Nghệ thuật

Những điệu múa cổ đất Kinh kỳ

(BAVN Online) Thăng Long xưa, Hà Nội nay, từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Một trong những nét văn hóa đặc sắc được nhiều người nhắc đến là những điệu múa cổ. Đó là những điệu múa không chỉ đẹp, độc đáo mà còn là sự thể hiện tinh hoa văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi.
Múa cổ của Thăng Long - Hà Nội tồn tại trong khoảng 800 đến 200 năm trở lại đây. Với hàng trăm năm lịch sử, từ lâu các điệu múa cổ đã ăn sâu bén rễ trong đời sống người dân Thăng Long - Hà Nội. Thời xưa, múa hát là một trong những hình thức giải trí phổ biến nhất của người dân, nhất là trong các dịp lễ hội.
Theo ông Phạm Văn Bích, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội cho biết, trải qua nhiều thời kỳ phát triển, Hà Nội có khoảng 80 điệu múa cổ. Múa cổ có nhiều cách thể hiện phong phú khác nhau, tựu trung có 3 hình thức lớn là: múa dân gian, múa cung đình và múa tâm linh.
 

Múa “Thiên hạ thái bình”.

Múa “Giải oan”.

Múa “Bài bông”.

Múa “Bồng”.

Múa “Lục cúng hoa đăng”.

Múa “Chém giải”.

Múa “Trống bồng”.


Múa “Chạy cờ và múa rồng”.

Múa cung đình là hình thức múa để ca ngợi vua chúa, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Các điệu múa thường được diễn trong cung đình như: múa lễ chữ (những người múa xếp thành chữ "thiên hạ thái bình"), múa bài bông...
Múa dân gian là hình thức múa có từ lâu đời nhất, mang tính chất lễ hội, thường được tổ chức trong đình, đền. Một số điệu múa tiêu biểu của hình thức múa dân gian được biết đến như múa gậy, múa giảo long, múa chạy cờ...
Còn múa tâm linh là các điệu múa được dựa trên nền tảng múa dân gian, được sáng tạo ra nhằm phục vụ cho các hình thức lễ nghi, cúng tế. Tiêu biểu có các điệu múa như múa giải oan thích kết, múa lục cúng, múa thiên long bát bộ...
Các điệu múa cổ dân gian là hình thức múa lâu đời nhất và có sức sống lâu bền hơn cả. Bởi đây là những điệu múa được sinh ra trong đời sống người dân và được chính những người nông dân truyền dạy cho các thế hệ sau này.
Do hầu hết được lưu truyền bởi hình thức truyền khẩu, cùng với những biến động to lớn về lịch sử - xã hội, các điệu múa cổ của Hà Nội vì thế cũng ngày càng bị mai một đi nhiều. Để bảo tồn và phát triển hình thức nghệ thuật độc đáo này, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã tổ chức chương trình tìm kiếm và phục dựng các điệu múa cổ của Thăng Long - Hà Nội. Sau 6 năm thực hiện, đã có gần 30 điệu múa cổ được phục dựng, trong đó có nhiều điệu múa quý hiếm mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc như múa trống bồng, múa gậy, múa chạy cờ... của làng Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội); múa bài bông của làng Phú Nhiêu (xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên)…
Đặc biệt, các điệu múa như giải oan thích kết (hay chạy đàn cắt kết), lục cúng... của các nhà sư từ xưa vẫn chỉ được thể hiện trong chùa nay đã được giới thiệu rộng rãi đến công chúng.
Để giúp người dân hiểu thêm về nguồn gốc cũng như ý nghĩa các điệu múa cổ, rất nhiều chương trình đã được tổ chức như Liên hoan các điệu múa cổ Hà Nội vào những năm 2001, 2006, 2009. Và gần đây nhất là chương trình “Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa” nằm trong chuỗi các sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chương trình đã giới thiệu đến khán giả 9 điệu múa cổ và được đánh giá là đặc sắc trong số gần 30 điệu múa đã được phục dựng. Vào dịp này, khán giả Hà Nội và người dân từ nhiều vùng miền trong cả nước đã tận mắt được chứng kiến các điệu múa công phu mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đất Thăng Long nghìn năm tuổi.
Có thể nói, việc tìm tòi, phục dựng và giới thiệu lại các điệu múa cổ đất Thăng Long - Hà Nội không chỉ phục vụ công tác bảo tồn và phát triển văn hóa mà còn là cách để truyền dạy cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau hiểu thêm về văn hóa truyền thống cũng như đời sống tâm linh của người dân đất Kinh kỳ một thời./.
Bài: Hà Anh - Ảnh: Quang Hà, Trà My

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/nhung-dieu-mua-co-dat-kinh-ky-19356.html


top