Tin tức

Ninh Thuận phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho

Hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho tỉnh Ninh Thuận vừa được tổ chức tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm với sự tham gia của hơn 300 đại biểu, chuyên gia đến từ các địa phương trong cả nước.

Hội thảo là một trong những nội dung trong Chương trình Lễ hội Nho và Vang 2023, đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”, với chủ đề “Ninh Thuận- Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”.

  Quang cảnh Hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho tỉnh Ninh Thuận năm 2023. Ảnh: Lê Minh/VNP  
  Ông Đặng Kim Cương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội Thảo. Ảnh: Lê Minh/VNP  

Tại Hội thảo, các đại biểu được các chuyên gia đánh giá thực trạng sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất, thương hiệu, chất lượng nho và vang nho với các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia sản xuất rượu vang. Qua đó, xác định các cơ hội, thách thức về thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu để đề ra định hướng phát triển năm 2023 và những năm tiếp theo.

Ninh Thuận hiện có trên 1.000 ha trồng nho, tập trung nhiều ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Nam và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 26.000 - 28.000 tấn nho tươi. Với sản lượng này Ninh Thuận là tỉnh có diện tích và sản đứng đầu cả nước và đứng thứ 64/92 nước/vùng lãnh thổ có sản xuất nho. Tuy diện tích nho chỉ chiếm khoảng 3 - 3,5% diện tích đất gieo trồng nông nghiệp nhưng giá trị sản xuất hàng năm từ cây nho chiếm 20% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt, trở thành cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Theo TS Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tiềm lực cây nho vẫn còn, đây là cơ hội để Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển nho. Muốn làm được như vậy, cần xác định những công nghệ nào sẽ đưa vào để phát triển bền vững và đó cũng là nhiệm vụ của nhiều cơ quan, doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết, Bộ đang định hướng thay đổi mục tiêu ưu tiên trong nông nghiệp, chuyển từ sản lượng sang giá trị. Tuy nhiên đối với với cây nho Ninh Thuận, bên cạnh mục tiêu giá trị vẫn cần tăng sản lượng. Về diện tích, trong lịch sử cây nho Ninh Thuận có lúc lên đến 2.000 ha, hiện Ninh Thuận đang phấn đấu đến 2030 lên đến 1.700 ha. Vì vậy, cần tính toán để phát triển tối đa là bao nhiêu, điều này rất quan trọng.

  Sản phẩm chế biến từ nho Ninh Thuận được chứng nhận OCOP. Ảnh: Lê Minh/VNP  
  Các sản phẩm chế biến từ nho đực các nhà vườn đưa đến chưng bày, giới thiệu tại Hội thảo. Ảnh: Lê Minh/VNP  
  Các loại nho Ninh Thuận được các nhà vườn đưa đến chưng bày, giới thiệu tại Hội thảo. Ảnh: Lê Minh/VNP  

Nằm trong khuôn khổ của Hội nghị, các gian hàng các sản phẩm từ nho, các sản phẩm OCOP được các công ty, cơ sở, Hộ SXKD, trang trại, HTX sản xuất, kinh doanh Nho trong và ngoài tỉnh trưng bày, giới thiệu cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu, khách mời tham dự.

Đây là lần thứ 5 Ninh Thuận tổ chức Lễ hội, thường kỳ tổ chức 2 năm/lần nhằm mục đích xây dựng thương hiệu Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận độc đáo, giàu bản sắc và tôn vinh tinh hoa văn hóa của các dân tộc trong tỉnh. Với chủ đề "Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, chuỗi hoạt động du lịch, trải nghiệm đặc sắc, mới lạ, mang tính đặc trưng của tỉnh Ninh Thuận sẽ diễn ra như Hội chợ thương mại khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2023; Lễ hội Ẩm thực; Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố; Hoạt động tham quan trải nghiệm vườn nho, làng gốm Bàu Trúc và hành trình khám phá Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa; Hội thi nét đẹp văn hóa các dân tộc tỉnh Ninh Thuận lần 2… Ngoài ra, nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn đồng thời diễn ra tại nhiều huyện, thành phố trong tỉnh./.

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-van/ninh-thuan-phat-trien-gia-tri-cay-nho-va-san-pham-tu-nho-367205.html


top