Khám phá

Những linh vật tiêu biểu trong văn hóa Việt

Ngày 28/10/2015, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã khai mạc và giới thiệu tới công chúng triển lãm cổ vật với chủ đề “Linh vật Việt Nam”.
Trong đời sống văn hóa người Việt, linh vật là những con vật linh thiêng, có trong huyền thoại hoặc được con người linh hóa, sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng và niềm tin về tâm linh, tôn giáo.
 

Lễ cắt băng khai mạc triển lãm “Linh vật Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.


Triển lãm đem đến cho người xem nhiều thông tin thú vị về nguồn gốc cũng như vai trò, 
chức năng sử dụng của các linh vật truyền thống trong đời sống văn hóa Việt Nam.



Triển lãm cũng thu hút sự quan tâm của du khách nước ngoài.

Trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam, linh vật có nhiều loại khác nhau. Có loại do người Việt Nam tự sáng tạo, có loại hình thành nên do quá trình tiếp biến từ những nền văn hóa bên ngoài. Mỗi linh vật trong quá trình hình thành, phát triển vừa thể hiện bản sắc riêng phù hợp với truyền thống văn hóa, vừa mang đặc điểm, phong cách của từng thời kỳ.

Triển lãm lần này giới thiệu hơn 100 hiện vật tiêu biểu được chia thành 27 loại hình linh vật hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Trong đó có nhiều hiện vật quý và có giá trị như: vật Tổ trong Văn hóa Đông Sơn, rồng, kỳ lân, rùa, long mã, voi, 12 con giáp….

Triển lãm “Linh vật Việt Nam” được trưng bày lần này với mong muốn giúp công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sự phong phú, đa dạng và độc đáo của những linh vật Việt Nam, cũng như những diễn biến phát triển, đặc điểm tạo hình, phong cách nghệ thuật, chức năng sử dụng, cùng những ý nghĩa biểu tượng văn hóa của chúng... Từ đó khơi gợi niềm tự hào về bản sắc văn hóa Việt Nam, nâng cao ý thức văn hóa dân tộc trong việc sử dụng các biểu tượng văn hóa.

Triển lãm sẽ được trưng bày và giới thiệu cho công chúng đến hết năm 2015./.


Một số mẫu linh vật được trưng bày giới thiệu tại triển lãm:


Rồng trên ấn “Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo” thuộc niên hiệu Thiệu Trị thời Nguyễn (năm 1847).


Con tích tà bằng đồng thuộc thế kỷ 1- 3, linh vật có nguồn gốc Á Đông, có hình thức giống 
như sư tử có cánh,
đây là linh vật trấn giữ mang ý nghĩa trừ tà, xua đuổi điều không tốt.



Tượng voi bằng đá cát thuộc văn hóa Chăm (thế kỷ 10).


Tượng khỉ trong bộ khỉ “Tam Không” bằng đá thời Lý (thế kỷ 11 – 13).


Tượng uyên ương bằng đất nung thời Lý (Thế kỷ 11- 13).


Hình chim thần Garuda trên mảnh tháp bằng đất nung thời Lý (thế kỷ 11 – 13).


Tượng nghê bằng gốm men lục, trắng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17), đây là một con vật thần thoại
trong văn hóa Việt Nam, thường được dùng làm linh vật đặt trước cổng đình chùa, đền miếu Việt Nam.



Tượng nghê bằng đất nung thuộc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17 – 18).


Tượng si vẫn (con kìm) bằng đất nung thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17 – 18).


Tượng sư tử (dân gian thường gọi là nghê hoặc lân) bằng sành thuộc thế kỷ 18- 19,
là hiện vật được sử dụng gắn trên hai trụ biểu các công trình kiến trúc cổ với chức năng trấn giữ, canh gác.



Bộ sưu tập “12 con giáp” bằng ngọc , hiện vật cung đình triều Nguyễn (thế kỷ 19 – 20)
dùng để tính thời gian theo chu kỳ quay của Mặt Trăng.



Tượng long mã bằng đồng thời Nguyễn (Thế kỷ 19- 20).


Cặp tượng rắn đầu người bằng gốm men trắng thời Nguyễn (thế kỷ 19 – 20).

 
Bài & ảnh: Tất Sơn

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/nhung-linh-vat-tieu-bieu-trong-van-hoa-viet-98635.html


top