Du lịch

Bảo tàng gốm Bát Tràng

Lấy cảm hứng từ những khối bàn xoay vuốt gốm giao thoa với nhau, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt được xây dựng giữa lòng làng gốm cổ Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Công trình này được xây dựng để tôn vinh những giá trị, tinh hoa của làng nghề Bát Tràng và quảng bá rộng rãi hình ảnh, thương hiệu gốm sứ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác của Việt Nam.


Bảo tàng gốm Bát Tràng – một công viên triển lãm gốm sứ tại làng gốm Bát Tràng.

Lấy cảm hứng từ những khối bàn xoay vuốt gốm giao thoa với nhau, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt được xây dựng giữa lòng làng gốm cổ Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Công trình này được xây dựng để tôn vinh những giá trị, tinh hoa của làng nghề Bát Tràng và quảng bá rộng rãi hình ảnh, thương hiệu gốm sứ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác của Việt Nam.

Công trình tọa lạc tại số 28, thôn 5, làng cổ Bát Tràng, có diện tích 3.300m2, Công trình do Văn phòng kiến trúc của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thiết kế từ năm 2018, có tổng số vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Theo đơn vị thiết kế chia sẻ, công trình lấy cảm hứng từ hình ảnh những khối bàn xoay vuốt gốm giao thoa với nhau. Ở một góc khác, người nhìn có thể liên tưởng đến hình ảnh Lò Bầu cổ của người Bát Tràng xưa.

Kiến trúc dựa trên ý tưởng Lò Bầu ở làng gốm Bát Tràng.
Nhìn từ xa, du khách sẽ bị ấn tượng bởi lối kiến trúc khá độc lạ với hình 7 xoắn ốc khổng lồ màu nâu nhạt,
lấy ý tưởng từ bàn xoay vuốt gốm của người nghệ nhân.

Công trình này bên ngoài có 7 khối vòng xoáy, tượng trưng cho 7 bàn xoay gốm (một công cụ không thể thiếu của nghề làm gốm truyền thống). Công trình có kiến trúc khá "đặc" và cứng cáp, tuy vậy vẫn có những đường vòng cung mềm mại, uyển chuyển cùng nhiều ô cửa đón sáng khá tốt. Khi vào thăm quan bên trong du khách sẽ thấy không gian của một Lò Bầu cổ - nơi để nung ra những sản phẩm bằng gốm. Như vậy, công trình này đã kết hợp cả công cụ làm gốm là bàn xoay với Lò Bầu cổ để nung gốm, thể hiện được bàn tay, trí tuệ, khối óc của người nghệ nhân làm gốm.

Tầng 1 gồm quảng trường bàn xoay và là nơi dành cho những khu chợ phiên, những buổi sự kiện.Khu vực này có nhiều cửa hàng trưng bầy sản phẩm để du khách có thể mua những sản phẩm yêu thích mang về làm kỷ niệm.

Tầng 2 nằm dọc hai bên như hai cánh tay ôm trọn khu vực trung tâm. Đây là một khu vực được thiết kế bài trí độc đáo,giới thiệu những sản phẩm gốm tiêu biểu của các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng cũng như lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề.

Tầng 3 là Trung tâm nghệ thuật đương đại Chọn De'licat, tầng 4 và tầng 5 là khu vực nhà hàng, quán cafe, không gian trà đạo, nơi tổ chức các sự kiện, những hoạt động nghệ thuật dân gian và các hoạt động văn hóa nghệ thuật định kỳ. Du khách có thể tham dự những sự kiện văn hóa và trình diễn sản phẩm của các nghệ nhân hay các hoạt động nghệ thuật dân gian như dân ca, quan họ, ca trù, chầu văn, chèo, tuồng... tại đây.

Khu trưng bày gốm được chia ra làm nhiều không gian,
mỗi không gian trưng bày một loại sản phẩm gốm khác nhau để du khách xem và trải nghiệm.

Những sản phẩm gốm Bát Tràng được trưng bày tại Bảo tàng gốm sứ.

Tầng hầm là nơi để du khách có thể trải nghiệm thực tế với gốm trong không gian truyền thống, tham quan triển lãm các sản phẩm và quá trình làm gốm của các nghệ nhân, người thợ tài hoa. Đây cũng là nơi trưng bày dành riêng cho các nghệ nhân, nghệ sĩ.

Không gian thưởng trà và cà phê.

Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt sẽ là điểm đến hấp dẫn, mới lạ, đậm tinh thần dân tộc của người yêu nghề gốm và cả những ai muốn tìm hiểu về làng nghề truyền thống, hay tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Đây sẽ không chỉ là nơi lưu giữ văn hóa của làng gốm Bát Tràng mà còn là nơi để du khách có thể tham quan, chiêm ngưỡng những tác phẩm giá trị của làng nghề./. 

Thực hiện: Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam  

 

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/bao-tang-gom-bat-trang-297519.html


top