên cạn” của Việt Nam.
 

Một góc Tràng An. (Ảnh: BQL Tràng An)

Bến đò Tràng An. (Ảnh: BQL Tràng An)

Những đồng lúa chín vàng dọc đường vào khu Tam Cốc - Bích Động. (Ảnh: Đinh Công Hoan - TL BAVN)

Trải qua hàng trăm triệu năm, sự kiến tạo của địa chất đã tạo nên những hang động
xuyên thủy có nhiều thạch nhũ đẹp đến kì lạ. (Ảnh: Công Đạt)

Du khách đi qua núi có hình mỏ đại bàng ở Tam Cốc - Bích Động. (Ảnh: Trang Linh)

Con thuyền đưa chúng tôi đi xuyên qua hang Tối, qua hang Sáng, hang Seo, hang Nấu Rượu rồi đến hang Ba Giọt… với vẻ đẹp muôn hình vạn trạng của những nhũ đá được hình thành qua hàng triệu năm kiến tạo địa chất trong lòng hang, khiến con người có thể tưởng tượng ra nhiều hình thù khác nhau. Suốt quãng hành trình, ngày và đêm đan xen nhau khiến chúng tôi không còn khái niệm về thời gian và mang lại cái cảm giác thú vị về thời tiết bốn mùa ngay trong chính ngày hè nắng nóng này.

Theo các nhà nghiên cứu, Tràng An xưa chính là “vịnh biển cổ Hoa Lư”. Tuy nhiên, trải qua khoảng 250 triệu năm kiến tạo địa chất, nơi đây đã hình thành nên dải núi đá vôi mang đặc trưng nổi trội về địa mạo karst, một hiện tượng phong hóa đặc trưng của những vùng núi đá vôi bị nước chảy xói mòn qua thời gian dài hàng triệu năm. Bên cạnh đó, do hoạt động dân sinh đắp đê ngăn lũ, quai đê lấn biển của người Việt xưa nên Tràng An dần trở nên có diện mạo như ngày nay.

Càng đi sâu vào trong “vùng lõi” người ta càng thấy những nhận xét trên là hoàn toàn có cơ sở. Bởi trải qua hàng nghìn, hàng triệu năm, mặc dù biển đã lùi xa đất liền từ lâu, nhưng dưới chân các ngọn núi đá vôi ở đây nay vẫn còn có các hàm ếch, các đảo karst mang trên mình nhiều dấu ấn của biển. Có lẽ vì thế mà giới chuyên môn đã ví Tràng An như một “bảo tàng địa chất ngoài trời”.

Cũng trong chuyến đi này, chúng tôi may mắn gặp đoàn chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam đang tiến hành khảo cứu tại Khu Du lịch Sinh thái Tràng An. Theo chân các chuyên gia, chúng tôi đến hang Mòi, hang Sinh, Thung Bình 1, Thung Bình 2, Thung Bình 3. Tại những hang này, các nhà khoa học đã phát hiện ra dấu tích của biển được lưu dấu rất rõ nét qua vết tích của các lớp vỏ nhuyễn thể nước ngọt hoặc biển. Ngoài ra, ở đây cũng có rất nhiều dấu tích như di cốt động vật, bếp, mộ táng, di cốt người, và đặc biệt là công cụ lao động bằng đá, bằng xương và đồ gốm… Điều đó cho thấy, Tràng An rất có thể là nơi sinh sống của người Việt cổ cách đây khoảng 10 – 20 nghìn năm về trước.


Đoàn nghiên cứu đang khảo sát hang Sinh, một trong những hang động mới của Tràng An. (Ảnh: Công Đạt)

Một số mẫu vật khai quật được trong những hang động mới của Tràng An. (Ảnh: Công Đạt)

Các chuyên gia trường Đại học Cambridge của Vương quốc Anh khảo sát hang động của Tràng An. (Ảnh: BQL Tràng An)

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử của Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, hệ thống các di tích khảo cổ khai quật được đã tạo nên nét riêng độc đáo làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của hệ thống hang động tiền sử ở Tràng An.

Đồng quan điểm với PGS Nguyễn Khắc Sử, Tiến sĩ Ryan Rabett của Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học McDonald, trường Đại học Cambridge, Vương quốc Anh cũng cho rằng: “Tràng An là một ví dụ rất độc đáo về lịch sử loài người, không chỉ đối với Việt Nam mà đối với khu vực, một sự kết hợp cả giá trị thiên nhiên và văn hóa”.

Kết thúc buổi khám phá quần thể động xuyên thủy độc đáo ở Khu Du lịch Sinh thái Tràng An, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến Khu Danh thắng Tam Cốc - Bích Động, nơi được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động”.

Vào những ngày hè tháng 6, Khu Tam Cốc - Bích Động dường như trở nên đẹp hơn khi các cánh đồng lúa chín vàng óng ả dưới chân những dãy núi đá vôi nằm nối liền nhau trong cái nắng chói chang rực rỡ sắc vàng ngày hạ. Chúng tôi ngồi thuyền dọc theo con sông Ngô Đồng, thả hồn lãng đãng trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp khi con thuyền đi qua giữa biển lúa chín vàng và hình ảnh những con thuyền chở lúa nặng trĩu ngược xuôi.

Ở Tam Cốc - Bích Động có đền Thái Vi, một di tích nổi tiếng trong và ngoài nước. Đền có lối kiến trúc độc đáo với tất cả các cột cao to đều làm bằng đá xanh nguyên khối, trước đền còn có giếng ngọc bằng đá xanh và phía trong sân có treo quả chuông cổ đúc từ năm Chính Hòa thứ 19 (1689). Tiếp đó là chùa Bích Động, một ngôi chùa cổ mang đậm phong cách Á Đông được xây dựng trên dãy núi đá vôi Trường Yên. Đứng trên chùa Bích Động nhìn xuống mới cảm nhận được hết vẻ đẹp bao la vô tận mà tạo hóa đã ban tặng cho Khu Danh thắng Tam Cốc - Bích Động.

