Chân dung

Nhiếp ảnh gia Nick Út – Tác giả bức ảnh sống mãi với thời gian

Người ta biết nhiều tới ông là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người trẻ tuổi nhất trong lịch sử được trao giải thưởng Pulitzer về báo chí cho bức ảnh đen trắng gây chấn động thế giới mang tên “Nỗi kinh hoàng của chiến tranh”, hay còn có tên gọi khác, thậm chí là nổi tiếng hơn “Napalm Girl” (Em bé Napalm).

Người ta biết nhiều tới ông là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người trẻ tuổi nhất trong lịch sử được trao giải thưởng Pulitzer về báo chí cho bức ảnh đen trắng gây chấn động thế giới mang tên “Nỗi kinh hoàng của chiến tranh”, hay còn có tên gọi khác, thậm chí là nổi tiếng hơn “Napalm Girl” (Em bé Napalm). Thế nhưng, không phải ai cũng biết về con người của ông, một nhiếp ảnh gia vô cùng giản dị, gần gũi trong lối sống, nhẹ nhàng, rủ rỉ, hóm hỉnh khi nói chuyện, còn trong công việc ông lại cho thấy tình yêu, niềm say mê nhiếp ảnh,  sự nhiệt huyết, xông xáo và  tinh thần lăn xả vào sự kiện để có thể ghi lại được những khoảnh khắc mang tính lịch sử mà không phải phóng viên ảnh nào cũng có thể làm được.

Đối với tôi, được gặp và nghe cựu phóng viên nhiếp ảnh hàng đầu thế giới của hãng tin AP chia sẻ về bức ảnh lịch sử gây chấn động thế giới 50 năm về trước, về ảnh báo chí cũng như kinh nghiệm tác nghiệp tại hiện trường của ông là một cơ hội tuyệt vời. Gặp ông, tôi rất ngạc nhiên vì trông ông trẻ hơn nhiều so với tuổi 72 của mình, tác phong nhanh nhẹn, giọng nói nhỏ nhẹ, nhưng cuốn hút với nụ cười thân thiện và dễ gần. Đó là những cảm nhận đầu tiên của tôi về ông Nick Út. Tuy nhiên, phải cho tới khi được ngồi trò chuyện cùng ông trong quán café Lục Thủy ven Hồ Hoàn Kiếm vào một buổi sáng mùa Thu Hà Nội, tôi mới phần nào cảm nhận được con người của nhiếp ảnh gia Nick Út qua những câu chuyện nghề của ông trong suốt sự nghiệp cầm máy “Từ địa ngục tới Hollywood”.

Bức ảnh sống mãi với thời gian “Em bé Napalm” của tác giả Nick Út.
Nhiếp ảnh gia Nick Út gặp lại “Em bé Napalm” năm xưa.

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu về cơ duyên đến với nhiếp ảnh và sau này trở thành phóng viên ảnh tại hãng tin AP của ông. Từ nhỏ, ông luôn thần tượng anh trai Huỳnh Thanh Mỹ - phóng viên chiến trường hãng AP.  Anh trai Thanh Mỹ là người thầy đầu tiên dạy ông những kiến thức sơ đẳng về nhiếp ảnh và cho ông mượn một chiếc máy ảnh cũ để tập chụp những khuôn hình đầu tiên. Ông còn được anh trai chia sẻ về sự tàn khốc của chiến tranh cũng như những nỗi đau mà người dân Việt Nam phải hứng chịu. Chính vì vậy, ông Nick Út đã nhận thức được rất sớm về những mất mát do chiến tranh gây ra và sau này chính ông và gia đình cũng là nạn nhân của chiến tranh khi anh trai Thanh Mỹ bị thiệt mạng khi đang đi tác nghiệp.

