37 họa phẩm do cố họa sĩ Nguyễn Hải Chí (1943 – 2003), nổi tiếng với bút danh Chóe, sáng tác trong những năm cuối đời khi đôi mắt gần như mù lòa đã được triển lãm tại Pháp. Những tác phẩm này lần đầu tiên được người thân của ông giới thiệu đến khán giả Tp. Hồ Chí Minh trong triển lãm “Nhớ Chóe” tại SI Restaurant (quận 1) trong những ngày đầu năm 2015.
Không học ở bất kỳ trường lớp nào, họa sĩ Chóe đến với nghiệp vẽ bởi niềm đam mê hội họa và khả năng tự học, tự sáng tạo của mình. Họa sĩ Chóe vẽ chủ yếu là tranh sơn dầu, tranh lụa hoặc trên giấy dó với sở trường vẽ biếm họa mà lúc sinh thời ông gọi đó là hí họa. Bởi theo ông, hí họa cũng mang tính châm biếm nhưng chứa đựng màu sắc cuộc sống tươi vui, lạc quan, tích cực giống như cách sống của chính người họa sĩ.
Chân dung cố họa sĩ Nguyễn Hải Chí (1943 – 2003) – nổi tiếng với bút danh Chóe. Ảnh: Tư liệu
Không gian triển lãm “Nhớ Chóe” tại SI Restaurant (quận 1, TP.Hồ Chí Minh). |
Ông được xem là họa sĩ biếm họa số một của Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỉ 20 với đề tài phê phán những thói hư tất xấu của nhiều tầng lớp trong xã hội. Những họa phẩm của Chóe thường vừa mang tính ẩn dụ sâu sắc, vừa vui vẻ, thoáng đạt nhưng bám sát nhiều mặt của cuộc sống trong xã hội.
Trong triển lãm “Nhớ Chóe” lần này, trên những bức tranh sơn dầu chứa đựng nhiều hình ảnh được đúc kết từ những sự vật, sự việc mà cuộc đời người họa sĩ đã va vấp, đã trải qua. Những tác phẩm “Cá và chim”, “Tháp Eiffel”, “Tổ chim”, “Mặt nạ”, “Trói buộc”, “Rừng thưa”… với những hình tượng ẩn dụ, nhiều tầng nghĩa, kích thích trí tưởng tượng của người xem.
Những bức tranh đầu tiên mà họa sĩ Choé vẽ là những tác phẩm về người thân trong gia đình. Và suốt cuộc đời cầm cọ, chủ đề về vợ con, đặc biệt là hình tượng người phụ nữ Việt Nam luôn chiếm một lượng lớn trong các tác phẩm của ông. Bộ tranh “Phụ nữ nước tôi” gồm 10 bức biếm họa được họa sĩ sáng tác vào năm 1995 tham dự cuộc triển lãm “Hý họa Châu Á” tại Nhật Bản đã được giới thiệu đến công chúng trong đợt triển lãm lần này. Đây là 10 bức hí họa vẽ bằng bút sắt và màu nước trên giấy dó, đã truyền tải được “cái thần” của người vợ, người mẹ tảo tần, đằm thắm lo cho chồng con. Trong đó, các tác phẩm “Hành tinh và thùng rác”, “Chồng con”, “Xích lô” nói về sự chịu đựng, khổ cực của người phụ nữ đã thực sự khiến người xem xúc động.
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/nho-choe-78632.html