Du lịch

Nhã nhạc cung đình Huế

Nhà nhạc cung đình Huế là loại hình âm nhạc chính thống, được xem là quốc nhạc của nhà Nguyễn (1802-1945). Nhã nhạc thường được dùng để biểu diễn trong các ngày lễ trọng của Hoàng cung như: Tế Nam Giao, Tế Xã Tắc, mừng đăng quang, mừng thọ vua, tiếp đón các sứ thần… Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Nhã nhạc là loại hình âm nhạc cung đình nên lời lẽ tao nhã, điệu thức cao sang, quý phái. Nó biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Vì vậy, Nhã nhạc được các triều đại quân chủ Việt Nam rất coi trọng. Theo sử sách, Nhã nhạc Việt Nam có từ thời Lý (1010-1225) nhưng phát triển mạnh và bài bản nhất là vào thời nhà Nguyễn (1802 - 1945). Nhã nhạc thời Nguyễn thường được gọi là Nhã nhạc cung đình Huế vì triều đại này đóng đô ở Huế suốt gần 150 năm.
 




Hình ảnh nhạc công và đội Nhã nhạc cung đình Huế thời nhà Nguyễn.


Những nghệ nhân Nhã nhạc cung đình cuối cùng của thời nhà Nguyễn.

Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế tại quảng trường Ngọ Môn (Huế).


Nhà hát cổ Duyệt Thị Đường trong Hoàng thành Huế.

Biểu diễn Nhã nhạc ở nhà hát cổ Duyệt Thị Đường.

Đêm nghệ thuật tôn vinh Di sản Văn hóa Thế giới Nhã nhạc cung đình Huế.

