Từ nơi tận cùng của Tổ quốc, giữa vùng rừng nước U Minh Hạ thuộc xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, Nhà máy Đạm Cà Mau hiện lên ngoạn mục như một điểm nhấn của Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm. Công trình này chính thức đi vào vận hành thương mại từ tháng 2/2012 vừa qua, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu phân đạm cho 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nhà máy Đạm Cà Mau được khởi công 26/7/2008, sau 42 tháng thi công và lắp đặt, vào ngày 29/1/2012, Nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động. Điều này khiến nhà máy được đánh giá là có tốc độ xây lắp nhanh nhất tại Việt Nam. Đây là một kết quả hết sức thiết thực và kịp thời, đóng góp vào sự phát triển của vùng sông nước ĐBSCL, bức tranh cung cầu phân bón urê theo đó cũng được thay đổi. Người nông dân từ nay sẽ được dùng sản phẩm có phẩm cấp cao, giá cả ổn định, nguồn cung dồi dào.
Toàn cảnh Nhà máy Đạm Cà Mau, một trong 3 công trình thuộc Cụm công trình trọng điểm Quốc gia Khí - Điện - Đạm Cà Mau.
Công trình hiện đại hiện lên như một điểm nhấn giữa vùng U Minh Hạ.
Trung tâm xử lí của Nhà máy Đạm Cà Mau.
Hệ thống bình áp suất của Nhà máy.
Các kĩ sư Nhà máy Đạm Cà Mau kiểm tra quy trình vận hành của hệ thống bình áp suất.
Công trình này do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư với nguồn vốn khoảng 780 triệu USD, sau khi đi vào hoạt động đã đánh dấu sự hoàn chỉnh của Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm ở Cà Mau, biến vùng đất đầm lầy thành khu công nghiệp hiện đại và góp phần thay đổi vùng đất U Minh Hạ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Cà Mau theo hướng tích cực; đồng thời, cùng với Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ nâng tổng sản lượng phân đạm do PVN sản xuất lên 1,54 triệu tấn/năm, đáp ứng phần lớn tổng nhu cầu phân đạm của cả nước, góp phần bình ổn giá đạm và an ninh phân bón, lương thực quốc gia.
Trong quá trình hoạt động, Nhà máy Đạm Cà Mau sử dụng công nghệ tiên tiến của Đan Mạch, Italia, Nhật Bản và tư vấn quản lí dự án của SNC Lavalin (Bỉ), tư vấn cấp chứng chỉ đăng kiểm của Bureau Veritas (Pháp).
Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng Ban Quản li dự án cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau cho biết: “Hiện Nhà máy đã bán ra thị trường 56 nghìn tấn sản phẩm đạm hạt đục. Việc làm này có ý nghĩa rất lớn, đảm bảo nhu cầu phân bón vụ hè thu cho bà con nông dân, tiết kiệm cho nhà nước hàng trăm triệu USD nhập khẩu phân bón”.
Với công suất đạt 800 nghìn tấn/năm, mỗi năm Nhà máy Đạm Cà Mau còn cung cấp ra thị trường ¼ nhu cầu phân bón của cả nước. Sản phẩm chính của Nhà máy là phân đạm chất lượng cao, dạng viên vê; khí CO2 tinh khiết phục vụ đời sống, sản xuất công nghiệp và công nghệ thực phẩm…
Tính đến tháng 6/2012, sau hơn năm tháng vận hành an toàn, ổn định, Nhà máy Đạm Cà Mau đã sản xuất và đưa ra thị trường trên 200 nghìn tấn phân đạm thông qua các công ty phân phối, tiêu thụ trong hệ thống đại lí phân phối nội địa, đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ mùa, đặc biệt là khu vực miền Tây Nam Bộ.
Với dây chuyền hện đại và tự động hóa cao, mỗi ngày Nhà máy có thể đóng được 4 nghìn tấn urê thành phẩm.
Dây chuyền sản xuất phân đạm urê.
Sản phẩm phân đạm chất lượng cao của Nhà máy Đạm Cà Mau
vừa góp phần ổn định giá vừa đáp ứng nhu cầu phân bón cho 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Sử dụng xe nâng vận chuyển phân đạm thành phẩm đến kho bảo quản trước khi xuất bán.
Dây chuyền xuất hàng tự động từ kho xuống tàu.
Các tàu hàng đang chờ nhập phân đạm ở cảng xuất hàng của Nhà máy Đạm Cà Mau.
Hiện nay, với khả năng tự động hóa cao, hệ thống băng tải, xuất hàng tự động, hàng ngày Nhà máy có thể đóng bao và xuất sản phẩm cho khách hàng từ 3,5 - 4 nghìn tấn urê, góp phần ổn định giá, đáp ứng cung cầu phân bón...
Được biết, nguồn khí thiên nhiên cung cấp cho Nhà máy Đạm Cà Mau là khí từ lô PM3 - CAA, mỏ Cái Nước thuộc vùng biển Tây Nam Việt Nam thông qua đường ống dẫn khí PM3 Cà Mau.
«...
Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 10.000 người trong thời gian xây dựng và khoảng 400 người trong giai đoạn vận hành, đồng thời còn là nơi tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho Cà Mau, là điểm đầu mối tác động rất lớn đến tác phong công nghiệp trong vận hành nền kinh tế của tỉnh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng khẳng định, Nhà máy Đạm Cà Mau là một công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần bảo đảm cung cấp ổn định phân đạm cho phát triển nông nghiệp của đất nước. Việc đưa Nhà máy Đạm Cà Mau và toàn Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm vào hoạt động là một lợi thế và cơ hội mới của tỉnh Cà Mau cũng như khu vực ĐBSCL. Đây cũng là bước đi đúng đắn và có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp phân bón, phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.
Do ra đời ở vùng ĐBSCL, vốn là vựa lúa, vựa cây ăn trái và hoa màu lớn nhất nước ta, lại kề cận Campuchia, Thái Lan, những quốc gia nằm trong lưu vực sông Mekong, chuyên canh tác nông nghiệp, nên Nhà máy Đạm Cà Mau còn đang có cơ hội lớn để xuất khẩu phân đạm urê hạt đục bằng cả đường bộ, đường sông, lẫn đường biển, từ đó đưa thương hiệu “Đạm Cà Mau” ngày càng phát triển và vươn xa hơn nữa./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh
https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/nha-may-dam-ca-mau-35321.html