Chân dung

Nguyễn Hữu Thái – nhân chứng sống của ngày 30/4

Trưa ngày 30/4/1975, tại phòng thu thanh của Đài Phát thanh Sài Gòn, ngoài một số cán bộ và chiến sĩ quân Giải phóng miền Nam còn có một nhân vật khá đặc biệt được trực tiếp chứng kiến giây phút lịch sử khi Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn phát đi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Người ấy chính là ông Nguyễn Hữu Thái, cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn.

Ông Nguyễn Hữu Thái, nhân chứng lịch sử đặc biệt của trưa ngày 30/4/1975, trở lại thăm Dinh Độc Lập
(nay là Hội trường Thống Nhất) (tháng 3/2015). Ảnh: Nguyễn Luân

 

Với ông, nơi đây từng để lại những dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời ông. Ảnh: Nguyễn Luân

 

Ông Nguyễn Hữu Thái và bức ảnh lịch sử trưa ngày 30/4/1975, trong đó có hình ảnh ông chứng kiến
Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tại phòng thu của Đài Phát thanh Sài Gòn.
Ảnh: Nguyễn Luân

 

Nhiều du khách nước ngoài rất bất ngờ khi biết ông Thái chính là người đã trực tiếp chứng kiến
giây phút tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh vào trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Nguyễn Luân

 

Vì thế họ đã hỏi ông rất nhiều chuyện về ngày chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Ảnh: Nguyễn Luân

 

Câu chuyện của ông Thái đã giúp cho những vị khách nước ngoài này
có một cái nhìn đầy mới mẻ và thú vị về sự kiện trưa ngày 30/4. Ảnh: Nguyễn Luân

 

Cuộc hội ngộ bất ngờ giữa ông Nguyễn Hữu Thái và ông Vũ Hồng Phiêu, 
cựu chiến binh E136, đơn vị dự bị đi sau đoàn tăng vào tiếp quản Sài Gòn. Ảnh: Nguyễn Luân

"Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban Nhân dân Cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới Dinh Độc Lập trước 12 giờ và đã cùng anh em quân đội Giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái… Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng… Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này…".

Đó là lời thông báo mở đầu của ông Nguyễn Hữu Thái được phát đi trên làn sóng Đài Phát thanh Sài Gòn vào trưa ngày 30/4/1975 để rồi ngay sau đó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đã đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, chấm dứt chiến tranh, non sông thu về một mối. Ông là nhân chứng sống của thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975.

Ông Nguyễn Hữu Thái sinh năm 1940 tại Đà Nẵng, là một kiến trúc sư. Ông học ngành Kiến trúc và Luật tại Viện Đại học Sài Gòn. Ông hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam từ 1960 tới 1975 và được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963 - 1964) ngay sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Thời kì này, Nguyễn Hữu Thái tổ chức và tham gia nhiều hoạt động sôi nổi như kêu gọi sinh viên xuống đường, biểu tình phản đối Mỹ can thiệp vào nội bộ Việt Nam…

40 năm đã trôi qua, người cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn ngày nào giờ đã là một ông lão tóc bạc trắng, dáng người thanh gầy. Năm nay ông đã 75 tuổi nhưng phong thái vẫn rất hoạt bát, minh mẫn và đặc biệt là đôi mắt tinh anh. Cuộc sống của vợ chồng ông giờ đây viên mãn, hai người con đều có sự nghiệp vững chắc.

Tiếp chúng tôi tại khách sạn riêng của cô con gái mình ở quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh, ông Thái vui mừng bắt tay từng người và hỏi han rất thân tình. Trò chuyện một lúc, ông cùng vợ và cô con gái đưa chúng tôi đi thăm Dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn (nay là Đài Tiếng nói Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh), những nơi đã ghi đậm dấu ấn lịch sử của ngày 30/4 và của cả cuộc đời ông.

Bước qua cánh cổng Dinh Độc Lập, ông Nguyễn Hữu Thái tiến thẳng đến chỗ trưng bày chiếc xe tăng đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4, nơi có rất nhiều du khách nước ngoài đang đứng chụp hình lưu niệm. Nhiều người nước ngoài đã tỏ ra vô cùng bất ngờ và thú vị khi tình cờ được gặp một nhân chứng lịch sử đặc biệt như ông Thái. Vì vậy, họ chăm chú lắng nghe ông kể lại những câu chuyện liên quan đến ngày 30/4 qua lời phiên dịch của chị Tina Thiên Nga, con gái ông.


Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng - TTXVN
 

Các cán bộ Quân Giải phóng áp giải Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh
từ Dinh Độc Lập ra Đài Phát thanh Sài Gòn để đọc tuyên bố đầu hàng vào trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu

 

Ông Nguyễn Hữu Thái (người mặc áo trắng cầm tập tài liệu) cùng các cán bộ Quân Giải phóng chờ ông Dương Văn Minh
(mặc áo đen ngồi nhìn lên) đọc tuyên bố đầu hàng tại phòng thu của Đài Phát thanh Sài Gòn vào trưa ngày 30/4/1975.
Ảnh: Tư liệu

 

Hàng vạn người dân thành phố Sài Gòn đổ ra đường
chào đón các chiến sĩ Quân Giải phóng trong ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu

 

Nhân dân Sài Gòn dự mít tinh mừng chiến thắng tại Dinh Độc Lập ngày 7/5/1975. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Theo lời ông Thái, ngày 30/4/1975, ông có mặt tại Dinh Độc Lập vào lúc khoảng hơn 9 giờ sáng. Trong lúc nhóm của ông đang ở Dinh Độc Lập thì phía đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) một cảnh tượng hùng tráng diễn ra. Đó là cảnh một đoàn xe tăng của quân Giải phóng rầm rộ tiến vào húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập và tiến thẳng đến trước thềm Dinh. Một anh lính xe tăng (sau này ông Thái mới biết là Bùi Quang Thận) từ trên xe nhảy xuống và giật chiếc cần ăng-ten gắn lá cờ Giải phóng nửa xanh nửa đỏ ở trên xe chạy thẳng lên thềm Dinh.

Khi ấy ông và giáo sư Huỳnh Văn Tòng (giảng dạy ngành báo chí) đang đứng trên tiền sảnh Dinh. Thấy anh Thận chạy vào, ông tiến ra đề nghị được dẫn đường. Thoạt đầu anh Thận nhìn ông ý chừng còn cảnh giác, nhưng thấy trên tay ông có đeo vòng băng xanh đỏ của lực lượng quần chúng nổi dậy nên liền đồng ý và theo ông lên cầu thang máy phụ.

Do cầu thang quá bé nên ông đã phải giúp anh Thận bẻ gập chiếc cần ăng-ten mới đưa được lá cờ vào bên trong. Lên đến nóc Dinh, vì lá cờ ba sọc của chính quyền Sài Gòn quá lớn lại buộc rất chắc nên phải mất một lúc họ mới giật nổi nó xuống và kéo lá cờ Giải phóng lên trong tiếng reo hò lẫn tiếng súng bắn chỉ thiên vang trời.

Và cũng chính buổi trưa ngày hôm ấy, một câu chuyện bất ngờ đã xảy ra đối với cuộc đời ông và sau này trở thành dấu ấn lịch sử đặc biệt của ngày chiến thắng 30/4. Trưa hôm ấy, ông được đi cùng với các cán bộ và chiến sĩ quân Giải phóng áp giải Tổng thống Dương Văn Minh và một số thành viên nội các của chính quyền Sài Gòn ra Đài Phát thanh Sài Gòn để đọc lời tuyên bố đầu hàng.

Tại Đài Phát thanh Sài Gòn, lúc đó do tình hình rất gấp nên ông được giao làm phát thanh viên phát đi lời thông báo về việc Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng. Tuy đảm nhận vai trò của một phát thanh viên “bất đắc dĩ” nhưng bằng chất giọng miền Nam rành rẽ, qua làn sóng phát thanh của Đài Phát thanh Sài Gòn, ông đã phát đi lời thông báo mở đầu mang tính lịch sử của dân tộc. Và ngay sau lời thông báo của ông, Tổng thống Dương Văn Minh, vị tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Lúc đó vào khoảng 14h20 giờ Sài Gòn, tức 13h20 giờ Hà Nội (thời đó giờ Sài Gòn chậm hơn Hà Nội 1 tiếng). Hàng vạn người đã vỡ òa trong niềm vui ngày thống nhất. Với ông Thái đó cũng là thời khắc không thể nào quên trong suốt cả cuộc đời.

Sau 40 năm, thăm lại Đài Phát thanh Sài Gòn, nhìn chiếc bàn cùng chiếc micro mà mình đã dùng để phát đi lời thông báo đặc biệt năm nào, lòng ông Thái lại ngập tràn những cảm xúc khó tả.

Ông tâm sự: “Vào tối 30/4/1975, bầu trời Sài Gòn im ắng không một tiếng máy bay. Trên phố không có tiếng rú còi của xe quân sự. Đêm về không còn ánh sáng hỏa châu, chỉ có tiếng súng vọng xa xa... Đó là đêm đầu tiên của ngày đất nước hòa bình, thống nhất, ngày đoàn tụ của những người anh em…/.


Bài: Nguyễn Oanh
Ảnh: Nguyễn Luân & Tư liệu

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/tin-tuc/nguyen-huu-thai-–-nhan-chung-song-cua-ngay-30-4-80949.html


top