Khám phá

Những bí ẩn về mắt cửa Hội An

Nhiều du khách đến với Hội An ngoài sự ngỡ ngàng về vẻ đẹp kiều diễm của khu phố cổ có tuổi đời hơn 400 năm thì họ cũng tò mò về một chi tiết kiến trúc lạ có phần bí ẩn trên các ngôi nhà cổ, đó chính là các “mắt cửa”. Đã có nhiều sự lí giải về hiện tượng lạ này, trong đó có ý kiến cho rằng đó là biểu hiện của tín ngưỡng thờ “môn thần” (thần cửa) theo tục lệ cổ xưa.

Nhiều du khách đến với Hội An ngoài sự ngỡ ngàng về vẻ đẹp kiều diễm của khu phố cổ có tuổi đời hơn 400 năm thì họ cũng tò mò về một chi tiết kiến trúc lạ có phần bí ẩn trên các ngôi nhà cổ, đó chính là các “mắt cửa”. Đã có nhiều sự lí giải về hiện tượng lạ này, trong đó có ý kiến cho rằng đó là biểu hiện của tín ngưỡng thờ “môn thần” (thần cửa) theo tục lệ cổ xưa.

 

Vẻ đẹp xưa cũ của phố cổ Hội An với những ngôi nhà cổ gắn liền với tục thờ mắt cửa đầy bí ẩn. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Mắt cửa là một cặp vật thể trang trí được gắn đối xứng hai bên ở phía trên khung cửa chính ra vào của một ngôi nhà. Theo thống kê của Trung tâm Quản lí bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, toàn đô thị cổ này hiện có khoảng hơn 200 mẫu mắt cửa khác nhau. Hình dạng, kiểu dáng mắt cửa cũng hết sức đa dạng và phong phú như: tròn, bát giác, lục giác, vuông, nửa khối cầu dẹt... Tuy có sự khác nhau về hình dáng nhưng mỗi đôi mắt cửa vẫn có 2 phần chính chính là tâm và vành. Phần tâm thường trang trí hình lưỡng nghi sơn hai màu đen trắng, hình nhụy hoa, chữ triện, chữ phúc, chữ thọ… Phần vành bao quanh phần tâm, tạo dáng tinh xảo hình hoa cúc 6 hoặc 8 cánh, hoặc hình lá đề, bát quái, hồi văn, giao long, 4 hoặc 5 con dơi bao quanh chữ phúc…, có nơi còn gắn thêm mảnh lụa đỏ để trang trí.

 

Ước tính ở Hội An hiện có khoảng hơn 200 kiểu mắt cửa khác nhau ở hàng trăm ngôi nhà cổ. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Hiện có rất nhiều cách lí giải khác nhau về hiện tượng mắt cửa ở Hội An. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những đôi mắt cửa này có thể xuất hiện từ khi người Hoa đến làm ăn ở thương cảng Hội An vào hồi thế kỉ XVII-XVIII.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Tấn Đông, một người gắn bó với Hội An cho rằng, tục thờ mắt cửa và trang trí, chạm khắc mắt cửa là theo thuyết vạn vật hữu linh (vạn vật đều có linh hồn). Đó là tục thờ môn thần - thần giữ nhà, giữ đền. Theo phân tích của ông, tục thờ môn thần ở Hội An được giản lược, dần trở thành đôi mắt cửa. Đây là biểu hiện của giao lưu và kết biến văn hóa, đặc biệt là với văn hóa của người Hoa ở Việt Nam do những thương nhân này đến định cư và lập nghiệp ở Hội An mang tới. Điểm độc đáo trong tục thờ môn thần ở Hội An là sự đa dạng phồn thể, biến thể của mắt cửa trong quan niệm phong thủy, kinh dịch. Ví dụ một đôi mắt cửa có thể được thiết kế phù hợp với giờ sinh, năm sinh của gia chủ. Đó là nét riêng của Hội An so với nhiều đô thị cổ khác ở khu vực Đông Nam Á.

