Khám phá

Những điều kinh hãi trong buồng giam ở tử ngục Chín Hầm

Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày Ngô Đình Cẩn bị chính lực lượng tướng tá quân đội Việt Nam cộng hòa thanh trừng (Ngô Đình Cẩn bị kết án tử hình ngày 22/4 và bị xử bắn vào ngày 9/5/1964) sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng những tội ác ghê rợn của “bạo chúa miền Trung” đến nay vẫn còn khiến cho người ta giật mình kinh hãi mỗi khi nhắc tới, nhất là những tội ác liên quan đến khu biệt giam Chín Hầm ở Huế. 
Hầm giam số 8, “địa ngục trần gian”, nơi giam giữ Đại tá tình báo Nguyễn Minh Vân, tác giả của bài thơ “Sống trong mồ” kể về tội ác của Ngô Đình Cẩn và nỗi thống khổ trong tử ngục Chín Hầm. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày Ngô Đình Cẩn bị chính lực lượng tướng tá quân đội Việt Nam cộng hòa thanh trừng (Ngô Đình Cẩn bị kết án tử hình ngày 22/4 và bị xử bắn vào ngày 9/5/1964) sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng những tội ác ghê rợn của “bạo chúa miền Trung” đến nay vẫn còn khiến cho người ta giật mình kinh hãi mỗi khi nhắc tới, nhất là những tội ác liên quan đến khu biệt giam Chín Hầm ở Huế. 

Di tích lịch sử quốc gia Chín Hầm nằm trên núi Thiên Thai thuộc phường An Tây, thành phố Huế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Huế mấy hôm nay trời bỗng âm u khiến cho khu di tích biệt giam Chín Hầm nằm trên núi Thiên Thai (thuộc phường An Tây, thành phố Huế) vốn đã hoang lạnh lại càng thêm phần cô liêu, lạnh lẽo khiến cho những ai đến thăm đều có cái cảm giác gờn gợn, sờ sợ, nhất là khi liên tưởng đến việc hồn ma bóng quế của những người đã phải bỏ mạng oan khiên nơi “tử ngục trần gian” này. 

Chín Hầm là sản phẩm gắn liền với tội ác trời không dung đất không tha của “bạo chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, khu biệt giam Chín Hầm vốn là 9 cái hầm do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1941 để cất giấu vũ khí. Đến năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, 9 cái hầm kiên cố này bị bỏ trống. Sau năm 1954, khi Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, ở miền Trung Ngô Đình Cẩn đã cho cải tạo 9 cái hầm này thành khu biệt giam để giam cầm và tra tấn những người yêu nước và cả những ai có tư tưởng chống đối lại chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô. Vì thế, ngoài tù cộng sản ở Chín Hầm còn có không ít các sinh viên, tăng ni, Phật tử, thương nhân… bị Cẩn bắt đưa về đây giam cầm, tra tấn để khủng bố tinh thần và đòi tiền chuộc. Ngày nay, các hầm đều bị phá hỏng, chỉ còn hầm số 8 là còn khá nguyên vẹn và được sửa sang làm nơi trưng bày phục vụ khách tham quan.

Khung cảnh tăm tối ghê rợn trong khu biệt giam Chín Hầm. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Trước đây, các hầm ở đây được xây dựng kiên cố như những chiếc boongke nửa chìm nửa nổi ăn sâu vào sườn đồi. Bên trong mỗi hầm được ngăn thành hai dãy xà lim chuồng cọp. Mỗi chuồng cọp dài gần 2m, rộng khoảng 0,8m, bên trên có song sắt lớn chắn ngang đầu, dưới sàn có kê tấm ván vừa một người nằm. Hầm giam có cửa sắt kiên cố đóng kín, bên trên có một lỗ thông hơi duy nhất nên bên trong tối om, hôi hám, ngột ngạt vô cùng. Mùa hè thì nóng như nung, mùa lạnh thì rét thấu xương. 

Điều kiện giam cầm của buồng giam tuy khắc nghiệt như thế nhưng chưa đáng sợ bằng chế độ tra tấn và ngược đãi tù nhân của Cẩn và bè lũ tay chân cai ngục. Theo lệnh Cẩn, các chiến sĩ cách mạng và những ai chống đối lại anh em nhà họ Ngô khi bị đưa vào Chín Hầm đều phải chịu những hình phạt cực kì khốc liệt. 

Tù nhân bị giam trong Chín Hầm ngày cũng như đêm lúc nào cũng phải sống trong cảnh tối tăm không thấy ánh mặt trời. Mỗi tù nhân nằm một chuồng cọp, trong đó có một đĩa đựng thức ăn,  một cái vỏ lon sữa bò để đựng nước và một cái xô để đi tiểu tiện, đại tiện. Xô làm bằng gỗ, cứ 7 đến 10 ngày lính canh mới xách xô đi đổ một lần, có lúc chúng cố tình quên để lâu ngày không chịu đổ nên mùi phân tươi, nước tiểu và máu mủ của người bệnh bốc lên hôi tanh khủng khiếp khắp phòng giam khiến cho tù nhân chẳng thể nào chịu nỗi và cũng là điều kiện để rắn rết, chuột bọ  bò vào sinh sôi, nảy nở kiếm ăn.