Nối nghiệp anh vào làm cho hãng AP từ năm 16 tuổi và mất hai năm làm trong phòng tối để rửa và tráng phim, ông Nick Út mới được cầm máy đi chụp và bức hình đầu tiên của ông là về một ni cô tự thiêu nhằm phản đối chiến tranh và xung quanh là các phật tử đang khóc. Bức hình được đăng lên trang nhất của AP với tên tác giả Nick Út đã trở thành động lực, thôi thúc mong muốn trở thành phóng viên chiến trường của ông.

Các tác phẩm nhiếp ảnh của tác giả Nick Út.

Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã chụp hàng ngàn bức ảnh về chiến tranh, về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Hollywood,  cũng như mọi lĩnh vực của cuộc sống, nhưng “Em bé Napalm” được chụp năm 1971 là để đời hơn cả. Trong ảnh, ông chụp em bé Phan Thị Kim Phúc, chín tuổi, hoảng loạn bỏ chạy trong tình trạng không áo quần khi bị bỏng vì bom Napalm và những đứa trẻ khác bị bỏng do bom Napalm của Mỹ tại Trảng Bàng - Tây Ninh. Bức ảnh có sức lay động lòng người này đã mang về cho ông Nick Út giải Pulitzer. Ông Út trở thành người Việt Nam đầu tiên trong thế kỷ 20 và là người trẻ nhất, 21 tuổi, được trao một trong những giải danh giá nhất của báo chí. Ngoài giải Pulitzer, bức ảnh này còn gặt hái vô số những giải thưởng quốc tế khác, được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 và là một trong 10 bức ảnh báo chí đáng nhớ nhất trong vòng 50 năm qua.

Nhiếp ảnh gia Nick Út trong các chuyến đi sáng tác tại Việt Nam.

“Tôi quen anh Út cả chục năm rồi và có nhiều chuyến đi chụp ảnh cùng anh. Với tôi, anh là một người rất bình dị, khiêm tốn, thân thiện dù anh là người rất nổi tiếng. Chính vì vậy, anh đi đâu cũng được mọi người quý mến và trân trọng. Anh Út đam mê với nhiếp ảnh và sống vì nghề. Ở tuổi 72, rất hiếm có nghệ sĩ nào được như anh Út khi vẫn đeo trên mình những bộ máy ảnh với ống kính nặng, lang thang khắp nơi để nghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống."

Nhiếp ảnh gia danh tiếng Trần Thế Phong

Ông Út cho biết sau này trong suốt sự nghiệp cầm máy “từ địa ngục tới Hollywood”,  hay đi tham dự các buổi hội thảo, nói chuyện và gặp gỡ với các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới như Nữ hoàng Elizabeth, Đức Giáo hoàng Pope Francis, Tổng thống Donald Trump cho tới các nhà nhiếp ảnh hàng đầu thế giới như Carol Guzy, ông Jame Nachtwey, các nghệ sĩ nổi tiếng Hollywood, hay những cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam và thậm chí là những người dân bình thường, ông đều nhận được nhiều chia sẻ và đánh giá cao đối với bức ảnh này.

Ông Nick Út nhớ lại một kỷ niệm khó quên khi được Tổng thống Donald Trump trao tặng Huân chương nghệ thuật Quốc gia tại Nhà Trắng năm 2021. Tại buổi lễ, Tổng thống Donald Trump đã hỏi tất cả những người tham dự có biết bức ảnh “Em bé Napalm" không và ông nhận được cánh tay giơ lên của tất cả mọi người. Tổng thống Donald Trump đã khẳng định bức ảnh của ông Út đã làm thay đổi chiến tranh và mang hòa bình cho thế giới.