NGHÌN NĂM ĐẤT CỐ ĐÔ
Chuyến khám phá Quần thể Danh thắng Tràng An cũng đồng thời đưa chúng tôi đi qua nhiều khu di tích văn hóa – lịch sử, tâm linh, trong đó có cả Cố đô Hoa Lư xưa.

Trở lại với Khu Du lịch Sinh thái Tràng An, cách bến đò trung tâm của Khu du lịch không xa là đền Trình, nơi thờ hai vị giám quan mà dân gian cho rằng các ông đã có công canh gác, gìn giữ tại khu vực này. Tiếp đến là phủ Khống, còn được gọi là phủ Cây Thị, bởi ở đây có cây thị cổ thụ cho ra 2 loại quả: quả tròn và quả dẹt. Đây là nơi thờ 7 vị trung thần của triều Đinh (968 - 980).

Đặc biệt, ở đây có đền Trần, một ngôi đền cổ nổi tiếng linh thiêng nằm trên đỉnh núi cao. Đường lên đền khá xa và dốc, nhưng càng lên cao người ta lại càng được mãn nhãn với cảnh quan đất trời, càng cảm thấy dễ chịu với không khí trong lành, dịu mát. Tương truyền, đền Trần do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng ở Phú Thọ; sau này vua Trần Thái Tông (1218 – 1277) về đây lập hành cung Vũ Lâm, tiếp tục cải tạo bề thế hơn nên được gọi là đền Trần. Đền Trần là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn giữ cửa ải phía Nam thành Hoa Lư. Hàng năm, cứ vào ngày 18 tháng 3 âm lịch, du khách thập phương lại nô nức về đây dự lễ hội đền Trần và vãn cảnh Tràng An. Hơn 10 thế kỉ đã trôi qua nhưng những hình “long, li, quy, phượng” chạm khắc tinh xảo trên các hàng cột đá của ngôi đền vẫn còn vẹn nguyên, mềm mại và sống động như xưa.


Đền Nội Lâm (đền Trần). (Ảnh: Công Đạt)

Sân rồng đền vua Lê ở Khu Di tích Cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Công Đạt)

Sân rồng đền vua Đinh Tiên Hoàng ở Khu Di tích Cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Công Đạt)

Lễ hội đền Thái Vi. (Ảnh: Dương Duy Khang)

Đền vua Đinh, vua Lê (nhìn từ núi Trường Yên). (Ảnh: Trang Linh)

Hoa văn và một số hiện vật cổ được tìm thấy ở Khu Di tích Cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Công Đạt)

Đoàn du khách Tây Ban Nha đến thăm đền Thái Vi. (Ảnh: Trang Linh)

Bích Động - một thắng cảnh thu hút nhiều du khách. (Ảnh: Trang Linh)

Theo các nhà sử học, Tràng An gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Sử cũ cho biết, năm 968, sau khi dẹp xong loạn mười hai sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi hoàng đế, đóng đô tại Hoa Lư và đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Từ năm 968 đến năm 1009, có 6 vị vua thuộc 3 triều đại Đinh, Lê, Lý đóng đô tại đây. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), kể từ đó Hoa Lư trở thành cố đô.

Dưới sự hướng dẫn của chị Đào Thị Mỹ Dung, hướng dẫn viên du lịch của Khu du lịch Cố đô Hoa Lư, chúng tôi đi tham quan các công trình kiến trúc thời vua Đinh, vua Lê, nơi còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử thể hiện những thời kì vàng son của dân tộc qua việc dựng kinh đô, khẳng định nền độc lập, tự chủ của dân tộc từ hơn ngàn năm về trước.

Hàng năm, cứ vào các ngày 6, 7, 8 tháng 3 âm lịch, người dân Ninh Bình lại tổ chức lễ hội Cố đô Hoa Lư để tưởng niệm vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Mới đây, Cố đô Hoa Lư đã được Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Với những giá trị đặc biệt ấy, được sự đồng ý của Chính Phủ, tỉnh Ninh Bình đang tiến hành xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Quần thể Danh thắng Tràng An là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Ban Quản lí Quần thể Danh thắng Tràng An cho biết, những dữ liệu thu thập được về giá trị cảnh quan, địa chất địa mạo và di tích văn hóa sinh hoạt của người tiền sử ở Quần thể Danh thắng Tràng An từ tháng 3/2012 đến tháng 5/2012 đã được chuyên gia người New Zealand Paul Dingwall đánh giá rất cao. Tới đây, Ban Quản lí sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Nghiên cứu Truyền thống Phát triển thu thập dữ liệu chuyên sâu để gửi các chuyên gia trong nước và ngoài nước tư vấn, qua đó chọn ra tiêu chí nổi bật cuối cùng để hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO vào tháng 9/2012. Ngoài ra, ông Nguyễn Cao Tấn cho biết thêm, công tác vận động, kêu gọi các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao ủng hộ, giúp đỡ tỉnh Ninh Bình trong quá trình đề nghị UNESCO xem xét công nhận Quần thể Danh thắng Tràng An là di sản thế giới cũng đang được tỉnh đẩy mạnh triển khai./.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Công Đạt, Trang Linh, Dương Duy Khang, BQL Tràng An & Tư liệu Báo ảnh Việt Nam (TL BAVN)

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/non-nuoc-trang-an-35738.html


top