Văn hóa

Nơi hội tụ văn hóa người Mông

Trong văn hóa tộc người Mông, hội Lào Sồng có nghĩa là hội thề hay hội xây dựng hương ước. Người Mông ở 13 tỉnh, thành trong khắp cả nước đi dự Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II diễn ra tại Tp. Hà Giang tâm niệm như đi hội Lào Sồng với lời thề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của tộc người.
Cái lý người Mông
“Người Mông tao có cái câu rất hay là “người đồng tộc”. Người đồng tộc không hiểu theo cái hiểu của người Kinh đâu, không chỉ là người cùng họ hàng, dòng tộc đâu, mà là cách gọi chung người Mông sinh sống trên mọi miền của Việt Nam. Nên khi đến Ngày hội văn hóa dân tộc Mông tại Hà Giang tao vui lắm, vui vì đặc gặp nhiều “người đồng tộc”. Ông Giàng A Của ở xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) hồ hởi nâng chén rượu ngô bắt chuyện khách lạ giữa không gian rực rỡ váy áo Mông trong Ngày hội.

Tâm sự của ông Của cũng là tâm sự chung của hơn 500 nghệ nhân, diễn viên người Mông đến Ngày hội từ 13 tỉnh trong toàn quốc. Khắp quảng trường Tp. Hà Giang nhộn nhịp các hoạt động, góc này thì là phần trình diễn cách chế tạo khèn, góc kia thì í ới tiếng mời gọi nhau uống rượu ngô ăn thắng cố, nơi thì vang tiếng lạch cạch của khung cửi phụ nữ dệt vải lanh, lúc lại réo rét tiếng khèn gọi bạn, thi thoảng rộn ràng tiếng thanh la, tiếng chiêng trong đám cưới...



Sân khấu Lễ khai mạc Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II.


Đại diện 13 đoàn nghệ nhân đến từ 13 tỉnh có dân tộc Mông sinh sống ra mắt khán giả trong Lễ khai mạc.


Màn trình diễn trang phục phụ nữ Mông.


Tái hiện hoạt cảnh múa Sênh Tiền - Một điệu múa truyền thống của dân tộc Mông.


Những người phụ nữ dân tộc Mông tỉnh Hà Giang trình diễn cách dệt vải lanh.


Màn múa cách điệu "Người Mông đi hội".


Vở múa nghệ thuật "Người Mông theo Đảng" trong Lễ khai mạc.
Vở múa tái hiện lại lịch sử 300 năm sinh tồn và phát triển của người Mông ở Việt Nam.  

Người Mông đến Ngày hội ở Tp. Hà Giang tâm niệm như đi chợ. Bởi nhẽ, người Mông đi chợ yếu tố bán mua là phụ, mà cái chính là để gặp gỡ giao lưu những “người đồng tộc” với nhau. Vì thế mà lão nghệ nhân Giàng Chúng Sính ở Mộc Châu (Sơn La) mới hỏi chàng thanh niên Mùa A Tủa ở Si Ma Cai (Lào Cai) rằng: “Quê mày mùa hoa đào nở có làm Gầu Tào không?”. Chàng thanh niên Mùa A Tủa nhanh miệng: “Có chứ, người Mông quê tao không đi hội Gầu Tào như con cá không gặp suối, như con thú bơ vơ khi rừng động”. Hai người đàn ông Mông mặt đỏ ửng bởi rượu ngô, ở cách nhau về mặt địa lý đến 500 cây số rộn ràng kể cho nhau nghe về lễ hội ở quê mình. Chốt chuyện, lão nghệ nhân Giàng Chúng Sính khề khà: “Tao già rồi, không đi được xa, mùa Tết Độc lập năm sau mời mày lên Mộc Châu vui hội nhé”.

Rồi lão Giàng Chúng Sính quay sang chúng tôi: “Người Mông tao có cái lý, cái lý là phải giữ được văn hóa cha ông để lại. Dù đi núi này hay rừng khác nhưng cứ nghe tiếng khèn, cứ nhìn thấy sắc màu thổ cẩm là phải bắt chuyện, là phải hỏi han để xem “người đồng tộc” còn khó khăn gì thì mình giúp đỡ”.

