Nằm ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội), Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên là một địa chỉ tái hiện sống động về thân thế và sự nghiệp của người đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là một nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng của Việt Nam. Ông là người giữ chức Bộ trưởng Giáo dục lâu nhất của Việt Nam với khoảng thời gian gần 30 năm.
Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên giới thiệu gần 400 hiện vật, ảnh tư liệu, văn bản gốc từ những năm 1970 đến nửa đầu thế kỷ XX liên quan đến công việc và cuộc đời của cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Văn Huyên. Ở đó người ta thấy có những bản ghi chép công phu và tỉ mỉ của cố GS Nguyễn Văn Huyên về các công việc giảng dạy cũng như trong công tác điều hành ngành giáo dục mà ông tham gia trong suốt từ thời kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ cứu nước. Ngoài ra, đồ đạc trong phòng làm việc, những món quà được bạn bè quốc tế tặng, hay những bài báo nước ngoài viết về các công trình nghiên cứu của ông cũng được xếp ngăn nắp, gọn gàng. Đặc biệt, trong số những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng còn có những văn bản chỉ đạo có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được gia đình Cố Bộ trưởng giữ gìn cẩn thận.
Bên cạnh các kỷ vật của cố Bộ trưởng là những kỷ vật của người vợ hiền là bà Vi Kim Ngọc như nhật ký viết về chồng và các con hay những tài liệu khi bà làm việc ở Đại học Y Hà Nội.

Du khách đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên tại làng Lai Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Tượng cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và vợ ông là bà Vi Kim Ngọc
được đặt trang trọng tại tầng 1 Bảo tàng cùng cây phả hệ của gia đình.

Cố bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên là người đứng đầu, gắn bó với ngành giáo dục Việt Nam
trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên giới thiệu gần 400 hiện vật, ảnh tư liệu, văn bản gốc
liên quan đến công việc và cuộc đời của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được thiết kế hiện đại,
cách bố trí không gian trưng bày rõ ràng, sống động giúp người xem dễ hiểu, dễ hình dung.

Ông Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, con trai của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên
đang kể lại những câu chuyện về cuộc đời bố mẹ cho khách tham quan.

Những bản viết tay về công việc của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên được trưng bày trang trọng trong tủ kính của Bảo tàng.

Góc trưng bày những hiện vật liên quan đến cuộc sống thường ngày của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

Những câu chuyện về hiện vật, tài liệu ở Bảo tàng được chính các thành viên trong gia đình kể lại
đã đem đến cho du khách cảm giác gần gũi và ấm cúng khi tới tham quan. |
Với phong cách thiết kế đồ họa rất riêng, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được chia làm 4 chủ đề chính gồm: Nền tảng gia đình; Tuổi trẻ của bố mẹ; Bố mẹ chúng tôi - một nhà bác học và Bố chúng tôi - một người hành động. Mỗi phòng trưng bày được phân biệt với nhau bằng màu sắc nhẹ nhàng cùng với âm thanh du dương của những bài hát, bản nhạc Việt Nam và Pháp rất quen thuộc một thờ như đưa khách tham quan trở về với quá khứ đầy tự hào của chủ nhân những bộ sưu tập quý này.
Khác với những bảo tàng khác, ở đây, phần thuyết minh nội dung các hiện vật được chính bà Vũ Thị Kim, con dâu của Cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thể hiện nên đã tạo nên một không khí gia đình rất ấm cúng đối với người tham quan.
Bà Kim chia sẻ: “Phải trăn trở mãi gia đình chúng tôi mới đi đến quyết định xây dựng Bảo tàng để giữ gìn kỷ vật của bố mẹ, đồng thời cũng để con cháu biết được về lịch sử gia đình để tiếp nối ý thức đó. Việc xây dựng Bảo tàng còn để tạo dựng di sản của địa phương, của đất nước, giúp các thế hệ sau hiểu thêm về lịch sử, xã hội của đất nước một thời đã qua”.
Tới tham quan Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, ông Lương Văn Huy, Việt kiều Canada, chia sẻ: “Những thông tin và cách trưng bày trong Bảo tàng đã cho tôi một cái nhìn chân thực và sống động không chỉ về cuộc đời và sự nghiệp đáng kính của Cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và gia đình ông, mà còn cả những sự chuyển biến sâu sắc của tình hình đất nước từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XXI”./.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Việt Cường
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/noi-luu-giu-hinh-anh-ve-cuoc-doi-co-bo-truong-nguyen-van-huyen-101409.html