Thời nhà Nguyễn, nhờ điều kiện kinh tế và xã hội phát triển mạnh nên các triều vua rất quan tâm đến Nhã nhạc. Nhã nhạc lúc này có hệ thống bài bản rất phong phú, với hàng trăm nhạc chương. Các nhạc chương đều do Bộ Lễ chủ trì biên soạn cho phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình. Ví dụ Tế Nam Giao có 10 nhạc chương mang chữ “Thành” (thành công); Tế Xã Tắc có 7 nhạc chương mang chữ “Phong” (được mùa); Tế Miếu có 9 nhạc chương mang chữ “Hòa” (hòa hợp); Lễ Đại triều dùng 5 bài mang chữ “Bình” (hòa bình); Lễ Vạn thọ dùng 7 bài mang chữ “Thọ” (trường tồn); Lễ Đại yến dùng 5 bài mang chữ “Phúc” (phúc lành)...
Về tổ chức Nhã nhạc thời Nguyễn, theo sách Khâm định Đại Thanh hội điển sử lệ xuất bản năm 1908, biên chế dàn nhạc cung đình Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII gồm có: 1 cái trống bản, 1 cái phách (sinh tiền), 2 cái sáo, 1 đàn huyền tử (tức tam huyền tử, đàn tam), 1 đàn hồ cầm (đàn nhị), 1 đàn song vận (nguyệt cầm), 1 đàn tì bà, 1 tam âm la (chùm thanh la bằng đồng 3 chiếc).
Nhã nhạc cung đình Huế thường đi đôi với múa cung đình. Múa cung đình triều Nguyễn rất phong phú như: long, ly, quy, phượng, múa đèn, múa quạt, bát tiên quá hải, bát tiên đăng vân, nhị tướng xuất quân. Đặc sắc nhất là múa “Lục cúng hoa đăng” và “Lân mẫu xuất lân nhi”... Đây là những điệu múa rất độc đáo thể hiện rõ bản sắc văn hoá Việt Nam. Tiết mục nào cũng trang nghiêm không có chút trần tục và đều mang tính nghệ thuật cao, cùng với Nhã nhạc tạo nên một sân khấu thiêng liêng và bác học khó có dàn nhạc nào sánh nổi.
Trong hệ thống Nhã nhạc cung đình Huế còn có tiết mục hoà tấu các nhạc khí thuộc bộ dây, gồm: đàn nguyệt, đàn tam, đàn tì bà, đàn nhị cùng với sáo trúc kết hợp với bộ gõ (trống, não, sênh tiền) tạo nên những âm thanh trong sáng, thanh khiết có sức gợi cảm sâu xa. Các nhạc công thường trình tấu tác phẩm liên hoàn 10 bài ngự, hoặc còn gọi là “Thập thủ liên hoàn” tác phẩm này chủ yếu phục vụ các buổi yến tiệc, hoặc lúc đón tiếp các sứ thần.
Theo GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Văn hóa Dân gian, các nghệ nhân Nhã nhạc thời Nguyễn do phải luôn biểu diễn cho vua xem nên đòi hỏi phải có sự khổ luyện mới thành tài.
Bên cạnh việc chăm lo phát triển các bài bản, lề lối, thể thức cho Nhã nhạc, các vua triều Nguyễn còn chú trọng việc xây dựng các nhà hát để làm nơi biểu diễn. Vì thế, vào thời này, trong Hoàng cung có Duyệt Thị Đường, trong lăng Tự Đức có Minh Khiêm Đường, thậm chí ngay tại tư gia Thượng thư Đào Tấn, ông tổ nghề hát tuồng Việt Nam, cũng có một nhà hát mang tên Mai Viên…
Âm nhạc nói chung và Nhã nhạc nói riêng cũng thịnh suy theo thời. Vì thế, vào cuối thế kỷ XIX, khi đất nước lâm vào nạn ngoại xâm, vai trò triều Nguyễn mờ nhạt dần, do đó Nhã nhạc cung đình Huế cùng các nghi lễ cũng giảm dần. Vào gần cuối thời Nguyễn, triều đình chỉ còn duy trì 2 loại dàn nhạc là: Đại nhạc (trống, kèn, mõ bồng, chập chóe) và Tiểu nhạc (trống bản, đàn tì bà, nhị, đàn tam, địch, tam âm, phách tiền). Đặc biệt, khi triều Nguyễn du nhập dàn quân nhạc phương Tây đã làm cho vai trò Nhã nhạc ngày càng trở nên mờ nhạt hơn.
Từ sau năm 1975, Chính phủ, Bộ Văn hóa Thông tin và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều chủ trương, quyết định bảo tồn loại hình văn hóa độc đáo này. Đặc biệt, ngày 7/11/2003, Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại.
Trong phần nhận định về Nhã nhạc, UNESCO đánh giá: “Nhã nhạc Việt Nam mang ý nghĩa âm nhạc tao nhã… Trong các thể loại nhạc cổ truyền Việt Nam chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia. Nhã nhạc Việt Nam đã có từ thế kỷ XI, đến thời Nguyễn thì Nhã nhạc cung đình Huế đạt đến độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất”.
Giờ đây, Nhã nhạc cung đình Huế không chỉ là vốn quý của dân tộc Việt Nam mà còn là tài sản vô giá của loài người. Với những giá trị nổi bật, Nhã nhạc cung đình Huế chắc chắn sẽ tiếp tục được giữ gìn và bảo tồn một cách hiệu quả, góp phần cùng với các loại hình di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam khẳng định vị thế của một dân tộc, một quốc gia giàu truyền thống văn hóa trong khu vực và thế giới.
Đặc biệt, cùng với quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1993, Nhã nhạc cung đình Huế sẽ góp phần làm cho Huế trở thành một trung tâm văn hóa du lịch đặc biệt của thế giới. Đồng thời, việc bảo tồn di sản văn hóa âm nhạc cung đình luôn gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô, bởi lẽ hai loại hình văn hóa này luôn đan xen, hòa quyện để làm nên vẻ đẹp toàn diện của Di sản Văn hóa Huế./.
Bài: Mạnh Thường - Ảnh: Tư liệu BAVN

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/nha-nhac-cung-dinh-hue-21563.html


top