Kinh tế

Nỗ lực của doanh nghiệp Việt để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Theo thống kê của Bộ Công thương, Việt Nam hiện có gần 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 DN tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số DN đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ CNHT hiện chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo. Năm 2020, Việt Nam phấn đấu có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Hà Nội là một trong những địa phương tạo nhiều điều kiện và chính sách để các DN CNHT phát triển. Theo UBND TP. Hà Nội, thời gian tới, Hà Nội sẽ thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng và chất lượng DN hoạt động trong lĩnh vực này. Hà Nội tập trung vào 3 lĩnh vực chủ chốt là sản xuất linh kiện phụ tùng; CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và CNHT cho ngành dệt may, da giày. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

UBND TP. Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành CNHT sẽ chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội. Chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghệ hỗ trợ hàng năm tăng trên 12%, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 9,78% - 10,79%/năm để đạt mục tiêu cả giai đoạn 2016 - 2020 tăng 8,6 - 9%. Thành phố cũng đặt mục tiêu đến hết năm 2020, sẽ có khoảng 900 DN hoạt động trong các lĩnh vực CNHT tại Hà Nội, trong đó, có khoảng 400 DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.


Lắp ráp lốp ô tô tại nhà máy  Hyundai Thành Công (Ninh Bình). Ảnh: VNP


Gia công sơn gần ô tô tại nhà máy  Hyundai Thành Công (Ninh Bình). Ảnh: VNP


Ô tô Hyundailắp ráp tại nhà máy  Hyundai Thành Công (Ninh Bình). Ảnh: VNP


Kiểm tra các linh kiện để chuẩn bị lắp ráp ô tô tại  nhà máy  Hyundai Thành Công (Ninh Bình). Ảnh: VNP


Điều khiển hệ thống chế tạo phụ tùng xe đạp tại Công ty TNHH Mạnh Quang. Ảnh: VNP


Kiểm tra chất lương sản phẩm trước khi giao cho khách hàng tại Công ty TNHH Mạnh Quang. Ảnh: VNP

Mặc dù ngành CNHT được sự quan tâm lớn từ các chính sách như vậy, nhưng thực tế CNHT của Việt Nam hiện nay còn nhiều điểm yếu hạn chế sự cạnh tranh so với các DN nước ngoài. Thực trạng chung của ngành CNHT Việt Nam hiện nay là quy mô và năng lực của các DN còn nhiều yếu kém, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Đặc biệt, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt. Quy mô và năng lực cạnh tranh của các DN còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Đại diện Samsung cho biết, tính đến hết năm 2019, Việt Nam có  42 DN là nhà cung ứng cấp 1, dự kiến tăng lên 50 DN vào năm 2020. Tuy nhiên có thể thấy, chỉ 50 DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng cấp 1 của Samsung nếu so hơn 110.000 DN đang hoạt động trong ngành CNHT, rõ ràng năng lực của các DN CNHT của Việt Nam còn rất hạn chế.

Để phát triển CNHT, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý thuận lợi như Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT, Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025… và mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT với nhiều chính sách mới. Điều này khiến nhiều DN kỳ vọng có thể cú hích lớn để phát triển lĩnh vực CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam.

Theo đó, nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa. Ngành này chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp với khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho đơn vị lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. DN trong nước chiếm khoảng 30%.

Theo Bộ Công thương, Nghị quyết 115 là cơ sở, tiền đề cho các bộ, ngành nghiên cứu đưa ra chính sách cụ thể. Đây sẽ là cú hích, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu. Các chuyên gia đánh giá rằng, các chính sách của Chính phủ đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi nhất thúc đẩy các DN trong ngành CNHT phát triển./.

 
Bài: Trịnh Bộ - Ảnh: VNP

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/no-luc-cua-doanh-nghiep-viet-de-phat-trien-nganh-cong-nghiep-ho-tro-243712.html


top