Chân dung

Nguyễn Nghĩa Duyện với nghệ thuật tranh sơn khắc

Chúng tôi tới gặp Nhà giáo Ưu tú, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện, nguyên Chủ nhiệm Khoa Đồ họa Đại học Mỹ thuật Việt Nam tại nhà riêng. Mái đầu bạc trắng, cặp kính trắng dày trên khuôn mặt nâu sạm, họa sĩ đang chăm chút hoàn thiện tác phẩm “Ngọn lửa Pắc Bó”, một bức tranh vẽ cảnh Bác Hồ làm việc bên bếp lửa hồng giữa núi rừng Pắc Bó.
Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện sinh năm 1943, quê ở An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh. Ông lớn lên ở quê bên sông Đuống thuộc vùng đất Kinh Bắc văn hiến lâu đời, trù phú, cổ kính với nhiều di sản văn hóa Việt như chùa Bút Tháp, chùa Dâu, làng tranh dân gian Đông Hồ.

Năm 1961, ông tham gia quân đội cho tới giữa năm 1974. Từ 1974 - 1979, ông theo học trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Suốt 25 năm (1979 - 2004), ông vừa giảng dạy, vừa sáng tác vừa làm công tác quảng lý phụ trách Khoa Đồ họa của Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1998, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
 

Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện với bức tranh "Ngọn lửa Pắc Bó".


Ông là một trong số ít họa sĩ thành công với thể loại tranh sơn khắc.

Bề dày vốn sống và trình độ mỹ thuật cao đã tạo cho họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện một bản lĩnh vững vàng trong sáng tác. Ông sáng tác nhiều tranh khắc có giá trị nghệ thuật cao, nhiều tác phẩm đã đoạt các giải thưởng lớn. Sáng tác của họa sĩ thường khắc họa con người và phong cảnh quê hương đất nước nhất là vùng Kinh Bắc xưa với những cổng làng, chợ quê, sông nước, đình chùa, ngõ xóm, thôn quê, lễ hội ngày mùa ở làng Việt cổ thanh bình trù phú đậm chất dân gian. Đặc biệt, ông rất thành công với thể loại tranh sơn khắc.

Năm 2011, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện có ba tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật gồm: Bác Hồ đi chiến dịch (sơn khắc, sáng tác năm 1985, khổ 120 x 180cm), Bác Hồ trên đường ra trận (sơn khắc, sáng tác năm 1990, khổ 110 x 220cm), Chợ quê (sơn khắc, sáng tác năm 1995)

Những bức tranh sơn khắc đạt giải thưởng Nhà nước của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện mang đậm dấu ấn, phong cách của người nghệ sĩ tạo hình tài hoa. Tác phẩm sơn khắc “Bác Hồ đi chiến dịch” ông vẽ năm 1985 là đỉnh cao sáng tác về đề tài Bác Hồ. Vẻ đẹp óng đen sâu thẳm của nền vóc sơn mài và những mảng màu phong phú có khả năng truyền tại sự rộng lớn của tác phẩm tranh sơn khắc. Trong đó con người và thiên nhiên hòa quyện trong thể thống nhất. Phong cảnh núi rừng Việt Bắc hùng vĩ làm nền cho hình tượng Bác Hồ bình dị với quân phục chiến sĩ in đậm trên nền trời sáng ở phía trên của bố cục. Nội dung giàu chất hiện thực - sử thi, thể hiện trong hình thức hội họa bác học nhưng đậm truyền thống tạo nên vẻ đẹp hài hòa cùng giá trị nghệ thuật đặc sắc của bức tranh.

Cùng đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác phẩm sơn khắc “Bác Hồ trên đường ra trận” có nhiều tương đồng về thủ pháp sắp xếp các khối nhân vật, các mảng hình núi rừng, sông suối. Nhưng ở đây các lớp cảnh thưa, thoáng hơn, các nhóm người được phân định rõ ràng nhưng liên kết chặt chẽ. Tác giả có sự sáng tạo ở thủ pháp tạo điểm nhấn, đặt hình tượng Bác Hồ và nhóm nhân vật với màu sắc sáng trên nền núi đen. Sự cách tân của Nguyễn Nghĩa Duyện mạnh mẽ, mang tính đối lập quan niệm cũ về tranh sơn khắc phải có nền tranh là màu đen của vóc sơn mài.

Trở về với thôn quê Kinh Bắc, tác phẩm “Chợ quê” là sự dồn nén tình cảm của Nguyễn Nghĩa Duyện với quê hương. Cảnh sinh hoạt bình dị ở chợ xưa trước sân chùa Dâu - Thuận Thành - Bắc Ninh như được nảy sinh từ ký ức họa sĩ với hiện thực về sinh hoạt bình dị đậm chất văn hóa cộng đồng làng xã. Sự sáng tạo trên không gian nền kiến trúc chùa Dâu gợi mở sự cổ kính của tác phẩm “Chợ quê”.


Tác phẩm “Bác Hồ đi chiến dịch" (Giải thưởng Nhà nước năm 2011).


Tác phẩm “Bác Hồ trên đường ra trận" (Giải thưởng Nhà nước năm 2011).


Tác phẩm “Chợ quê” (Giải thưởng Nhà nước năm 2011).



Tác phẩm “Ngọn lửa Pắc Bó”.


Tác phẩm “Hà Nội năm 1946”.


Tác phẩm “Miền quê Kinh Bắc”. 


Tác phẩm “Ca trù”.


Tác phẩm “Quan họ Bắc Ninh”.


Tác phẩm “Chợ cầu quê xưa”.


Tác phẩm “Chùa Thầy”.


Tác phẩm “Thăng Long - Hà Nội”. 


Tác phẩm “Hồ Gươm Hà Nội”.

 
Tác phẩm “Chợ làng”.


Tác phẩm “Hội làng”.

 
Tác phẩm “Chợ vùng cao”.

Những tác phẩm chất liệu tranh sơn khắc của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện mang phong cách độc đáo riêng, đó là sự vận dụng sáng tạo phương pháp diễn tả ở tranh đồ họa. Tranh sơn khắc của ông không chỉ có nền đen truyền thống tương phản làm tôn hình tượng nhân vật trung tâm mà có sự hoán vị của hai tông màu đen và sáng. Sự sáng tạo này đã làm cho tranh sơn khắc của ông mang một vẻ đẹp nổi trội về mặt tạo hình, giàu cảm xúc và cuốn hút người xem./.
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/nguyen-nghia-duyen-voi-nghe-thuat-tranh-son-khac-46501.html


top