
Khác với những chủ đề thường được chạm khắc chung quanh các đài thờ về hình ảnh hoặc chuyện kể về các vị thần,
ở đài thờ Mỹ Sơn E1( thế kỷ VII – VIII) là các bức chạm miêu tả nhiều cảnh sinh hoạt hàng ngày trong rừng
của các tu sĩ Ấn Độ Giáo một cách sống động, đầy tính nghệ thuật.

Đản sinh Brahma đây là bức chạm khắc trang trí trên vòm cửa (được gọi là mi cửa, trán cửa hay tympan) của tháp Mỹ Sơn E1,
thể hiện một chủ đề quen thuộc trong thần thoại Ấn Độ, đó là cảnh thần Vishnu sinh ra thần Brahma từ cuống rốn của mình.

Thần Siva (thế kỷ VII-VIII) thân mình hơi nghiêng sang phải, vẻ mặt điềm tĩnh, mái tóc được tết thành nhiều lọn trang trí
tạo thành một búi cao. Dù bị hư hại nhiều, tác phẩm vẫn là một trong những hiện vật đẹp của nghệ thuật điêu khắc Chăm.

Đài thờ Linga (thế kỷ VII-VIII) gồm phần cột hình trụ bên trên, chia làm ba phần gọi là Linga và phần bệ hình vuông
có rãnh dẫn nước nằm bên dưới gọi là Yoni. Linga theo tiếng Phạn cổ thường được hiểu là một hòn đá dựng lên
tượng trưng cho dương vật. Nó tượng trưng cho năng lực sáng tạo siêu việt của thần.

Vật trang trí: Vũ nữ Trà Kiệu (thế kỷ VII-VIII): Hai mặt của đài thờ thể hiện vũ nữ Apsara trong tư thế múa tribhanga
với thân mình uốn cong mềm mại, uyển chuyển cùng nhạc công với vẻ mặt tươi tắn chơi đàn Vina -
một loại nhạc cụ truyền thống xuất xứ từ Ấn Độ.

Bia ký (thế kỷ VII) Với phần thân bia cao 0,87m, có khắc loại chữ Chăm cổ kiểu chữ nghiêng đều đặn, mềm mại
và đẹp mắt trên cả hai mặt với nội dung ghi chú về những lễ vật mà nhà vua dâng cúng cho hai vị thần thờ
tại thánh địa Mỹ Sơn. Bài minh văn trên tấm bia này được khắc vào năm 679 công nguyên,
tương đương với triều đại vua Prakãçadharma, vương triều đầu tiên Gangãrãja của Champa.

Tượng Bồ tát Tara (thế kỷ IX-X) làm bằng đồng thể hiện hoá thân nữ của Bồ tát Avalokitesvara dưới tên gọi Tara.
Bồ tát được thể hiện đứng thẳng, hai tay đưa ra phía trước, tay trái cầm tù và ốc, tay phải cầm hoa sen nở,
bên trong có gương sen.

Đài thờ Đồng Dương – Quảng Nam (thế kỷ IX-X) được đưa về Bảo tàng từ năm 1935. Mảng đài thờ này gồm có bốn khối đá
cùng một đồ án ăn khớp với những bức điêu khắc trang trí tinh xảo miêu tả hình ảnh những con sư tử có dáng đứng thẳng
hoặc đứng nghiêng khá ngộ nghĩnh được chạm khắc giữa các cột, nổi bật trên phông chạm cánh sen khá mềm mại,
miệng há rộng, lưỡi thè ra và trên đầu có sừng phía trước.

Hai bên là thủy quái Makara (thế kỷ XIII), là một tượng tròn, ở tư thế nằm, được cách điệu với sự pha trộn nhiều chi tiết
của nhiều con vật khác nhau, hai chân trươc cùng đầu vươn cao, lòng bàn chân mở ra phía trước tạo nên tư thế
vừa ngộ nghĩnh vừa hung dữ.Trong điêu khắc Chăm, Makara còn được gọi là rồng, thường hay thể hiện thành một cặp đôi
đối xứng nhau, đặt ở lối vào các ngôi đền, giữ gìn sự yên tĩnh, tôn nghiêm cho nơi thờ cúng, trú ngụ của các vị thần linh.

Thần Vishnu (thế kỉ XI – XII) theo Ấn độ giáo là vị thần bảo tồn, canh giữ không trung.
Trong thần thoại Ấn Độ, vị thần này có rất nhiều kiếp hóa thân khác nhau.

Thần Skanda (thế kỉ X) đứng trên lưng một con công. Các chi tiết trên thân hình và đuôi con công được chạm trỗ tinh tế,
hoàn mỹ theo bút pháp tả thực. Rất tiếc đầu con công đã bị gãy mất, nhưng toàn bộ thân hình và dáng đứng của con công
vẫn toát lên vẻ trang trọng vững chãi, tôn vinh vẻ đẹp của thần Skanda,
một vị thần tượng trung cho sự trẻ trung và nhiều tài năng trong thần thoại Ấn Độ.

Với thân hình tròn trĩnh, mập mạp, tượng thần Ganesa (thế kỉ VII) trông rất vững chãi, bệ vệ và thân thiện với mọi người.

Gạch, Cuội, Kim loại vàng, Thạch Anh được phát hiện tại hố thiêng Phong Lệ (Đà Nẵng). |