Trong số nhiều di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận và tôn vinh là di sản của thế giới, Tổng Thư kí Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Sanh Châu đã có công giới thiệu và vận động thành công nhiều di sản. Chính vì vậy, ông được mệnh danh là “Nhà ngoại giao di sản” hàng đầu của Việt Nam.
Với bề dày hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam là quốc gia sở hữu một kho tàng di sản văn hóa quý giá, trong đó có nhiều di sản đã được UNESCO công nhận và tôn vinh là di sản của thế giới. Để những di sản của Việt Nam lọt được vào bản danh sách xét duyệt đầy khắt khe của UNESCO, ngoài những giá trị đích thực của từng di sản còn phải kể đến công lao lớn của các nhà ngoại giao, nhà khoa học đã dày công nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề cử cũng như lập kế hoạch vận động quảng bá ra thế giới. Trong số những người như vậy, có nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO – Bộ Ngoại giao, kiêm Tổng Thư kí Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Ông Phạm Sanh Châu (thứ 2 bên phải) tại phiên họp công nhận Lễ hội Gióng là Di sản Văn hóa Thế giới
được tổ chức ở Kenya. Ảnh: Tư liệu của UNESCO Việt Nam

Ông Phạm Sanh Châu cùng đoàn đại biểu quốc tế tham quan Giếng Vua, công trình nằm trong tổng thể kiến trúc đàn
Nam Giao (Thanh Hoá), một di tích mới được phát hiện năm 2010. Ảnh: Trần Thanh Giang

Ông Phạm Sanh Châu giới thiệu với các đại biểu quốc tế về Di sản Hoàng thành Thăng Long.
Ảnh: Tư liệu của UNESCO Việt Nam

Ông Phạm Sanh Châu và bà Katherin Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội dự Hội Gióng.
Ảnh: Trần Thanh Giang

Ông Phạm Sanh Châu và một người bạn nước ngoài tại Lễ hội Gióng. Ảnh: Trần Thanh Giang

“Nhà ngoại giao di sản” Phạm Sanh Châu (tháng 12/2011). Ảnh: Trần Thanh Giang |
Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, có khả năng sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Pháp, lại từng là Đại sứ Trưởng Phái đoàn Đại diện Việt Nam tại UNESCO ở Paris (Pháp) nên ông Phạm Sanh Châu đã biết tận dụng thế mạnh của mình để vận động, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá cho các di sản của Việt Nam.
Còn nhớ, năm 1999, trên cương vị là Đại sứ Trưởng Phái đoàn Đại diện Việt Nam tại UNESCO, nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu cùng với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lúc bấy giờ là ông Hoàng Văn Nghiên đã vận động được UNESCO công nhận và trao cho Thủ đô Hà Nội danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Hay như việc hồ sơ di sản Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình sau mấy lần trình lên UNESCO đều không thành nhưng nhờ có sự kiên trì vận động của ông Phạm Sanh Châu và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Lâm Phương mà đến năm 2003 di sản này cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới .
Dưới cái nhìn của một nhà ngoại giao, ông đánh giá văn hóa như cánh cửa mở đến với thế giới của trí tuệ, của văn minh, đưa con người tiếp cận với tinh hoa của mỗi quốc gia, và cũng là cầu nối giữa các dân tộc trên thế giới. Chính vì vậy, từ lâu trong ông đã ấp ủ nhiều dự định và hoài bão lớn lao, đó là làm sao để những di sản vô giá của Việt Nam không phải ngủ yên trong quên lãng mà chúng phải được đánh thức và được thế giới công nhận, tôn vinh. Có như vậy thế giới mới biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn về đất nước Việt Nam qua những di sản quý giá này.
Với sự nhận thức sâu sắc như vậy cho nên trong suốt nhiều năm qua, nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu đã cùng với nhiều nhà nghiên cứu lặn lội khắp mọi miền đất nước nghiên cứu tìm hiểu những tinh hoa văn hóa của Việt Nam để đem giới thiệu với bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong tổng số 11 di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận, ông đã đóng góp sức mình vận động thành công nhiều di sản quan trọng như: Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (2003), Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên (2005), Ca Trù (2009), Quan họ Bắc Ninh (2009), Hoàng thành Thăng Long (2010) và Hội Gióng ở Phù Đổng và Sóc Sơn - Hà Nội (2010). Ông cũng chính là người đã có công đóng góp để Việt Nam có được 6 Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới là Cần Giờ, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Pù Mát, Cà Mau, Kiên Giang cùng với 2 Vịnh biển đẹp nhất thế giới là Nha Trang và Lăng Cô.
Với những đóng góp lớn trong việc quảng bá di sản Việt Nam ra thế giới, nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu được mọi người trìu mến gọi là “nhà ngoại giao di sản”. Khiêm tốn, không muốn nói nhiều về mình nhưng tự trong sâu thẳm cõi lòng, nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu luôn tâm nguyện sẽ tiếp tục được đóng góp sức mình để Việt Nam ngày càng có thêm nhiều di sản được vinh danh trên trường quốc tế.
Hôm chúng tôi ghé thăm đúng vào lúc ông vừa được Đảng và Nhà nước giao trọng trách mới làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Vương quốc Bỉ kiêm nhiệm Đại Công quốc Luxembourg và Ủy ban châu Âu. Mặc dù phải tất bật chuẩn bị cho công việc mới nhưng trên bàn làm việc của ông vẫn có những tập hồ sơ di sản của Việt Nam đang chờ hoàn thiện để đệ trình lên UNESCO công nhận là di sản thế giới. Trong đó có những bộ hồ sơ đầy tiềm năng như di sản văn hóa thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, di sản tư liệu mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang…
Trước lúc chia tay, nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu tâm sự: “Đất nước mình từ Nam chí Bắc đâu đâu cũng có bóng dáng của các nền di sản quý báu do cha ông ta để lại. Ước gì tất cả những di sản ấy sẽ sớm trở thành di sản của nhân loại để dân tộc mình ngày càng được rạng danh". Nghe những lời tâm sự chân thành ấy chúng tôi biết trong cõi lòng của ông vẫn luôn đau đáu với nền di sản của quốc gia./.
ĐÔI NÉT VỀ NHÀ NGOẠI GIAO PHẠM SANH CHÂU:
- Sinh năm 1961 tại Myanmar
- Năm 1983, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
- Trong 10 năm liên tục từ 1986 - 1996 từng làm phiên dịch cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp như: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Lê Quang Đạo, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nông Đức Mạnh, Phan Văn Khải, Trần Đức Lương, Nguyễn Tấn Dũng.
- Năm 1999 – 2003 được bổ nhiệm làm Đại sứ Trưởng Phái đoàn Đại diện Việt Nam tại UNESCO và đại diện Chủ tịch nước bên cạnh Tổ chức Pháp ngữ ở Paris (Pháp).
- Năm 2003 - 2006 làm Phó Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế - Bộ Ngoại giao.
- Năm 2006 - 2010 làm Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO – Bộ Ngoại giao, kiêm Tổng Thư kí Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
- Ngày 14/2/2011 chính thức được bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Vương quốc Bỉ kiêm nhiệm Đại Công quốc Luxembourg và Ủy ban châu Âu.
|
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trần Thanh Giang & Tư liệu của UNESCO Việt Nam
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/nha-ngoai-giao-di-san-21571.html