Hình ảnh đáng sợ về cuộc sống của tù nhân trong tử ngục Chín Hầm. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Nhiều người bảo so với Chín Hầm thì địa ngục trần gian Côn Đảo, Phú Quốc hay khám Chí Hòa vẫn còn là thiên đường. Nhà giam Chín Hầm như một cái quan tài chôn những người đang sống. Nếu như ở Côn Đảo, Phú Quốc, tù nhân thỉnh thoảng còn được ra ngoài hít khí trời, được dội tí nước lên người, còn ở đây thì không. Hằng ngày tù nhân được phát hai lon nước để uống và tắm rửa. Ăn thì có hai bữa gồm cơm sống trộn với muối hoặc thịt rữa lẫn mùi máu tanh, thỉnh thoảng có thêm vài cọng rau và tí mắm cá lúc nhúc giòi bọ. Nhiều tù nhân bị tra tấn kiệt sức không ngồi dậy được cũng phải cố lết đến bên chiếc đĩa giành nhau với lũ chuột để ăn lấy sức mà sống. 

Đáng sợ nhất là những màn tra tấn như thời Trung Cổ của đám cai ngục. Đêm đêm, cứ vào khoảng 1-3 giờ sáng, lúc tù nhân đang ngủ chúng lại dựng dậy để tra tấn. Tùy vào tội trạng của từng người mà đám cai ngục áp dụng những hình phạt man rợ như đóng đinh lên tường, xẻo từng miếng thịt một, dùng búa đánh vỡ mắt cá chân, tra điện vào đầu ngón tay, ngón chân, bắt uống nước xà bông rồi dẫm lên bụng cho đến chết…

Cái chết luôn rình rập trong những căn hầm tối cách biệt với thế giới bên ngoài. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Tù nhân chết có lúc lên đến mấy chục người, cai ngục đào hố vứt xuống rồi lấy cành cây lấp lên. Có người bị chúng vứt ra bìa rừng cho hổ đói ăn thịt. Thậm chí có người chết trong buồng giam đã mấy ngày chúng cũng chẳng buồn đem đi chôn mà để mặc cho lũ chuột đói bò vào rúc ráy suốt ngày đêm nát hết thân thể, tai mắt. Có người còn kể rằng, có hầm giam ngập nước, tù nhân bị bệnh không nằm được phải đứng ngâm nước lâu ngày nên chân cẳng lở loét thối rữa trơ cả xương, đến khi đưa ra ngoài trông họ chẳng khác gì những thây ma trông rất sợ. Đòn thù tàn ác của Cẩn khiến cho tù nhân ở Chín Hầm chết nhiều vô số kể. Vì thế đến nay ở Chín Hầm vẫn còn đó những nấm mồ vô chủ.

Nói về tội ác của Nguyễn Đình Cẩn và nỗi thống khổ ở Chín Hầm, cố đại tá tình báo Nguyễn Minh Vân, người đã sống sót sau 724 ngày bị giam trong căn hầm số 8 đã viết nên bài thơ 3.000 câu và sau này được dịch ra nhiều thứ tiếng. Còn cụ Đào Duy Anh, sau năm 1975 trong một lần về thăm Huế khi đến thăm khu biệt giam Chín Hầm đã không cầm được nước mắt mà thốt lên rằng: “Giờ đây được chứng kiến tận mắt cái địa ngục trần gian này, tôi không thể nào hiểu được. Không biết trên thế giới còn có nơi nào biệt giam con người tàn nhẫn đến như thế này không!”. 

Những hình ảnh đáng sợ về rắn rết, chuột bọ luôn hiện hữu cùng con người trong những căn buồng giam chật chội và hôi hám. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Được biết, ngay sau ngày chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ (1/11/1963), nhân dân thành phố Huế kéo lên đập phá, phản ứng rất dữ đòi phe đảo chánh mở cửa khu biệt giam Chín Hầm. Những người bị bắt vì tham gia tranh đấu được thả hết. Những tù chính trị khác thì được chuyển về các nhà lao trong thành phố. Nghe đâu nhiều người oán hận tội ác của Cẩn nên đã kéo lên đập phá dinh thự của Cẩn nằm cách đó không xa và việc trả thù ấy kéo dài cả năm sau đó vẫn chưa dừng lại. 

Để tưởng nhớ những chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã ngã xuống ở nơi đây, đồng thời để ghi dấu tội ác tày trời của kẻ thù, ngày 16/12/1993, Bộ Văn Hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định công nhận khu vực Chín Hầm là di tích lịch sử cấp Quốc gia. 

Ngày nay, sau hơn nửa thế kỉ, về thăm lại Chín Hầm người ta vẫn thấy ở đó những nỗi đau không gì quên lãng được. Trên đỉnh núi Thiên Thai, mùi khói hương, tiếng ngàn thông vi vu gió thổi như tiếng những oan hồn ai oán khóc than vọng về và hình ảnh những chiếc boongke với dãy xà lim tối om đầy ám ảnh vẫn còn hiện hữu với thời gian như một lời nhắc nhớ về tội ác của chiến tranh, về những nỗi đau mà nhân loại không bao giờ muốn thấy./.

  •  
  • Bài, ảnh:  Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/nhung-dieu-kinh-hai-trong-buong-giam-o-tu-nguc-chin-ham-382283.html


top