Khám phá

Những bảo vật quyền uy của vua và chúa Nguyễn

Trong số các Bảo vật Quốc gia thuộc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thì bộ vạc đồng, cửu đỉnh và cửu vị thần công được xem là những hiện vật bằng đồng có sự đồ sộ và tinh xảo hơn cả. Ba nhóm bảo vật này tượng trưng cho sức mạnh, tính nghiêm minh và sự trường tồn của các chúa và vua nhà Nguyễn.

1. Bộ sưu tập vạc đồng thời chúa Nguyễn gồm 10 chiếc, có kích thước và trọng lượng khác nhau, được đúc dưới thời chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687), tượng trưng cho sức mạnh, sự trường tồn và tính nghiêm minh của chính quyền Đàng Trong, được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015.

Những chiếc vạc này được đúc vào những thời điểm khác nhau trong thế kỉ 17, chiếc có niên đại sớm nhất là năm 1659 và muộn nhất là năm 1684. Trong đó đáng chú ý là hai chiếc vạc đặt tại sân điện Cần Chánh trong Hoàng thành Huế là những chiếc to nhất, nặng nhất. Một chiếc ở trước nhà Tả Vu, đúc năm Thịnh Đức 8 (1660) và một chiếc ở trước nhà Hữu Vu, đúc năm Thịnh Đức thứ 10 (1662). Hai chiếc vạc này nặng khoảng 2500 cân ta (tương đương 1500kg); đường kính miệng 2,2m; đường kính trong lòng 1,83m, cao 1,05m.

Theo các nhà nghiên cứu, ngoài những motip trang trí truyền thống của Việt Nam như hoa văn lá đề, hoa, chim thú, quai tạo hình xoắn dây thừng hoặc rồng, trên các vạc đồng này còn có những motip trang trí khá lạ mắt mang phong cách mĩ thuật phương Tây như lá sòi, cụm tròn các chấm bi… Điều này cho thấy rất có khả năng những chiếc vạc này đã được đúc dưới sự cố vấn của người nước ngoài, những người làm việc cho chính quyền Đàng Trong khá phổ biến ở thời kì này. Như vậy có thể thấy, thời kì này kĩ thuật đúc đồng truyền thống trong nước đã có sự giao thoa với kĩ thuật đúc đồng của phương Tây.

 

Vạc đồng thời chúa Nguyễn đặt tại sân điện Cần Chánh trong Hoàng thành Huế, được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015. Ảnh: Thanh Hòa

Vạc nặng khoảng 2500 cân ta (tương đương 1500kg), đường kính miệng 2,2m; đường kính trong lòng 1,83m, cao 1,05m. Ảnh: Thanh Hòa
Quai vạc hình dây thừng vặn xoắn bề thế và vững chãi. Ảnh: Thanh Hòa

 

2. Cửu vị Thần công là tên gọi chung 9 khẩu đại pháo được đúc năm 1803 dưới triều hoàng đế Gia Long (1802-1820), vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn, có kích thước tương tự nhau, mỗi khẩu dài khoảng 5,15m, nặng trên 10 tấn, được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2012.

Trên mỗi khẩu thần công, ở phần đuôi súng đều có khắc tên theo thứ tự từ 1 đến 9 tương ứng với “Tứ thời” và “Ngũ hành”. Bốn khẩu bên trái (sau cửa Thể Nhơn) có thứ tự từ 1 đến 4 được đặt tên theo Tứ thời là Xuân, Hạ, Thu, Đông; năm khẩu bên phải (sau cửa Quảng Đức) có thứ tự từ 5 đến 9 được đặt tên theo Ngũ hành là Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy. 

Trên thân súng có đúc chữ với nội dung mô tả về cách sử dụng thuốc súng, phương pháp bắn và tên của những người tham gia đúc súng. Vào năm 1816, hoàng đế Gia Long sắc phong cho cả 9 khẩu đại pháo này danh hiệu "Thần Uy Vô Địch Thượng Tướng Quân". Danh hiệu này cùng niên đại sắc phong đều được chạm nổi thêm trên phần đai cuối thân của cả 9 khẩu. Thời kì đầu triều Nguyễn, các khẩu thần công này được đặt ở hai bên phía trước Ngọ Môn. Năm 1917, Cửu vị Thần công được dời về vị trí như hiện nay. 

 

Cửu vị Thần công là 9 khẩu đại bác bằng đồng, được công nhận là Bảo Vật Quốc gia năm 2012. Ảnh: Thanh Hòa
Mỗi khẩu thần công dài khoảng 5,15m, nặng trên 10 tấn, được đúc bằng đồng. Ảnh: Thanh Hòa
Các khẩu thần công được đặt hai bên cổng thành nội, hướng nòng ra phía quảng trường lớn trước cửa Ngọ Môn của Hoàng thành Huế. Ảnh: Thanh Hòa

3. Cửu đỉnh là 9 đỉnh đồng lớn đặt trước sân Thế Miếu, trong Hoàng thành Huế, được đúc từ năm 1835, hoàn thành 1837 dưới thời hoàng đế Minh Mạng (1820-1841), là đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam vào thế kỉ 19 và được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2012.

Cửu đỉnh tượng trưng cho sự thống nhất đất nước, sự chính thống và bền vững của triều đại. Niên đại, trọng lượng từng đỉnh được khắc ở vành miệng. Đỉnh nặng nhất là Cao đỉnh (khoảng 2.600kg), nhẹ nhất là Huyền đỉnh (khoảng 1.930kg).

Nói về ý nghĩa của việc đúc Cửu đỉnh, vua Minh Mạng dụ rằng: Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà Tôn miếu... Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa; đúc 9 cái đỉnh để ở nhà Thế Miếu... Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau.” (theo “Đại Nam thực lục).

Trên thân mỗi đỉnh đều có 2 chữ Hán lớn mang tên đỉnh, trùng với một số thụy hiệu của các vị hoàng đế triều Nguyễn, và 17 hình trang trí được đúc nổi tinh xảo thể hiện bao quát các hình ảnh về thiên văn địa lí, hình sông thế núi, biển đảo, chim muông, cây cỏ, đồ tạo tác... đặc trưng, điển hình của đất nước.

Theo các nhà nghiên cứu, Cửu đỉnh không chỉ là một bộ “dư địa chí”, “bách khoa thư” độc đáo bằng đồng của nước ta ở thế kỉ 19, mà còn hàm chứa quyền lực của vương triều bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ (cả vùng trời và vùng biển) và thiên nhiên của đất nước, cùng với sức mạnh bảo vệ chủ quyền sở hữu ấy. Điều này thể hiện rõ đúng như yêu cầu của vua Minh Mạng khi chỉ đạo bộ Công đúc Cửu đỉnh, đó là: “Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng sông, núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét.” (theo “Đại Nam thực lục”).

Với những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo và duy nhất, Bảo vật Quốc gia Cửu đỉnh đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm hồ sơ đệ trình UNESCO xem xét công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới.

 

Cửu đỉnh được xem là kiệt tác đúc đồng của xứ Huế, được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2012 và đang được đệ trình UNESCO xem xét công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới. Ảnh: Thanh Hòa
Cửu đỉnh được đặt tại sân Thế Miếu, nơi thờ các vua nhà Nguyễn trong Hoàng thành Huế. Ảnh: Thanh Hòa
Hình khắc hoa sen trên Cửu đỉnh. Ảnh: Thanh Hòa

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/nhung-bao-vat-quyen-uy-cua-vua-va-chua-nguyen-289496.html


top