 

Nhiều du khách nước ngoài tỏ ra khá ngạc nhiên và thú vị về hiện tượng lạ này. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Theo các nhà nghiên cứu, tín ngưỡng thờ môn thần là một trong những tín ngưỡng cổ xưa và được xem là một trong những hiện tượng văn hóa đặc sắc của văn minh Trung Hoa. Từ ảnh hưởng của tín ngưỡng này, trong dân gian đã dần hình thành nhiều tín ngưỡng khác, trong đó có tín ngưỡng thờ thần tài. Trải qua các thời kì lịch sử, các giai đoạn phát triển khác nhau của con người mà vai trò, chức năng và hình ảnh của môn thần cũng vì thế mà thay đổi.

Ngoài cách lí giải trên cũng có người cho rằng do trước đây Hội An là thương cảng sầm uất, thuyền bè đi lại nhiều nên người dân Hội An bắt chước theo tập tục cư dân sông nước ở nhiều nơi trên thế giới đã vẽ lên ghe thuyền của mình những đôi mắt ở hai bên mũi thuyền với mong muốn các đấng thần linh dẫn lối đưa đường cho thuyền vượt qua phong ba bão táp và từ đó “mắt cửa” cũng được đưa vào trang trí cho các ngôi nhà với ý nghĩa tương tự.

 

Mắt cửa ở Chùa Cầu, công trình kiến trúc cổ nổi tiếng mang tính biểu tượng của phố cổ Hội An. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Dù theo cách lí giải gì thì trong tâm thức nhiều thế hệ người dân phố Hội, những đôi mắt cửa luôn được họ xem như như mắt thần canh giữ cho ngôi nhà, nó vừa có chức năng gạn đục khơi trong, phân biệt chính tà, người ngay kẻ gian, điều tốt lẽ xấu... vừa thể hiện khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc; mong muốn tránh được hoạn nạn, rủi ro; không cho tà ma xâm phạm vào nhà, gây xáo trộn gia đình, làm ăn thất bại…

Ở Hội An ngày nay có nhiều ngôi nhà cổ có gắn mắt cửa, điển hình như nhà cổ Quân Thắng, nhà cổ 87 Trần Phú, nhà cổ Tấn Ký, nhà cổ Đức An…Ví dụ như tại nhà cổ Quân Thắng, một trong những nhà cổ được đánh giá đẹp nhất phố Hội, đôi mắt cửa có hình tròn, được chạm khắc như một đóa hoa cúc và trang trí thêm vải đỏ rất đẹp.

 

Mắt cửa hiện diện ở hầu hết các ngôi nhà cổ của Hội An. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Theo chủ nhân của một ngôi nhà cổ trên phố Trần Phú, đôi mắt cửa như chiếc gương bát quái soi chiếu mọi lẽ đời để mang lại sự bình yên cho ngôi nhà và cho phố phường. Mắt cửa cùng với thanh chắn cửa trước thềm nhà được coi như lời nhắn nhủ tinh tế với khách ra vào phố cổ về sự ứng xử. Người mang tâm thiện lành sẽ thấy đó là đôi mắt dõi theo bằng sự chào đón thân thiện.

 

Ngoài sự lí giải về tục thờ môn thần cũng có ý kiến cho rằng mắt cửa hình thành từ tục vẽ mắt thuyền của người Hội An xưa. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử với nhiều đổi thay của xã hội, phố cổ Hội An hôm nay vẫn giữ được những giá trị riêng có của một đô thị di sản bên sông Hoài, trong đó có nét văn hóa độc đáo về tín ngưỡng thờ mắt cửa. Những đôi mắt cửa ấy luôn gắn bó với người dân phố Hội, luôn dõi theo bao lẽ thịnh suy, vui buồn trong đời sống của người dân và nay lại tiếp tục chứng kiến những bước đổi thay mạnh mẽ của khu phố cổ, đem đến cho du khách cái nhìn trìu mến, đầy thiện cảm và ấm áp tình người phố Hội./.

  •  
  • Bài, ảnh:  Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/nhung-bi-an-ve-mat-cua-hoi-an-376365.html


top