“Lào Sồng” bên dòng sông Lô
Người Mông trên khắp mọi miền Việt Nam còn lưu giữ một lễ hội mang tính nhân văn sâu sắc đó là hội Lào Sồng. Lào Sồng có nghĩa là hội thề hay hội xây dựng hương ước. Theo phong tục, mùa xuân đến, người Mông sẽ tập trung ở hòn đá thiêng đầu bản để thề không vi phạm những điều cấm kỵ trong văn hóa mà cha ông đã truyền lại. 500 nghệ nhân dân tộc Mông đến Tp. Hà Giang tham dự Ngày hội cũng tâm niệm như đi hội Lào Sồng bởi đến đây, họ có một sân khấu lớn để phô diễn những nét văn hóa đặc sắc và sâu xa hơn, người Mông đến để thề với “người đồng tộc” và du khách lời thề sẽ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa.

Chắc vì thế mà chàng thanh niên Mùa A Sinh ở 
Đắk Lắk vượt hơn nghìn cây số đến Hà Giang luôn chăm chú quan sát và ghi chép. Sinh bảo: “Người Mông tao chuyển vào sinh sống ở Đắk Lắk lâu rồi nên quên nhiều phong tục quá. Tao xem cái đám cưới được người Mông ở Hà Giang phục dựng lại thấy rất nhiều nghi lễ ở quê tao đã mất rồi. Tao phải ghi lại, nhớ lại để về còn nói lại với dân bản chứ”.

Quảng trường Tp. Hà Giang nằm thơ mộng bên dòng sông Lô hội tụ du khách khắp mọi miền. Ngày hội cũng là dịp để du khách chiêm ngưỡng, khám phá những nét văn hóa đặc sắc của tộc người chỉ sinh sống trên núi đá mờ sương. Anh Hoàng Minh Trung, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Mình thích nhất màn trình diễn cướp vợ trên sân khấu đêm khai mạc Ngày hội. Trong màn đó cô gái Mông có nói với chàng trai đi cướp vợ rằng “người chồng tốt phải cày được đám ruộng trên đá, người vợ tốt phải biết xe lanh, dệt vải, thêu thùa may vá quần áo cho gia đình”.




Những người phụ nữ Mông xanh ở Sơn La trình diễn cách nặn bánh dày,
một loại bánh truyền thống của dân tộc Mông thường được làm vào ngày Tết.



Lão nghệ nhân Giàng Chúng Sính ở Mộc Châu (Sơn La) trình diễn điệu múa khèn của người Mông.


Thầy cúng người Mông đến từ huyện Sa Pa (Lào Cai) trình diễn các nghi thức,
nghi lễ trong Lễ cầu mùa.



Người Mông ở Lai Châu trình diễn cách nấu rượu ngô trong Ngày hội.


Người Mông ở tỉnh Bắc Kạn trình diễn vừa thổi khèn vừa đi trên dây trong Ngày hội.


Phần thi bắn nỏ của những cô gái Mông đến từ tỉnh Sơn La.


Người Mông ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai) trình diễn Lễ đuổi ma ngựa để cầu an.


Những cô gái Mông hoa rực rỡ váy áo đi Hội.

Đi Hội, người Mông như đã làm trọn lời thề với tổ tiên với “người đồng tộc” và với các dân tộc anh em trên khắp rẻo đất Việt Nam. Sau ngày Hội, người Mông lại trở về với gia đình, với bản làng heo hút ở lưng chừng núi. Ở nơi đó, dòng văn hóa dân tộc Mông tiếp tục chảy, góp phần vào dòng chảy chung của văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
 
Bài: Thông Thiện – Ảnh: Việt Cường

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/noi-hoi-tu-van-hoa-nguoi-mong-133514.html


top