Đời sống Việt

Người phục chế máy hát cũ

Vốn là một nghệ sĩ guitar cổ điển có tiếng ở Đà Lạt với nhiều năm biểu diễn – đào tạo và cả sản xuất những chiếc guitar đạt tiêu chuẩn quốc tế, rất được các guitarist đánh giá cao và đặt hàng thường xuyên, giờ đây Nguyễn Thi (59 tuổi) lại là một chuyên gia chuyên phục chế những máy hát cổ có tuổi đời hàng trăm năm tuối, từ chiếc pick-up quay tay thời chiến tranh thế giới lần thứ nhất cho đến những chiếc Akai huyền thoại…

 


Vốn là một nghệ sĩ guitar cổ điển có tiếng ở Đà Lạt với nhiều năm biểu diễn – đào tạo và cả sản xuất những chiếc guitar đạt tiêu chuẩn quốc tế, rất được các guitarist đánh giá cao và đặt hàng thường xuyên, giờ đây Nguyễn Thi (59 tuổi) lại là một chuyên gia chuyên phục chế những máy hát cổ có tuổi đời hàng trăm năm tuối, từ chiếc pick-up quay tay thời chiến tranh thế giới lần thứ nhất cho đến những chiếc Akai huyền thoại…

"Từ lúc bắt đầu tiếp xúc với máy hát tới nay cũng đã hơn 60 năm, tôi vẫn giữ lại những cái máy độc đáo. Như cái máy hiệu Akai của ba, âm thanh rất hay và nó có thể tự quay băng hát lại bất kỳ thời điểm nào do mình chọn", ông Thi hào hứng kể về bộ sưu tập máy hát độc đáo của mình. Ảnh: Lý Hoàng Long

Căn biệt thự Pháp xinh xắn toạ lạc ở số 3 Yagout như chợt tỉnh sau những ngày ngủ Đông trong giai đoạn hậu Covid, được sửa chữa cải thiện thành quán Café & bảo tàng máy hát cổ Thi Tuấn. Nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn với những người đam mê âm thanh để khám phá – cảm nhận – thưởng thức những giai điệu vượt thời gian.

"Giống như người bác sĩ, cái thú vị của nghề này là thay vì cứu người mình cứu sống cái máy, thay vì vứt đi mình làm cho nó hát lại. Vì vậy, dù có lúc xao nhãng những việc khác trong đời người như đi làm, có công danh, gia đình, sự nghiệp… tôi vẫn giữ nghề", ông Thi bộc bạch. Ảnh: Lý Hoàng Long

Thừa hưởng đam mê ngành điện tử từ bố, người đã có chứng chỉ tốt nghiệp tại trường vô tuyến điện Tấn Phát, Sài Gòn năm 1962, chủ tiệm sửa chữa Radio Hoàng Anh, 60 Minh Mạng – Dalat (nay là đường Trương Công Định), từ 7 - 8 tuổi cậu bé Nguyễn Thi đã bắt đầu mày mò làm quen với các bo mạch điện tử.

Tâm huyết và thầm lặng đeo đuổi niềm đam mê, đến giờ ông Nguyễn Thi vẫn mong muốn những thứ ông đã sưu tầm và lưu trữ rồi sẽ có người nào đó kế thừa và phát triển. Ảnh: Lý Hoàng Long

Nguyễn Thi tâm sự "Ba tôi là người kỹ tính. Ông hay giữ đồ cho khách, có những chiếc máy ông sửa từ trước năm 1975 đến giờ vẫn còn. Thay vì vứt đi ông tiếp tục giữ nên số lượng ngày càng nhiều. Tôi cũng theo đó, vẫn giữ vì biết đâu một ngày nào đó chủ những chiếc máy hát sẽ đến lấy". Thời gian dần qua, 5 – 10 rồi 20 năm... khi phong trào chơi máy hát cổ thịnh hành, Nguyễn Thi mới mang ra để phục hồi.

"Tôi sống độc thân nên định sẽ tặng hoặc giao cho ai đó thực sự yêu thích công việc này để phát triển nó lên, chứ không muốn "cơ ngơi" này mai một đi hoặc biến thành chỗ buôn bán", ông Thi bâng khuâng nói về kho máy hát cổ mà cả đời ông dành tâm sức phục hồi, lưu giữ. Ảnh: Lý Hoàng Long

Tiếng lành đồn xa, người sưu tầm trong và ngoài nước bắt đầu biết và đặt hàng. Nguyễn Thi càng theo đuổi càng bị cuốn hút, cứ thế ông trở thành chuyên gia phục chế máy cổ từ lúc nào không biết.

Tôi sống độc thân nên định sẽ tặng hoặc giao lại cho ai đó thực sự thích công việc này để phát triển nó lên, chớ không muốn “cơ ngơi” này mai một đi hoặc biến thành chỗ buôn bán

Ông Nguyễn Thi

Nếu đã quá quen thuộc với những điểm check-in nhàm chán ở Đà Lạt, hãy một lần ghé Café & bảo tàng máy hát cổ Thi Tuấn để tìm về quá khứ với những giai điệu bất hủ./.

 Thực hiện: Lý Hoàng Long

https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/nguoi-phuc-che-may-hat-cu-299505.html


top