Một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nick Út chụp tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, bức ảnh còn có ảnh hướng lớn tới một thế hệ nhiếp ảnh hàng đầu thế giới. Ông cho biết sau này khi sang Mỹ làm việc, trong một lần nói chuyện, nữ phóng viên ảnh nổi tiếng Carol Guzy của của tờ Washington Post, nhà báo đầu tiên bốn lần đoạt giải Pulitzer về báo chí, hay nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới James Nachtwey đã thổ lộ rằng chính bức ảnh “Em bé Napalm” đã thôi thúc họ trở thành phóng viên nhiếp ảnh chiến trường. Phóng viên ảnh huyền thoại của AP,  Horst Faas, người hai lần được giải Pulitzer, cũng từng khẳng định có những bức ảnh đạt giải Pulitzer, nhưng chỉ được mọi người biết đến ngay trong năm đó, rồi bị lãng quên, tuy nhiên bức ảnh “Em bé Napalm” sẽ vẫn được nhớ mãi. Đối với Nick Út, đây chính là phần thưởng cao quý, là niềm hạnh phúc giản dị và là nguồn động lực để ông tiếp tục nỗ lực cống hiến và ghi lại được nhiều khoảnh khắc mang tính lịch sử trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Nhiếp ảnh gia Nick Út chia sẻ kinh nghiệm làm báo với các phóng viên, biên tập viên Báo ảnh Việt Nam. 

Ông cứ thế, say sưa kể cho tôi nghe những kỷ niệm đẹp, những sự kiện đáng nhớ, những khoảnh khắc mà ông cho là trời sắp đặt mà ông may mắn ghi lại, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm mà ông tích lũy được trong suốt sự nghiệp của mình. Theo ông, để có được những bức ảnh báo chí có giá trị, người phóng viên ảnh phải dũng cảm, lăn lộn và xông xáo ở hiện trường. Tới bất kỳ sự kiện nào, điều quan trọng là phải quan sát các nhân vật để có thể nắm bắt được cảm xúc buồn vui của nhân vật, phải luôn luôn sẵn sàng tác nghiệp để không bỏ lỡ các khoảnh khắc đắt giá.  Đặc biệt, người phóng viên ảnh cần phải sáng tạo, tìm tòi và tìm cho mình được những góc nhìn mới lạ, khác với các khuôn hình thông thường.

“Nick Út là một nhiếp ảnh gia huyền thoại mà ai cũng biết. Ông là tấm gương cho nhiều thế hệ phóng viên học tập bởi tình yêu, sự say mê với nhiếp ảnh và tính chuyên nghiệp trong công việc, bởi tính cách giản dị, dễ gần. Trong mấy ngày có dịp đi lang thang chụp ảnh cùng ông, tôi mới cảm nhận được tình yêu nghề cũng như tinh thần làm việc của ông. Ông luôn kín đáo, lặng lẽ hòa mình trong đám đông, say sưa với từng khoảnh khắc bấm máy, kiên nhẫn chờ đợi để có được những khuôn hình phản ánh chân thực cuộc sống. Theo ông nhiếp ảnh báo chí phải chân thực. Những bức ảnh như vậy thì mới có giá trị về tư liệu và sống mãi với thời gian. Những bức ảnh hôm nay ông Nick Út chụp ở Hà Nội và nhiều địa phương khác trong chuyến đi này, chỉ vài năm sau là tư liệu quý về đất nước về con người Việt Nam. Mọi thứ sẽ qua đi, chỉ những gì ghi được vào ống kính sẽ tồn tại mãi với thời gian.”

Nhà báo Phạm Tiến Dũng

Nguyên Trưởng Ban Biên tập Ảnh, TTXVN

Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh

Hiện nay, dù ông đã về hưu, thế nhưng nhiếp ảnh gia này vẫn tiếp tục đi và sáng tác cũng như thực hiện các dự án và kế hoạch của mình. Ông Nick Út cũng có kế hoạch trở về Việt Nam nhiều lần, đặc biệt là Hà Nội, thành phố mà ông dành một tình yêu đặc biệt, để lưu giữ vẻ đẹp cuộc sống cũng như con người nơi đây và biết đâu đấy qua ống kính của nhà nhiếp ảnh huyền thoại, sẽ có những khoảnh khắc sẽ trở thành lịch sử./.

Bài:  Đặng Huyền - Ảnh: Thế Phong & VNP

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/nhiep-anh-gia-nick-ut-–-tac-gia-buc-anh-song-mai-voi-thoi-gian-297866.html


top